Nhật Bản tăng cường chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về hội nhập

Trần Minh Giang| 22/11/2016 22:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 22/11/2016, ông Sakuma Tatsuya, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo của Bộ Tư pháp Nhật Bản đã đến thăm, làm việc tại TANDTC Việt Nam.

 Thừa ủy quyền của lãnh đạo TANDTC, ông Ngô Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế tiếp và làm việc với ông Sakuma Tatsuya.

Trao đổi với ông Sakuma Tatsuya, ông Ngô Cường bày tỏ vui mừng về những thành tựu đã đạt được trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản, đánh dấu bằng việc hai nước ký “Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” vào năm 2014. Trên bình diện quốc tế, hai nước cũng tích cực phối hợp tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, hợp tác Mekong - Nhật Bản...

Trong bối cảnh hợp tác phát triển giữa hai nước, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp trong hai thập kỷ qua cũng đã đạt được rất nhiều thành quả. Những năm qua, Viện Nghiên cứu - Đào tạo của Bộ Tư pháp Nhật Bản đã cùng với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và các cơ quan hữu quan của Nhật Bản đã dành cho Việt Nam nhiều hoạt động thiết thực trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật. Điển hình là các Dự án sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam như: Dự án “Hợp tác về pháp luật và tư pháp”, Dự án “Hài hòa hóa pháp luật hiện hành và Thống nhất áp dụng pháp luật hướng tới năm 2020” được ký kết năm 2015, Việt Nam đã thu nhận được nhiều kiến thức, kinh nghiệm hữu ích từ các giáo sư, chuyên gia pháp luật Nhật Bản.

Nhật Bản tăng cường chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về hội nhập

Ông Ngô Cường (bên phải) trao đổi với ông Sakuma Tatsuya

Các dự án này đã giúp Việt Nam phục vụ quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực thi nhiều đạo luật quan trọng trong hệ thống pháp luật (BLDS, BLTTDS, BLTTHS, Luật Thi hành án dân sự, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Phá sản doanh nghiệp, Luật TTHC, Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm...). Đặc biệt, đối với BLDS của Việt Nam, các giáo sư, các chuyên gia Nhật Bản đã tham gia tư vấn, đóng góp rất nhiều ý kiến hữu ích. Đối với TAND Việt Nam, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã giúp TANDTC, các TAND địa phương và Học viện Tòa án Việt Nam triển khai các hoạt động, cùng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về lĩnh vực pháp luật, tư pháp.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Sakuma Tatsuya, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo của Bộ Tư pháp Nhật Bản bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp. Trên cơ sở những thành công của các dự án hợp tác với Nhật Bản từ 1996 - 2015, Dự án hợp tác giai đoạn 5 năm (2015-2020) đã được Chính phủ hai nước xây dựng và chính thức đưa vào thực hiện từ tháng 4/2015 với tên gọi “Hài hòa hóa pháp luật hiện hành và Thống nhất áp dụng pháp luật hướng tới năm 2020”. Mục tiêu tổng thể của Dự án là “Tăng cường năng lực các cơ quan pháp luật, tư pháp ở Trung ương và địa phương trong công tác thẩm định, thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, nghị định, công tác thi hành pháp luật”. Thông qua buổi làm việc với TANDTC Việt Nam, ông Sakuma Tatsuya cho rằng đã tìm hiểu và nắm bắt thêm được nhiều thông tin về hệ thống pháp luật và tư pháp ở Việt Nam, qua đó góp phần tăng cường hợp tác giữa Viện Nghiên cứu và Đào tạo thuộc Bộ Tư pháp Nhật Bản với các cơ quan đối tác tại Việt Nam nói chung và TANDTC nói riêng.

Phương hướng hợp tác trong thời gian tới, ông Ngô Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC Việt Nam và ông Sakuma Tatsuya, Viện trưởng Viện Nghiên cứu - Đào tạo của Bộ Tư pháp Nhật Bản tin tưởng rằng, hai bên sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Dự án JICA giai đoạn 2015-2020; đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng về luật. Bên cạnh đó, Nhật Bản tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ về kỹ thuật, nâng cao năng lực cho cán bộ phía Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế cũng như cải cách tư pháp.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhật Bản tăng cường chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về hội nhập