Nhập nhằng khái niệm cây vàng tâm và cây gỗ mỡ

Văn Nhân| 22/03/2015 08:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mới đây, một số tờ báo đăng tải bài viết trong đó có ý kiến của một số chuyên gia lâm nghiệp nói rằng Hà Nội trồng cây gỗ mỡ chứ không phải cây vàng tâm. Tuy nhiên, lại có thông tin rằng cây vàng tâm và cây gỗ mỡ là tên gọi chung của một loại cây?.

Ngay sau khi có những thông tin trên, dư luận đồng loạt đặt câu hỏi, thậm chí bức xúc cho rằng đó là việc “treo đầu dê bán thịt chó”. Có người thì lại nói, thông tin là trồng cây vàng tâm giờ lại trồng cây gỗ mỡ liệu có phải là gian lận, đánh lừa dân hay không?.

Vì thông tin trên các tờ báo cho rằng cây vàng tâm là cây gỗ quý rất có giá trị, còn cây mỡ chỉ là loại cây công nghiệp không thể so sánh với gỗ vàng tâm.

Tuy nhiên, có một số khái niệm thấy rằng cây gỗ mỡ là một cách gọi khác của cây vàng tâm. Và trong chuyện này đã có sự nhầm lẫn gì chăng?

Thông tin trên Wekipedia, gỗ mỡ hay vàng tâm có danh pháp khoa học là Magnolia conifera là một loài thực vật có hoa trong họ Magnoliaceae (chi Mộc lan).

Cây gỗ mỡ loại nhỡ cao 20-25m, đường kính 30–60 cm. Thân đơn trục thẳng, tròn đều, độ thon nhỏ. Vỏ nhẵn màu xám xanh, không nứt, nhiều lỗ bì tròn; lớp vỏ trong màu trắng ngà, thơm nhẹ. Cành non xanh nhạt gần thẳng góc với thân chính.

Lá kèm bao chồi rụng sớm để lại sẹo vòng quanh cành. Lá đơn nguyên mọc cách, hình trái xoan hoặc trứng ngược, đầu và đuôi lá nhọn dần; phiến lá dài 12–15 cm, rộng 2–6 cm, mặt trên màu lục thẫm, mặt dưới nhạt hơn, hai mặt lá nhẵn, gân lá nổi rõ, có từ 12-15 cặp gân phụ.

Hoa lớn, dài 6–8 cm, mọc lẻ ở đầu cành. Bao hoa có 9 hoặc 11 cánh, màu trắng; 3 cánh ngoài cùng phớt xanh. Quả đại kép hình trứng hoặc hình trụ. Hệ rễ hỗn hợp.

Nhập nhằng khái niệm cây vàng tâm và cây gỗ mỡ

Rừng cây gỗ mỡ trồng khu rừng tái sinh thuộc rừng quốc gia Tát Kẻ (Tuyên Quang)

Mỡ chủ yếu dùng phủ xanh đất trống sau khai thác rừng, phục hồi rừng nghèo kiệt, khó thích nghi ở đất trống đồi trọc. Gỗ mỡ là sản phẩm từ cây mỡ, tên thương phẩm quốc tế là Mo. Gỗ mỡ mềm, thớ thẳng, mịn, dễ gia công, khó bị mối mọt.

Gỗ mỡ có phần gỗ giác màu xám trắng, phần gỗ lõi màu vàng nhạt hơi có ánh bạc. Gỗ mỡ dùng chủ yếu cho nguyên liệu giấy, sản xuất ván lạng, dùng làm bút chì, làm trụ mỏ và cũng có thể đóng đồ gia dụng, làm nhà cửa.

Gỗ lõi cây mỡ lâu năm rất quý, được gọi là Gỗ Vàng Tâm, đường kính hơn 1 mét. Gỗ vàng tâm nhẹ và bền nên hay làm cung đình, nhà thờ, nhà chùa, hoành thiên, câu đối, áo quan, tượng Phật…

Như vậy, theo khái niệm trên vàng tâm là tên gọi của loại gỗ lấy từ lõi của cây mỡ lâu năm. Nếu muốn có được gỗ vàng tâm thì cây gỗ mỡ phải là cây cổ thụ hàng vài chục năm. Cây gỗ mỡ được trồng đại trà ở những khu rừng tái sinh, đặc biệt ở rừng quốc gia Tát Kẻ-Bản Bung (Tuyên Quang).

Tuy nhiên, nếu Hà Nội muốn trồng cây gỗ mỡ theo khái niệm này để lấy bóng mát thì rõ ràng không phù hợp. Cây mỡ cao, thẳng nhưng tán lại rất hẹp và theo ý kiến của các chuyên gia lâm nghiệp thì cây gỗ mỡ không phù hợp với chất đất ở Hà Nội.

Một khái niệm khác nữa về cây vàng tâm là nó cũng thuộc chi Mộc lan, có đặc điểm giống cây gỗ mỡ nhưng lá cây hoàn toàn khác nhau. Cây mỡ lá gần giống với bạch đàn, còn cây vàng tâm lá giống mặt lá nhãn. Cây vàng tâm tán rộng không lưa thưa như cây gỗ mỡ. Và để trồng, chăm sóc được cây vàng tâm ở phố là rất khó.

Nhập nhằng khái niệm cây vàng tâm và cây gỗ mỡ

Đây được cho là cây vàng tâm gỗ quý hiếm

Theo tài liệu chuyên môn của ngành lâm nghiệp gỗ vàng tâm hay còn gọi là mỡ rừng thuộc nhóm IV, hiện còn số lượng không nhiều tại những cánh rừng tự nhiên. Tài liệu này cũng gọi cây vàng tâm là cây mỡ.

Chính những khái niệm đang “đá nhau” này khiến nhiều người chưa hiểu là cây vàng tâm và gỗ vàng tâm có khác nhau hay không?.

Rõ ràng, theo nhà lâm nghiệp Lê Huy Cường - Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp trao đổi với Vietnamnet khẳng định cây trồng thay thế ở Hà Nội là cây gỗ mỡ chứ không phải vàng tâm. Nhưng theo khái niệm ban đầu thì gỗ vàng tâm lại là sản phẩm của cây mỡ lâu năm?

 Còn Hà Nội thì lại đang trồng cây mỡ với suy nghĩ, cây mỡ chính là cây cho ra gỗ vàng tâm theo khái niệm đó.

Xưa có câu “Mèo già hóa cáo, kháo già hóa vàng tâm”, nhiều loại gỗ khác được dân buôn gỗ làm giả gỗ vàng tâm như kháo, dổi…Ngay cả khái niệm về cây gỗ này vẫn chưa được chỉ ra được rõ ràng thì việc Hà Nội trồng cây mỡ để lấy gỗ vàng tâm cũng là điều dễ lý giải.

Chắc chắn trong vấn đề này có sự nhầm lẫn trong khái niệm. Chúng tôi sẽ trao đổi với các chuyên gia để làm rõ vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhập nhằng khái niệm cây vàng tâm và cây gỗ mỡ