Tin địa phương

Nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão

Vũ Ba 03/10/2024 - 21:26

Thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng vừa có ý kiến chỉ đạo nhanh chóng triển khai các biện pháp phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão.

Theo đó, vừa qua, bão số 3 và mưa lũ đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho thành phố, trong đó thiệt hại về nông nghiệp của nhân dân và các doanh nghiệp chiếm khoảng gần 50% thiệt hại toàn thành phố.

nguyen-duc-tho.jpg
Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng kiểm tra các công trình thủy lợi xung yếu tại huyện Vĩnh Bảo.

Để sớm khôi phục sản xuất nông nghiệp, thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan tích cực triển khai công tác thống kê, hỗ trợ để sớm ổn định, khôi phục sản xuất. Chủ tịch UBND thành phố kêu gọi các hộ nông dân, người dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp,... tiếp tục đồng hành, chia sẻ cùng thành phố, tiếp tục phát huy tính tự lực, tự cường, sáng tạo chủ động khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức khôi phục sản xuất kinh doanh. Đồng thời, thành phố luôn luôn lắng nghe các góp ý, hiến kế để có giải pháp kịp thời, phù hợp, hiệu quả để chung tay khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra.

Thành phố yêu cầu các Sở, ngành và UBND các quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ khẩn trương thực hiện hiệu quả chỉ đạo của UBND thành phố tại Văn bản số 2131/UBND-TL ngày 25/9/2024 về triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra; tiếp tục rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp; chủ động, tích cực huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp để triển khai ngay các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng bị thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật.

Các Sở, ngành và quận, huyện tập trung chỉ đạo, chủ động đẩy mạnh tổ chức sản xuất nông, lâm, thủy sản theo định hướng, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân triển khai kịp thời các giải pháp phục hồi sản xuất, nhất là trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi, việc cung ứng các loại giống cây trồng, vật nuôi tại những vùng bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân trong những tháng cuối năm 2024, đặc biệt là dịp Tết nguyên đán 2025.

Các cơ quan, địa phương tổ chức theo dõi, giám sát, nắm chắc tình hình thúc đẩy sản xuất kinh doanh ngành nông nghiệp, nhất là việc cung, cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu, giá cả vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn để chủ động có giải pháp bảo đảm nguồn cung, kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ trục lợi bất chính, thao túng tăng giá đột biến, bất hợp lý, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đôn đốc các ngành, địa phương thực hiện các nội dung trên, kịp thời báo cáo UBND thành phố những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.

nong-nghiep.jpg
Đại diện Sở NN&PTNT TP. Hải Phòng thông tin về tình hình thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo thông tin mới nhất từ Văn phòng UBND TP. Hải Phòng, trên địa bàn thành phố, bão số 3 khiến 2 người tử vong, 67 người bị thương; 1 chiến sĩ hi sinh trong khi làm nhiệm vụ giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau bão; ây hư hại cho 11.870 nhà ở, 64 công trình quốc phòng, 603 điểm trường, 237 cơ sở y tế, 1.046 công trình văn hóa, di tích lịch sử văn hóa; ảnh hưởng thiệt hại trên 23.300 ha lúa, trên 2.900 ha hoa màu, trên 695.000 cây cảnh, cây hoa, trên 7.100 ha diện tích rừng, trên 124.700 cây xanh gãy đổ … Tổng số tiền thiệt hại ước tính do bão số 3 gây ra trên địa bàn thành phố là trên 12.200 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT TP. Hải Phòng, ước tính đến ngày 30/9/2024, bão số 3 đã gây thiệt cho ngành nông nghiệp trên địa bàn thành phố khoảng là 4.881,898 tỷ đồng .

Cụ thể, về lĩnh vực trồng trọt, ước tính thiệt hại 2.628,49 tỷ đồng, trong đó tổng diện tích cây trồng bị ảnh hưởng (không tính hoa, cây cảnh) là 32.637,2 ha tương đương 2.346 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, tổng diện tích rừng bị thiệt hại 7.192,39 ha, (trong đó thiệt hại hoàn toàn trên 70% là 823,17 ha; thiệt hại rất nặng từ 50-70% là 1.565,6 ha; thiệt hại nặng từ 30-50% là 4.344,54 ha; thiệt hại một phần dưới 30% là 459,08 ha), ước tính thiệt hại 529,4 tỷ đồn.

Lĩnh vực chăn nuôi ước thiệt hại 381,7 tỷ đồng, trong đó có 6.986 con gia súc, 1.324.574 con gia cầm và 81.150 con các loại vật nuôi khác bị chết, cuốn trôi. Lĩnh vực thủy sản ước thiệt hại 1.305,4 tỷ đồng.

Trên địa bàn thành phố, hệ thống thủy lợi ước thiệt hại 36,8 tỷ đồng; đê từ cấp III đến cấp đặc biệt ước thiệt hại 0,51 tỷ đồng; đê từ cấp IV trở xuống, đê bối, bờ bao ước thiệt hại 3,6 tỷ đồng; kè ước thiệt hại 4,01 tỷ đồng; kênh mương bị sạt, trôi, hư hỏng ước thiệt hại 9,3 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão