Thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo đã dược Đảng và Nhà nước triển khai. Trong thời gian tới, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo sẽ giảm đi, thay vào đó là các chính sách tạo điều kiện giúp thoát nghèo hiệu quả.
Tập trung nguồn lực cho vùng đặc biệt khó khăn
Nhân Tháng vì người nghèo, trong phiên họp Chính phủ tháng 9 vừa qua, Thủ tướng đã có chỉ đạo đối với các lĩnh vực an sinh xã hội nói chung, giảm nghèo nói riêng. Trong đó, chính sách giảm nghèo vẫn tiếp tục được ưu tiên, nhất là đối với người nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng miền núi để giảm khoảng cách chênh lệch. Bởi hiện nay vẫn có nhiều huyện miền núi tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 30 - 40%, cá biệt có nơi chiếm tới 50%. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tập trung dành nguồn lực để giúp địa phương miền núi, vùng khó khăn thoát nghèo. Những chính sách cụ thể của đồng bào dân tộc phải được xem xét lại, hỗ trợ, tạo điều kiện cho họ thoát nghèo như học tập, học nghề... để giảm nhanh tốc độ nghèo. Ngoài ra, Thủ tướng đã có ý kiến về việc không để chuẩn nghèo theo thu nhập mà tiếp tục nghiên cứu xây dựng chuẩn nghèo đa chiều; chỉ đạo các địa phương nghiêm túc trong việc đánh giá, triển khai chính sách của Chính phủ về giảm nghèo để đảm bảo thực chất. Những trường hợp làm không đúng phải bị xem xét trách nhiệm và chỉ đạo cụ thể xuống địa phương.
Nhiều hoạt động vì người nghèo đã được triển khai một cách thiết thực
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Chênh lệch giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo là không đáng kể, vì vậy việc thiết kế chính sách cho hộ cận nghèo phải được tăng lên. Về thiết kế chính sách, Chính phủ dành ưu tiên theo thứ tự cho đối tượng là hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo. Trước đây, hộ mới thoát nghèo không được hưởng chính sách nhưng Chính phủ đã điều chỉnh hộ mới thoát nghèo vẫn tiếp tục được hưởng một số chính sách trong 1 năm. Sau đó, nếu hộ đó thoát nghèo sẽ được hưởng chính sách cận nghèo (tăng cường vay vốn, bảo hiểm y tế cũng như một số chính sách khác).
Tránh “bệnh” thành tích
Trả lời về vấn để bình xét hộ nghèo tại các địa phương, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Thông tư số 21/2012/TT-BLĐTBXH về việc hướng dẫn quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm. Theo Thông tư, từng cơ sở, từng thôn, bản phải xác lập danh sách hộ nghèo, trên cơ sở đó có bình xét công khai của các cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể tham gia. Địa phương nào bình xét hộ nghèo theo cách “xoay vòng”, tức là nhà này được thì năm sau nhường nhà khác, là trái với quy định. Cách làm đó cần phải được xem lại và chỉ đạo cho rà soát lại.
Việc bình xét hộ nghèo, các địa phương phải làm không vì thành tích, không vì tỷ lệ mà phải vì thực chất số người nghèo đến đâu. Địa phương nào ấn định tỷ lệ hộ nghèo là trái với quy định và không được công nhận. Chính quyền các cấp cần kiểm tra, xem xét, thậm chí phải hủy kết quả trái quy định đó, để bảo đảm các hộ nghèo đều được hưởng chính sách.
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra và có văn bản yêu cầu các địa phương làm đúng chính sách bình xét hộ nghèo. Thanh tra phát hiện đơn vị nào làm không đúng yêu cầu sẽ phải tiến hành rà soát lại để bình xét cho đúng. Tháng 10/2014, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức rà soát việc bình xét hộ nghèo.
Về một số thông tin phản ánh việc “chạy” hộ nghèo ở một số địa phương, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu xem xét lại ở các địa phương bị phản ánh. Theo bà Chuyền, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo là nhằm giúp họ chủ động vươn lên là chính. Trước mắt, trong năm 2014 - 2015, việc hỗ trợ giúp các hộ nỗ lực thoát nghèo như: vay vốn, tạo việc làm, xuất khẩu lao động sẽ tiếp tục được phát huy. Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo sẽ giảm đi.
Theo các chuyên gia, đây là chính sách phù hợp bởi điều này đồng nghĩa với việc trao cho người nghèo “cái cần câu” chứ không phải cho họ “con cá”.
Xây dựng chuẩn nghèo đa chiều
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chuẩn nghèo chỉ tính trên phần thu nhập sẽ không phù hợp, vì vậy Bộ đã đề xuất với Chính phủ nghiên cứu xây dựng chuẩn nghèo đa chiều. Vấn đề này đang được xin ý kiến của các tổ chức, cá nhân, địa phương để có cơ sở xây dựng chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trong năm 2016 - 2020.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nêu rõ: Chuẩn nghèo của Việt Nam hiện nay được tính dựa trên thu nhập. Chuẩn nghèo này được tính theo từng giai đoạn. Giai đoạn tới, việc chuẩn nghèo chỉ tính trên thu nhập là chưa phù hợp với xu thế chung, kể cả các nước trong ASEAN. Vì vậy, Chính phủ đã đồng ý cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu chuẩn nghèo đa chiều. Chuẩn nghèo đa chiều trong đó có nghèo về thu nhập, nghèo về thụ hưởng an sinh xã hội (chăm sóc y tế, học tập, nhà ở)... Trên cơ sở đó, tùy từng đối tượng sẽ có hỗ trợ tương ứng.
Dự kiến, đến năm 2015 sẽ công bố chuẩn nghèo đa chiều để áp dụng vào năm 2016. Với đối tượng nghèo do nhiều nguyên nhân, như cơ sở vật chất khó khăn, đời sống thiếu thốn; không có khả năng lao động, không có kinh nghiệm sản xuất; do gia đình có người ốm đau, dẫu được hỗ trợ nguồn lực vẫn không lao động sản xuất, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ đề xuất chuyển sang hộ được hưởng bảo trợ xã hội. Các nhóm đối tượng khác ở các vùng khó khăn, Chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư như: 62 huyện nghèo, 30 huyện được hưởng 70% theo quy định, sẽ tiếp tục được đầu tư, tăng cường hạ tầng cơ sở: thủy lợi, giao thông, phúc lợi tối thiểu, giúp họ có điều kiện phát triển sản xuất để thoát nghèo. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tăng mức cho vay đối với hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, giảm dần chính sách cho không, chỉ giải quyết những trường hợp đặc biệt khó khăn. Có như vậy nhiều đối tượng ở các khu vực khác nhau mới được thụ hưởng.
Theo kế hoạch của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tháng cao điểm “Vì người nghèo” sẽ bắt đầu từ 17/10 đến 18/11/2014. Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ và Ban vận động “Ngày vì người nghèo” các cấp phối hợp vận động các Tổng Công ty, các doanh nghiệp, doanh nhân ủng hộ “Quỹ vì người nghèo” các cấp và chương trình An sinh xã hội. Các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ và Ban vận động “Ngày vì người nghèo” các cấp xây dựng, triển khai kế hoạch tổ chức “Tháng cao điểm vì người nghèo”, tiếp tục vận động “Quỹ vì người nghèo” phối hợp thực hiện các nội dung chăm lo cho người nghèo theo Quy chế Quỹ thực hiện Cuộc vận động. Lễ phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” dự kiến vào ngày 17/10/2014. |