Nhân ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10/8/2016): Da cam thân con, đớn đau đời mẹ

Nam Hoàng| 10/08/2016 17:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau da cam còn đọng lại dai dẳng trên khắp đất nước Việt Nam. Theo ước tính, cả nước có khoảng 4,8 triệu người bị nhiễm chất độc này, trong đó có hàng ngàn người là nạn nhân thế hệ thứ hai.

Thật khó để đong đếm hết nỗi đau của những người mẹ khi phải chứng kiến “giọt máu” của mình sinh ra với hình hài, trí óc không toàn vẹn. Và, những giọt nước mắt đắng đót ấy vẫn kéo dài cho đến tận bây giờ...

Nuôi con trong nước mắt

Có lẽ, sẽ chẳng có nỗi đau nào lớn hơn trong cuộc đời người phụ nữ khi sinh ra những đứa con không lành lặn. Nỗi đau ấy dài đến hết cuộc đời và có khi nhắm mắt xuôi tay vẫn không thể an lòng. Hòa bình đã trở lại nhưng đối với bà Đào Thị Phượng (SN 1954, ở số nhà 25, ngõ 630, đường Trường Trinh, Hà Nội) thì nỗi đau chiến tranh dường như chưa bao giờ kết thúc.

40 năm về trước, khi lập gia đình cùng với ông Phạm Công Cảnh (SN 1951), một thương binh hạng ¾, bà Nguyệt chỉ nghĩ rằng, với những người lính từng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và đã hiến dâng một phần xương máu cho Tổ quốc, thì họ xứng đáng được nhận những bù đắp ngọt ngào nhất. Thế cho nên, mặc dù gia đình, người thân cấm cản, bà vẫn quyết định đến với ông bằng tình yêu chân thành xen lẫn sự kính trọng.

Lấy nhau được một năm thì bà sinh con gái đầu lòng Phạm Thu Nga (SN 1978). Nga khỏe mạnh, xinh xắn, bụ bẫm khiến bà như trút được nỗi lo canh cánh trong lòng. Bởi trước đó, bà đã nghe kể và cũng từng chứng kiến nhiều gia đình phải đớn đau, buốt xót khi sinh ra những đứa con bị nhiễm chất độc da cam. Bà thầm cảm ơn trời phật đã đoái thương. Hai năm sau, vợ chồng bà sinh tiếp đứa con gái thứ hai. Mong con mình sau này lớn lên xinh đẹp, rạng rỡ và có cuộc sống tròn đầy, viên mãn, bà đặt tên con là Phạm Ánh Nguyệt (SN 1980). Thế nhưng, kể từ sau khi Nguyệt ra đời, bi kịch cứ nối dài đến với gia đình nhỏ bé của bà.

Ngay từ khi mới sinh ra, các bác sỹ đã chẩn đoán Nguyệt bị nhiễm chất độc da cam, cơ thể èo uột, tím tái. Cả gia đình chăm bẵm, thuốc thang, ấy thế mà Nguyệt nuôi mãi không chịu lớn. Đối với những đứa trẻ bình thường khác thì “ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò”, còn Nguyệt lên 3 tuổi vẫn chỉ khẽ ngóc ngóc được cái đầu lên đôi chút, lên 7 tuổi mới bắt đầu biết đứng vịn thành giường. Vợ chồng bà Phương mang con đi chạy chữa khắp các bệnh viện từ Hà Nội đến Hải Dương, Hải Phòng mà vẫn chẳng ăn thua, Nguyệt vẫn ăn, ngủ xe lăn.

Suốt mấy chục năm nay, cuộc sống của Nguyệt vẫn vậy, vẫn gắn liền với chiếc xe lăn. Và cũng ngần ấy năm, bà Phương không mấy khi dám rời con mình nửa bước. Bởi, tất tật mọi sinh hoạt của Nguyệt từ ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân… đều phải trông chờ vào người khác. Cả ngày, thỉnh thoảng cô mới hu huơ vài câu, phần lớn thời gian còn lại, cô chỉ… cười. Nhìn con cười vô thức, bà Phượng lại khóc.

Nhân ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10/8/2016): Da cam thân con, đớn đau đời mẹ

Bà Phượng chăm sóc con gái 

Do phải lo bươn chải kiếm sống và lo tiền thang thuốc cho con nên sức khỏe ông Cảnh ngày càng suy giảm. Mỗi khi trái gió trở giời, vết thương trên đỉnh đầu từ thời chiến tranh lại hành hạ ông dữ dội, gia đình thuốc thang chạy chữa mãi cũng không thấy có dấu hiệu gì thuyên giảm. Không những thế, vết thương quái ác đó nó còn biến chứng thêm khiến ông như người bị bệnh thần kinh, lúc nhớ lúc quên, lúc nổi nóng bất thường.

Từ năm 1981, bệnh của ông Cảnh trở nên trầm trọng, tính khí thất thường, nói cười lảm nhảm. Thỉnh thoảng thấy trong người “khó ở”, ông bỏ nhà đi lang thang sống phiêu bạt ngoài sương gió. Mỗi lần như thế, cả gia đình bà Phượng lại tất tả đi tìm. Yêu chiều, nịnh nọt để ông từ bỏ máu “giang hồ”, nhưng cũng chỉ dăm bữa nửa tháng ông lại cất bước ra đi.

“Lá xanh” rụng trước “lá vàng”

Với hàng ngàn, hàng vạn bà mẹ như bà Phượng trên đất nước Việt Nam, thật khó để đong đếm hết được nỗi đau mà chất độc da cam mang lại. Thậm chí có những người vợ, người mẹ 5 - 7 lần mang nặng đẻ đau rồi lần lượt phải chứng kiến con mình “về với tổ tiên” như trường hợp bà Hoàng Thị Điểm (SN 1962), vợ cựu chiến binh Nguyễn Công Đính (SN 1956, ở Hậu Thành 1, Tây Thành, Yên Thành, Nghệ An). Nỗi đau của những người làm mẹ, làm vợ như bà, thật khó văn bút nào tả xiết.

Năm 1973, khi vừa tròn 17 tuổi, mặc dù thấp bé, nhẹ cân nhưng ông Nguyễn Công Đính vẫn xung phong lên đường nhập ngũ. Sau vài tháng huấn luyện, ông được điều về Đại đội 7, Trung đoàn 463, Quân đoàn 2, trực tiếp cầm súng chiến đấu tại các chiến trường miền tây Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng. Đến năm 1978, ông tiếp tục tham gia bảo vệ vùng biên giới miền Bắc.

Năm 1980, ông Đính trở về quê nhà, lập gia đình với bà Điểm. Sáu đứa con lần lượt chào đời là động lực, là nguồn vui để vợ chồng ông xây dựng cuộc sống hạnh phúc. Nhưng bất hạnh ập xuống khi những đứa con bé bỏng của ông bà lần lượt từ bỏ cuộc sống vì di chứng chất độc da cam, như: điếc, xuất huyết tiểu cầu, tràn dịch màng bụng, bầm tím da, lở loét toàn thân, phù toàn thân không đi lại được, vỡ u ở đầu, hoại thận nặng và đái ra màng. Vì đau đớn, vì thương khóc mà hai mắt của bà Điểm dần bị lòa đi.

Nhân ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10/8/2016): Da cam thân con, đớn đau đời mẹ

Cần sẻ chia với các nạn nhân chất độc da cam

“Trong số 6 người con đã mất, cháu Đạt khiến vợ chồng tui ân hận, xót xa nhất. Biết con sắp mất, vợ chồng tui chẳng thể làm được gì để cứu. Thằng bé vẫn khát khao được sống lắm. Trước lúc mất, cháu bảo: "Bố mẹ hãy thương con, đưa con đi bệnh viện chữa thêm một lần cuối cùng được không?". Nghe con nói mà vợ chồng tui nghẹn lại, rồi đưa cháu xuống BV Đa khoa Vinh chạy chữa. Để có tiền chi trả viện phí, mua thuốc thang, tui đã âm thầm đi bán máu. Thế nhưng, bệnh tình cháu đã ở giai đoạn cuối nên các bác sĩ đành trả về gia đình. Lúc tui bế cháu cũng là lúc cháu đã tắt hơi”, bà Điểm kể.

Sáu người con lần lượt “ra đi”, nhưng khát khao có con của vợ chồng ông vẫn còn mãnh liệt. Thế rồi, 6 người con tiếp theo của ông bà lần lượt ra đời. Như một phép màu, đôi mắt của bà Điểm cũng dần sáng lại. Nhưng, 6 người con này lớn lên, bốn cô con gái đều rất xinh xắn, còn hai anh con trai thì mỗi người lại mang một thứ bệnh khác nhau.

Anh Nguyễn Văn Đào, người con thứ 7 trong số 12 đứa con của ông bà hiện đã có vợ nhưng không tránh khỏi ảnh hưởng chất độc màu da cam, bị liệt nửa người. "Nó bị bệnh “chết mòn” nên cuộc sống gia đình chật vật trăm bề. Cách đây vài năm, nó lập gia đình và sinh ra cháu gái đầu lòng, nhưng cũng bị di chứng Dioxin hành hạ. Hiện cái đầu của cháu nó nhô dài to như cái nón. Hai bố con nó không biết sống chết ra sao đây?", ông Đính buồn bã nói.

Còn cậu con trai út Nguyễn Văn Đoàn, niềm hy vọng của gia đình ông Đính, bà Điểm cũng chẳng khác gì “ngọn đèn dầu trước gió”. “Bình thường cháu chơi ngoan thế thôi nhưng nó bị suy kiệt nghiêm trọng về sức khỏe. Lại mắc thêm cái bệnh máu không đông nên thân hình nó ngày càng tiều tụy, đầy những vết lở loét, bầm tím mà gia đình không đủ tiền điều trị. Không biết rồi đây nó sẽ sống ra sao?”, bà Điểm nghẹn ngào.

Sự hy sinh của những người mẹ có con bị di chứng chất độc da cam như bà Phượng, bà Điểm là quá lớn. Những người mẹ ấy từ khi sinh con ra đã quên mất bản thân mình, dồn hết tình yêu thương cho những người con. Và, trên con đường đời chông gai, họ không đơn độc. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, biện pháp tích cực để khắc phục hậu quả của cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất và dài ngày nhất trong lịch sử loài người. Cùng với đó, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, với trách nhiệm lương tâm và tình người đã nhiệt tình giúp đỡ các nạn nhân và gia đình cả về vật chất và tinh thần, tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Thiết nghĩ, chăm lo đến nạn nhân chất độc dacam/dioxin không chỉ là trách nhiệm mà là nghĩa vụ của mỗi người. Chính vì vậy, cần lắm sự vào cuộc rốt ráo của chính quyền cũng như sự chung tay của toàn xã hội. Có như thế, nỗi đau da cam mới phần nào được chia vơi.

Với 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó có 61% là chất da cam được phun rải ở Việt Nam từ năm 1961 đến 1971, Mỹ đã gây nên một thảm họa da cam chưa từng có trong lịch sử loài người. Ước tính có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, sống tập trung tại các tỉnh dọc đường Trường Sơn và biên giới với Campuchia. Hàng trăm nghìn người trong số đó đã qua đời. Hàng triệu người và cả con cháu của họ đang phải sống trong bệnh tật, nghèo khó do di chứng của chất độc này để lại.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10/8/2016): Da cam thân con, đớn đau đời mẹ