Chiều nay (15/8), UBND xã Bình Phú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại đoàn thanh niên xã, cùng nông dân, chủ hộ nuôi cá hồ thủy lợi Phước Hà đã thu gom và xử lý khoảng 2 tấn cá chết.
“Do số lượng cá chết quá lớn nên vẫn chưa gom hết, chúng tôi sẽ lên kế hoạch triển khai trong những ngày tiếp theo”, lãnh đạo UBND xã Bình Phú thông tin.
Trong khi đó, bà Hoàng Thị Kim Yến, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam) cho hay, chi cục đã đến hiện trường để tìm hiểu, lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, chưa lấy được mẫu chuẩn nên chưa gửi ra Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 phân tích nguyên nhân. Bà cũng cho biết thêm, trong tuần này chi cục sẽ tiếp tục lấy mẫu để gửi đi xét nghiệm.
Các đoàn viên thanh niên thu gom cá chết
“Qua một số mẫu giải phẫu tại phòng thí nghiệm kết hợp với việc trao đổi chuyên môn, nhận định ban đầu có thể là do thời điểm này vi khuẩn streptococcus phát triển mạnh tấn công vào não cá rô phi. Hơn nữa, thời tiết nắng nóng, mực nước trong hồ xuống thấp cũng tác động đến sức khỏe của cá”, bà Yến nói
Theo vị cán bộ này, việc nuôi thả cá tự nhiên ở hồ chứa, diện tích rộng nên việc phòng và điều trị bệnh khó khăn, tốn kém vì không có tác động kỹ thuật, không thể bổ sung chất kháng sinh thông qua thức ăn. Bà nói và khuyến cáo “Nên thả cá giống với mật độ vừa phải”.
Như Báo Công lý đã thông tin, từ đầu tháng 8/2016, tại hồ thủy lợi Phước Hà (xã Bình Phú) cá liên tục chết hàng loạt nổi trắng hồ. Trên bờ cá chết nằm la liệt, xếp lớp và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Số lượng cá chết ngày càng tăng lên khiến những hộ nuôi cá rất lo lắng. Cá rô phi chết mỗi ngày khoảng 800-900 con/ngày, cá mè chết khoảng 400-500 con/ngày, tổng thiệt hại ước tính khoảng 7 triệu đồng/ ngày. Được biết, cá được thả vào hồ Phước Hà từ tháng 2/2016, với sống lượng là 13 vạn con, gồm: 8 vạn cá mè, còn lại là cá trắm, cá trôi, cá ba sa và cá rô phi. Tổng số tiền cá giống là 90 triệu đồng, tiền đấu thầu mặt nước là 340 triệu/5 năm.