Quốc hội lại thảo luận về Luật Phòng chống rửa tiền khi việc xác định phạm vi điều chỉnh của luật chưa rõ ràng. Có đại biểu nhận xét dự thảo vừa thiếu, vừa thừa.
Thảo luận tại hội trường Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, muốn phòng chống hành vi gì thì phải nhận diện được hành vi ấy. Tuy nhiên, dự thảo luật vẫn chưa liệt kê các biểu hiện của hành vi rửa tiền.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Theo Dự thảo luật thì "rửa tiền" là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, được quy định trong Bộ luật Hình sự và những hành vi sau đây: Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có; Chiếm hữu tài sản mà tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có.
Có đại biểu chất vấn tại sao không liệt kê cụ thể để nhận dạng hành vi rửa tiền như liệt kê 12 hành vi tham nhũng trong Luật Phòng, chống tham nhũng?
Trong khi đó dự luật lại có những điểm mà các đại biểu cho là “thừa” bởi đã có trong Bộ luật Hình sự và nhiều văn bản pháp luật khác đã có các điều khoản liên quan đến hành vi tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có. Điều hiển nhiên theo Luật Ban hành văn bản pháp luật thì những điều khoản đã quy định ở các văn bản pháp luật khác thì không quy định lại.
Hình như có quan niệm đơn giản là các hành vi rửa tiền chỉ xoay quanh các giao dịch ngân hàng nên sẽ thiếu bao quát. Thực tế phòng chống tham nhũng đã chỉ ra rằng, hành vi rửa tiền có thể được thực hiện qua nhiều hình thức, từ bất động sản như nhà cửa, đất đai trang trại đến các động sản như xe cộ, máy móc…, cũng như các hoạt động kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, quán bar, resort…Vì vậy cần san sẻ trách nhiệm phòng, chống rửa tiền.
Không chỉ các đại biểu Quốc hội và công dân đều lưu ý việc dựa vào tiền mặt như ở nước ta, nếu chỉ “giao” việc phòng chống rửa tiền cho một mình ngân hàng, kể cả có thêm các tổ chức tài chính là không thể phòng chống rửa tiền. Các đại biểu đưa ra bằng chứng là cơ quan phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước sau 6 năm hoạt động chưa phát hiện, xử lý được một vụ rửa tiền nào. Dự luật còn có quy định nguyên tắc phòng chống rửa tiền là “trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân” là không thực tế và không khả thi! Ai cho phép công dân xăm xoi vào tài khoản cá nhân của người khác để tìm hiểu việc rửa tiền? Việc này là của kiểm tra Đảng, Thanh tra, Công an, Viện kiểm sát chứ!
Xem ra để có một hành lang pháp lý để phòng chống rửa tiền, con đường đi tới cần được khai mở rộng rãi hơn với trí tuệ của các nhà lập pháp trên cơ sở lắng nghe, tiếp thu ý kiến của mọi tổ chức, cá nhân. Không nên ép chín và chín ép bộ luật quan trọng trong việc phòng chống tham nhũng này để lại phải sớm sửa đổi điều chỉnh!
Bảo Dân