Văn hóa - Du lịch

Nhà văn Nguyễn Đình Lâm: Tôi viết văn không phải để trở thành nhà văn

Ngọc Mai 23/05/2024 - 10:01

“Có rất nhiều nhà văn khác giỏi hơn tôi. Còn tôi, viết chỉ để chia sẻ và giải tỏa cảm xúc về những người, những việc đã gặp. Với tôi, văn chương chỉ là phương tiện để thể hiện suy nghĩ của mình”, tác giả tập truyện ngắn vừa ra mắt “Dưới tán hoa siren” chia sẻ.

Bức tranh đa sắc về người Việt ở Nga

Là tác giả của nhiều tác phẩm như: “Con kiến tật nguyền”, “Tình yêu hàng chợ”, tiểu thuyết “Mong manh Bạch Dương”… và mới đây nhất là tập truyện ngắn “Dưới tán hoa siren” nhưng ông chỉ nhận mình là người viết văn.

z5467212986993_c7bef3147d0d1cb57773ce9b5dcf67a7.jpg
Bia tập truyện ngắn vừa ra mắt “Dưới tán hoa siren”.

“Có rất nhiều nhà văn khác giỏi hơn tôi. Còn tôi, viết chỉ để chia sẻ và giải tỏa cảm xúc về những người, những việc đã gặp. Với tôi, văn chương chỉ là phương tiện để thể hiện suy nghĩ của mình. Hơn 20 năm ở Nga, tôi không chỉ là du học sinh với bằng Tiến sĩ Sử học mà còn một người lao động làm những công việc nặng nhọc nhất. Có thời gian, tôi làm Tổng giám đốc một trung tâm thương mại, quản lý hơn hai nghìn người nên có quá nhiều chuyện để trở thành chất liệu văn học. Mỗi khi viết, câu chuyện cứ thế tuôn ra, vì nó để lại cho mình quá nhiều ấn tượng sâu sắc mà cả đời không quên được”, tác giả Nguyễn Đình Lâm chia sẻ.

Với cuốn “Dưới tán hoa siren", ông chỉ viết trong 4 tháng. Theo chia sẽ của ông thì đây là cuốn sách ông thích nhất trong những cuốn đã viết, vì nó như một cuốn nhật ký văn chương, thu giữ những kỷ niệm đẹp có, nhức nhối có về những phận người. "Tất cả câu chuyện trong tập truyện ngắn này đều gắn bó với tôi và bạn bè. Vì vậy, nó có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đời tôi", tác giả Nguyễn Đình Lâm khẳng định.

Đó là chuyện về những sinh viên bỏ các kỳ nghỉ hè về nông trường lao động nặng nhọc kiếm tiền, hay mạo hiểm buôn bán chui, tâm trạng lúc nào cũng lo sợ bị bắt; Là những người buôn bán cò con vất vả quanh năm nhưng lại bị lừa tiền, lâm vào cảnh nợ nần, túng quẫn; Những cô gái Việt hiền lương, dòng đời xô đẩy, buộc phải bán thân để tồn tại nơi xứ người...

Trong số 16 truyện ngắn, “Dưới tán hoa siren” và “Chiếc xe đạp cũ” là hai câu chuyện mà nhà văn nói rằng ông ưu tư nhiều.

“Mỗi câu chuyện để lại trong tôi một cảm giác khó quên. Ví dụ trong “Chiếc xe đạp cũ” đó là khi tôi được bà chủ quán đặt hàng làm đá lạnh. Ngay tối đó, tôi đi mua mấy khay đá để tủ lạnh, tôi chờ đến khi thấy được lớp se se trên mặt khay đá mới đi ngủ. Thế nhưng tự dưng mất điện. Tôi dựa lưng vào tủ lạnh lo lắng, sợ ngày mai không có đá đưa cho người ta, người ta cắt cầu của mình thì mình không có tiền mua sữa cho con. Đến nửa đêm, tự nhiên tôi thấy tủ lạnh rung lên sau lưng mình: có điện. Đó là một cảm giác sung sướng vô cùng”.

Một cảm giác khiến tôi nhớ đến tận bây giờ là được ăn miếng thịt mỡ. Hôm đó, tôi làm phụ vữa cho một nhà đổ mái. Xong xuôi thì chủ nhà mời ăn cả một mâm xôi, thịt mỡ lợn. Ăn một miếng xôi, ăn một miếng mỡ lợn mà trời ơi, cảm giác ngầy ngậy trôi từ miệng xuống cổ họng mà đi đến đâu là biết đến đó. Cảm giác này đi theo tôi đến tận bây giờ. Được một bữa ngon, lại có tiền mang về, tôi vừa đạp xe vừa hát vang bài hát của Nga: “Cuộc sống ơi ta mến yêu người”, tác giả nhớ lại.

Dù tâm đắc với văn chương nhưng nhà văn Nguyễn Đình Lâm tiết lộ, đây sẽ là cuốn sách cuối cùng của ông vì muốn dành quãng thời gian còn lại để sống với những sở thích như đi chơi, du lịch, chơi goft với bạn tâm giao…

Truyện ngắn, rất ngắn là một xu thế hợp thời đại

Là một người bạn nhiều năm của tác giả “Dưới tán hoa siren", cũng có khoảng thời gian dài sống trên đất Nga, Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) chia sẻ: “Năm 1991 Liên Xô tan vỡ, tâm trạng cộng đồng người Việt tại Nga chẳng khác gì “bèo dạt mây trôi", người ở người đi, bám trụ sinh sống. Mãi đến năm 1996, cộng đồng người Việt ở Nga mới được thành lập, lúc đó người Việt mới học tập, lao động, buôn bán,... có tổ chức. Anh Nguyễn Đình Lâm xuất phát điểm không phải người tham gia thương trường của nước Nga nhưng số phận đưa đẩy anh từ giáo viên sang học tập rồi trở về nước làm việc, sau đó quay lại nước Nga với mục đích làm ăn sinh sống như muôn ngàn người khác. Và nhiều số phận chìm nổi, thiên đường trên kia cao vời vợi, địa ngục sâu thăm thẳm, có những người chợp mắt ngủ sáng mai tương lai tươi sáng nhưng cũng có người làm cả đời không đủ vé trở về.

z5467213209800_2c4cb2dbc22d5e24b93d3861f40d172a.jpg
Nhà văn Nguyễn Đình Lâm

Anh Lâm viết về những thân phận đó vì anh là người từng trải. Với 20 năm sống, học tập và sinh kế trên đất Nga, anh đã từng lên bổng xuống trầm, từng làm đủ thứ nghề để tồn tại cho đến khi đứng ở vị trí nhiều người mơ ước - Tổng giám đốc một trung tâm thương mại bậc nhất nhì của Matxcova, rồi đến lúc anh đi nghề tay trái sang võ thuật và văn chương”.

Nhận xét về tập truyện “Dưới tán hoa siren”, Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng nói: “Quyển sách này có cái hay là viết về cái tôi. Thực ra sách nào cũng có cái tôi, cái tôi trong thơ rất rõ ràng, trong văn xuôi cũng rất rõ, hình bóng cái tôi trong văn xuôi là hình bóng tự sự, không phải hình bóng trữ tình. Và hình bóng tự sự trong “Dưới tán hoa siren" đó là nhân vật Tâm - người có mặt trong tất cả các tác phẩm. Cho nên để viết tiểu sử ngắn gọn, trích ngang của anh Nguyễn Đình Lâm thì hãy đọc cuốn sách này và qua nhân vật Tâm chính là gương mặt anh Nguyễn Đình Lâm.

Theo kết quả nghiên cứu thì người Việt Nam chỉ đọc 0,85 cuốn sách/năm, còn chưa đọc được 1 quyển trọn vẹn. Người Việt bây giờ có vẻ bớt yêu sách, chỉ yêu Facebook, mạng xã hội,... vì thế nên tôn vinh truyện ngắn, rất ngắn là tốt vì người ta có đủ thời gian nghiền ngẫm. Một điều rất tuyệt vời chính là “Dưới tán hoa siren" đáp ứng đúng và đủ điều này. “Dưới tán hoa siren” là 16 truyện ngắn rất hay, có thực và mở ra một góc nhìn khác về những người Việt trên đất Nga một thời, rất ý nghĩa".

Đồng tình với nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, Luật sư Trần Hữu Huỳnh - người bạn học của tác giả, cũng là nhân vật được “gọi tên" trong truyện ngắn “Chuyến bay nhớ đời" của tập truyện “Dưới tán hoa siren" - anh đánh giá: “Truyện của Nguyễn Đình Lâm rõ ràng là ngắn, có nhiều truyện còn rất ngắn. Văn hay không luận ngắn dài nhưng viết ngắn có vẻ như phù hợp hơn với bạn đọc hiện đại, vốn chật vật giữa các “cơn bão” thông tin vô hạn và sự hạn hữu của thời gian”.

“Bút pháp của tác giả hướng đến sự đơn giản, chắt lọc, chọn hoàn cảnh điển hình hoặc gay cấn để dẫn người đọc trực tiếp đến thẳng sự kiện mà không dài dòng, rất phù hợp với bạn đọc hiện nay. Đằng sau chất bi của những thân phận lầm lũi, cam chịu để mưu sinh qua hàng loạt truyện ngắn: “Dưới tán hoa siren”, “Chuyến buôn cuối cùng”, “Món nợ ân tình”, “Mẹ ơi con xin lỗi”, “Chuyến bay nhớ đời”, “Kẻ phản bội”,.... chúng ta vẫn thấy được chất hài, tình yêu cuộc sống qua những chi tiết sinh động về những bản nhạc, bài hát, bông hoa,... của truyện ngắn “Khổ tận cam lai"... Dù thoảng qua nhưng đủ để người đọc đỡ ngột ngạt về một hiện thực gian khó”, LS Trần Hữu Huỳnh đánh giá.

TS. Nhà văn Nguyễn Đình Lâm quê Nam Đàn, Nghệ An. Ông đã có 20 năm sống, học tập và làm việc ở Nga. Ngoài vai trò là doanh nhân, nhà văn, ông còn là Tiến sĩ Sử học từ khi còn ở xứ sở Bạch Dương. Hiện tại, ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga.

Các tác phẩm từng xuất bản: “Con kiến tật nguyền” (tập truyện ngắn đầu tay, 2004); “Tình yêu hàng chợ” (tập truyện ngắn, 2005); “Mong manh xứ bạch dương” (tiểu thuyết, 2009), đến “Truyện ngắn chọn lọc” (2011), mới nhất “Dưới tán hoa siren”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn Nguyễn Đình Lâm: Tôi viết văn không phải để trở thành nhà văn