Nhà nước sẽ có quyền “tiên mãi”?

congly.com.vn| 13/04/2012 10:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lâu nay, khi chuyển nhượng một mảnh đất, người ta thường khai giá bán trong hợp đồng thấp hơn thực tế để trốn thuế. Đó là một ví dụ cho việc thất thu đối với ngân sách Nhà nước từ tài nguyên đất đai.

Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: M.P)

Tại hội thảo “Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản Nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020” vừa qua, Bộ Tài chính thừa nhận: Hệ thống chính sách tài chính đất đai phức tạp, thiếu tính ổn định; Nguồn lực tài chính từ đất đai chưa được khai thác đầy đủ và chủ động…


Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai của Nhà nước còn để lãng phí lớn, kéo dài. Thời gian tới, Bộ Tài chính đề xuất: Tiếp tục đổi mới chính sách tài chính về đất đai; Nhà nước chủ động điều tiết giá đất trong thị trường bằng quan hệ cung - cầu; bảo đảm xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Theo đó, khung giá đất hiện tại dự kiến sẽ bị bãi bỏ, Chính phủ chỉ quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất để UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất và quyết định giá đất theo cơ chế thị trường. Bảng giá đất được xây dựng chi tiết hơn theo vị trí, vùng, mục đích sử dụng đất và điều chỉnh kịp thời khi thị trường có biến động lớn; làm căn cứ để xác định nghĩa vụ tài chính, tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất và các mục tiêu khác trong quản lý đất đai. Trong trường hợp chưa kịp điều chỉnh bảng giá đất, UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể...


Bên cạnh đó, Nhà nước đẩy mạnh thu hồi đất theo quy hoạch, tạo quỹ đất "sạch" để đấu giá. Thực hiện đấu thầu các dự án có sử dụng đất; hạn chế tối đa tình trạng giao đất, cho thuê đất theo phương thức chỉ định nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, bình đẳng trong việc tiếp cận đất đai đối với các đối tượng có nhu cầu sử dụng đất…


Có ý kiến cho rằng, bên cạnh việc định giá đất sát với giá thị trường, việc chống thất thu từ đất phải được chú trọng để khắc phục tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chủ yếu kiếm lời từ chênh lệch giá đất; có cơ chế buộc người chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải khai báo trung thực giá đất chuyển nhượng. Có ý kiến đưa ví dụ về quyền “tiên mãi” của Nhà nước với các giao dịch đất đai đã được áp dụng ở nhiều nước, theo đó các hợp đồng giao dịch phải đăng ký tại cơ quan Nhà nước và Nhà nước có quyền mua đầu tiên. Trong trường hợp Nhà nước không mua thì giao dịch mới được tiến hành tiếp. Như vậy sẽ không có việc khai báo gian dối giá trị hợp đồng để trốn thuế.


Trung Nguyễn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà nước sẽ có quyền “tiên mãi”?