Theo quy định tại điểm b, Khoản 4, Điều 60 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP thì phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với việc gửi hoặc phát tán tin nhắn rác.
Hiện tại tôi đang dùng mạng di động Viettel và Vinaphone, vài tháng trở lại đây máy điện thoại của tôi thường xuyên nhận được tin nhắn quảng cáo sử dụng các dịch vụ của các nhà mạng (dịch vụ Sống Khỏe, ưu đãi lắp đặt internet cáp quang Viettel dành cho gia đình trong tháng 12, dịch vụ Mocha…) khiến tôi cảm thấy rất phiền toái. Không chỉ có thế, điều làm tôi vô cùng bức xúc là một số dịch vụ như sống khỏe của Viettel mặc dù tôi không đăng ký nhưng vẫn bị tự trừ tiền trong tài khoản 10.000/1 tháng . Xin hỏi luật sư, những tin nhắn quảng cáo dịch vụ có phải là tin nhắn rác? Căn cứ vào đâu để có thể xác định một tin nhắn là tin nhắn rác? Hiện nay có quy định nào để xử lý đối với những cá nhân, tổ chức phát tán tin nhắn rác hay không? Có thể xử lý nhà mạng trong việc tiếp tay cho hành vi phát tán tin nhắn rác không?
Độc giả Đỗ Văn Đông (Hà Nội)
Ảnh minh họa
Trả lời: Dựa trên những thông tin mà bạn đã nêu, chúng tôi tư vấn những quy định của pháp luật về vấn đề mà bạn đang thắc mắc như sau:
Theo khoản 1, Điều 3 Nghị định số 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác đã quy định rõ: “Thư rác là thư điện tử, tin nhắn được gửi đến người nhận mà người nhận đó không mong muốn hoặc không có trách nhiệm phải tiếp nhận theo quy định của pháp luật. Thư rác bao gồm thư điện tử rác và tin nhắn rác.”
Đồng thời tại Điều 5 của Nghị định cũng đã quy định cụ thể về phân loại thư rác. Trong đó thư rác được phân thành hai loại:
Thứ nhất là thư điện tử, tin nhắn với mục đích lừa đảo, quấy rối hoặc phát tán virus máy tính, phần mềm gây hại hoặc vi phạm khoản 2, Điều 12 Luật Công nghệ thông tin.
Thứ hai là thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo vi phạm các nguyên tắc gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo.
Như vậy, để xác định có phải là tin nhắn rác hay không ta có thể căn cứ vào nội dung, mục đích cũng như chủ thể nhận được tin nhắn là ai và họ có mong muốn hay trách nhiệm phải tiếp nhận tin nhắn đó hay không. Thêm nữa, Khoản 1 Điều 6 Nghị định này cũng quy định rằng “ Gửi thư rác là hành vi bị nghiêm cấm”
Việc xử lý đối với những cá nhân, tổ chức phát tán tin nhắn rác đã được quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật. Và hiện tại việc xử lý đối với cá nhân, tổ chức phát tán tin nhắn rác được quy định cụ thể tại Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Theo quy định tại điểm b, Khoản 4, Điều 60 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP thì “Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với việc gửi hoặc phát tán tin nhắn rác”.
Còn đối với các nhà mạng, thì vào cuối tháng 12/2014 Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chỉ thị số 82/CT-BTTTT về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng đã nêu rõ nhiệm vụ của các nhà mạng như sau:
Triển khai các đợt nhắn tin tới tất cả các thuê bao thuộc mạng của mình theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhằm nâng cao nhận thức cho người sử dụng về phòng, chống tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo; báo cáo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thông báo cho người sử dụng về các vụ việc tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo có quy mô rộng rãi và có tính chất nghiêm trọng.
Tăng cường rà soát, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin hợp tác với mình; trường hợp phát hiện doanh nghiệp nào có dấu hiệu phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, cung cấp dịch vụ có nội dung không lành mạnh, nội dung vi phạm pháp luật thì chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh theo các điều khoản quy định trong hợp đồng, đồng thời báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông, Thanh tra Bộ, Cục An toàn thông tin) để theo dõi và xử lý theo quy định của pháp luật.
Xây dựng hệ thống kỹ thuật có khả năng ngăn chặn tin nhắn rác theo tần suất, nguồn gửi và từ khóa trong nội dung một cách hiệu quả theo quy định; chủ động thống kê, thu thập các từ khóa thường xuyên xuất hiện trong tin nhắn rác và cập nhật cho hệ thống ngăn chặn tin nhắn rác.
Tăng cường theo dõi giám sát phát hiện thuê bao di động trả trước phát tán tin nhắn rác và thực hiện ngăn chặn, thu hồi ngay khi phát hiện thuê bao vi phạm.
Thường xuyên kiểm tra, rà soát hoạt động gửi quảng cáo qua tin nhắn nhằm bảo đảm nội dung tin nhắn rõ ràng, tuân thủ đúng quy định và các tin nhắn quảng cáo chỉ được gửi tới các thuê bao đã đăng ký nhận quảng cáo trước đó và không từ chối nhận quảng cáo. Đối với các tin nhắn quảng cáo cho dịch vụ nội dung, phải đảm bảo tin nhắn quảng cáo có đầy đủ thông tin về giá cước và hướng dẫn hủy dịch vụ.
Nghiêm túc thực hiện và báo cáo đầy đủ việc triển khai theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về kiểm tra, ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.
Mặc dù trong Chỉ thị đã nêu rõ nhiệm vụ của các nhà mạng trong việc phòng chống tin nhắn rác, tuy nhiên cho đến nay các nhà mạng vẫn chưa thực hiện được triệt để và kết quả mang lại vẫn chưa thực sự tốt, tin nhắn rác vẫn được gửi đến người dùng một cách thường xuyên và liên tục.
Thêm nữa, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một quy định pháp luật cụ thể nào trong việc áp dụng các hình phạt đối với việc các nhà mạng tiếp tay cho hành vi phát tán tin nhắn rác. Đây được xem như một lỗ hổng trong quy định của pháp luật, để hạn chế đến mức tối đa tình trạng phát tán tin nhắn rác thì các nhà làm luật cần nghiên cứu để đưa ra các chế tài phù hợp khi các nhà mạng có dấu hiệu tiếp tay cho việc phát tán tin nhắn rác của các cá nhân, tổ chức.
Ngoài ra, bản thân người dùng khi đi đăng ký dịch vụ cũng nên làm đúng quy định là kê khai thông tin đầy đủ, chính xác, tránh tình trạng để cho đại lý SIM khai hộ, dùng một Chứng minh thư để đăng ký cho hàng loạt SIM.
(Bạn đọc có những băn khoăn hay thắc mắc về pháp lý, xin hãy gửi câu hỏi về địa chỉ conglydientu@congly.com.vn để được các chuyên gia tư vấn pháp luật giải đáp trong thời gian sớm nhất).