Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
Nghị định ban hành danh mục 17 loại cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy; 19 cơ sở thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ; 8 cơ sở thuộc diện phải thông báo với cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy về việc bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa vào sử dụng.
Đặc biệt, theo quy định của Nghị định, từ ngày 15/9/2014 (thời điểm Nghị định có hiệu lực), 20 loại công trình, dự án phải được cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, bao gồm: Dự án quy hoạch xây dựng mới hoặc cải tạo đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; trường đại học, cao đẳng, trường nghề, trường phổ thông có khối tích 5.000 mét khối trở lên, nhà trẻ, mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên; bệnh viện cấp huyện trở lên và cơ sở y tế có quy mô 21 giường trở lên; trung tâm hội nghị, nhà hát, nhà văn hóa, rạp chiếu phim… có sức chứa từ 300 chỗ ngồi trở lên, sân vận động ngoài trời có sức chứa từ 5.000 chỗ ngồi trở lên, vũ trường, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí đông người có khối tích từ 1.500 mét khối trở lên; bảo tàng, thư viện, triển lãm, nhà lưu trữ cấp tỉnh trở lên, nhà hội chợ, di tích lịch sử, công trình văn hóa cấp tỉnh hoặc thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của Bộ, cơ quan ngang Bộ; chợ cấp huyện trở lên, trung tâm thương mại, siêu thị có tổng diện tích gian hàng từ 300 mét vuông trở lên; công trình phát thanh, truyền hình, bưu chính viễn thông cấp huyện trở lên; trung tâm chỉ huy, điều độ, điều hành, điều khiển quy mô khu vực và cấp tỉnh trở lên thuộc mọi lĩnh vực; cảng hàng không, cảng biển, cảng đường thủy nội địa cấp IV trở lên, bến xe ô tô cấp huyện trở lên, nhà ga đường sắt có tổng diện tích sàn từ 500 mét vuông trở lên; nhà chung cư cao 5 tầng trở lên; trụ sở cơ quan hành chính nhà nước cấp xã trở lên; công trình thuộc cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ cao từ 5 tầng trở lên; công trình tàu điện ngầm, hầm đường sắt có chiều dài từ 2.000 mét trở lên, hầm đường bộ 100 mét trở lên, gara ô tô có sức chứa từ 5 chỗ trở lên; kho vũ khí, vật liệu nổ; công trình sản xuất công nghiệp có hạng nguy hiểm cháy nổ; cửa hàng kinh doanh xăng dầu có từ 1 cột bơm trở lên; nhà máy điện, trạm biến áp có điện áp từ 110 KV trở lên; nhà máy đóng tàu, sửa chữa tàu, sửa chữa, bảo dưỡng máy bay; nhà kho hàng hóa, vật tư; công trình an ninh, quốc phòng có yêu cầu về cháy nổ.
Đăng ký khai sinh, thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi chỉ thực hiện 1 lần và tại 1 nơi
Ngày 1/8/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định phê duyệt “Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi”.
Mục tiêu của Đề án nhằm đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục, giảm giấy tờ, rút ngắn thời gian giải quyết, tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính nêu trên; nâng cao tinh thần trách nhiệm và tính chủ động, tích cực của cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước, góp phần xóa bỏ các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong việc giải quyết các công việc của người dân.
Theo Đề án được Thủ tướng phê duyệt, việc liên thông các thủ tục hành chính gồm đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi được triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, người có yêu cầu thực hiện liên thông các thủ tục hành chính trên chỉ nộp hồ sơ một lần và nhận được nhiều kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã là đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết các thủ tục hành chính được thực hiện liên thông. Áp dụng nguyên tắc kế thừa kết quả giải quyết thủ tục hành chính nêu trên để tạo điều kiện thuận lợi, giảm thiểu chi phí cho người dân trong việc chuẩn bị các hồ sơ, giấy tờ. Thời hạn giải quyết liên thông các thủ tục hành chính gồm đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi tối đa không quá 15 ngày làm việc; liên thông các thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi tối đa không quá 20 ngày làm việc.
Hình thành Cục Kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam
Ngày 1/8/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được giao các nhiệm vụ và quyền hạn, như: Nghiên cứu, soạn thảo các văn bản pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, đề án, dự án và công trình quan trọng quốc gia phục vụ quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Được tham gia xây dựng chiến lược, chính sách, đề án về quốc phòng, an ninh, ngoại giao liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển và hải đảo; các cơ chế, chính sách về quản lý các ngành, nghề khai thác sử dụng tài nguyên biển do các Bộ, ngành, địa phương chủ trì xây dựng. Thực hiện việc quản lý, điều tra cơ bản về biển, hải đảo, trong đó có việc chủ trì xây dựng chương trình, nhiệm vụ, đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển, khảo sát, thăm dò, nghiên cứu khoa học biển, đại dương; tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và thực hiện thủ tục cấp phép đối với hoạt động nghiên cứu khoa học có yếu tố nước ngoài tại các vùng biển, hải đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ngoài ra, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam còn được giao thực hiện các nhiệm vụ như: Quản lý tổng hợp, khai thác, sử dụng biển và hải đảo; kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; hợp tác quốc tế; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững các vùng biển, ven biển và hải đảo Việt Nam; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ..v.v.
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam có 16 đầu mối về cơ cấu, tổ chức, trong đó có các đơn vị như: Cục Kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; Cục quản lý điều tra cơ bản biển và hải đảo; Cục quản lý khai thác biển và hải đảo; Viện nghiên cứu biển và hải đảo.
Đào tạo 100.000 lao động cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa ký ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020.
Mục tiêu của Chương trình nhằm huy động các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khuyến công; khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp.
Về mục tiêu cụ thể, Chương trình xác định giai đoạn đến 2015 sẽ đào tạo được khoảng 40.000 lao động và đến năm 2020 sẽ đào tạo được khoảng 100.000 lao động cho các cơ sở công nghiệp nông thôn. Đến 2015 hỗ trợ khoảng 4.000 lượt học viên, và đến 2020 là 10.000 lượt học viên tham gia các khóa đào tạo khởi sự doanh nghiệp. Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị và chuyển giao công nghệ cho 250 cơ sở công nghiệp nông thôn đến năm 2015 và 600 cơ sở đến năm 2020. Năm 2015 hỗ trợ 500 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn, và năm 2020 là 1.400 cơ sở tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước.
Chương trình áp dụng cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại huyện, thị xã, thị trấn, xã và các phường thuộc thành phố loại II, bao gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh; các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn; tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tham gia công tác quản lý, thực hiện các hoạt động dịch vụ khuyến công…
Để thực hiện chương trình, ngoài nguồn nhân sách nhà nước chi cho hoạt động khuyến công hàng năm, Chính phủ sẽ chỉ đạo việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm; hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu, chủ lực và đồng bộ với các chính sách về đất đai, ưu đãi đầu tư, tín dụng, khoa học, công nghệ.