Nhân kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2016), chúng tôi xin gửi tới quý độc giả một vài mẩu chuyện nhỏ về trong cuộc đời làm nghề của nhà báo Dương Kỳ Anh qua lời kể của ông.
LTS: 21 năm ở vị trí Tổng Biên tập, nhà báo Dương Kỳ Anh đã đưa Tiền phong trở thành một trong những tờ báo hàng đầu cả nước. Đi qua bao thăng trầm dâu bể của cuộc đời, mấy chục năm lăn lộn với nghề viết lách, những niềm vui, nỗi buồn ông đã trải qua kể sao cho hết. Có những chuyện xảy ra đã lâu mà tưởng chừng vừa mới gặp đâu đây. Có những điều tưởng chừng như chẳng có gì to tát, nhưng với ông lại trở thành bài học nhớ đời.
Bài báo đầu tiên viết bằng... thơ
Có lẽ ít ai biết, trước khi trở thành nhà báo, tôi từng có một nguyện vọng là được làm biên tập thơ ở một Tòa soạn báo. Và trước khi trở thành phóng viên của báo Tiền phong vào tháng 8/1975, tờ báo đầu tiên tôi đến xin việc là Tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam.
Bởi, tôi vốn yêu thơ từ nhỏ. Thời học phổ thông, tôi đã có thơ đăng trên nhiều tờ báo ở Trung ương và địa phương. Tôi cũng có mặt với thần đồng thơ Trần Đăng Khoa trong tập thơ “Bông hồng đỏ” do NXB Kim Đồng ấn hành.
Nhà báo Dương Kỳ Anh trong một lần phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời. Ảnh: NVCC
Nhiều phóng viên trẻ hỏi, bài báo đầu tiên của tôi là gì, hay bài báo nào để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất... Có lẽ, khó có thể kể hết những kỷ niệm, những trải nghiệm trong cuộc đời mấy chục năm làm báo của mình. Với tôi, bài báo đầu tiên ấy lại là... bài thơ “Tiếng thoi” mà cho đến nay, dù đã gần 40 năm, tôi vẫn nhớ như in.
“Tiếng thoi rào rào như trong cơn mưa
Tiếng thoi rào rào như tằm ăn rỗi
Nghe như rất gần, nghe như rất xa
Tôi mỏi mắt nhìn, sao thoi không mỏi…
Con thoi nhanh thế, bàn tay nhanh hơn
Trăm sợi tơ mành mà tay chẳng rối…”
Bài thơ ra đời trong lần đầu tiên tôi được cử đi viết báo về đề tài công nhân trẻ tại Nhà máy liên hợp dệt Nam Định.
Cũng bởi suốt mấy hôm theo công nhân đi ca, tôi không nghĩ ra đề tài nào để viết cả, nên khi Trưởng ban Biên tập nhận được “tác phẩm báo chí” có một không hai này, ông đã trừng mắt bảo tôi rằng… “Thơ với chả thẩn…”, rằng tôi được tuyển vào đây làm báo chứ không phải làm thơ!
Nhà báo Dương Kỳ Anh thời trẻ
Nhưng cũng chính nhờ ông mà tôi mới tỉnh ngộ, chịu khó đọc tài liệu làm báo, nghiêm túc học nghề báo thực sự theo lời khuyên của ông “Làm báo là một nghề, mà nghề gì cũng phải học”.
“Chứng cứ pháp lý của cậu đâu?”
Lại nhớ, một lần được cử đi viết bài về “chiến dịch Z” ở Hà Nội. Hôm đó, có mấy người bạn thơ đến tìm, chúng tôi kéo nhau lên Hồ Tây ăn kẹo lạc, uống nước chè và... đọc thơ.
Mãi đến tôi khi trở về Tòa soạn, một người bạn cùng phòng hỏi đã viết xong bài chưa, thì tôi cuống cuồng chạy xuống trụ sở Quận đoàn Hoàn Kiếm tìm đồng chí Bí thư để lấy tài liệu. Cũng may anh thông cảm ngồi kể cho tôi nghe mọi việc… Tôi ghi chép, rồi viết hì hụi suốt đêm.
Bài báo đăng, Ban biên tập khen viết tốt. Thế nhưng, đến khi chiến dịch Z kết thúc, tôi mới tá hỏa vì có một gia đình mà tôi viết trong bài đâm đơn lên Tòa soạn kiện.
Lúc này, Phó Tổng biên tập gọi lên hỏi về “chứng cứ pháp lý” cho những việc tôi đã viết trong bài. Tôi thành thật kể lại sự việc. Cuối cùng, ông lắc đầu: “Thế thì nguy rồi! Trong bài cậu viết, cậu kể lại y như cậu đã tận mắt chứng kiến, không có ảnh, cũng không có biên bản làm chứng cứ pháp lý, giờ không có gì để phản bác người ta…”.
Lại cũng may đồng chí Bí thư Quận đoàn Hoàn Kiếm lúc đó là một người tử tế, đã có công văn gửi lên Tòa soạn nói rõ sự tình.
Lần ấy tôi suýt bị đuổi việc. Cũng từ đó, tôi rút ra bài học nhớ đời cho mình về nghề báo, ấy là, khi anh viết điều gì thì phải ghi rõ nguồn gốc tài liệu; và nhất là phải có bằng chứng pháp lý như ảnh, băng ghi âm, biên bản, tài liệu… có đóng dấu của cơ quan có thẩm quyền…
“Tôi có thể kiện anh!”
Một chuyện khác mà tôi vẫn thường kể lại với các bạn phóng viên trẻ về xu hướng báo chí hiện nay, có nhiều trang tin, trang báo đưa những tin giật gân rẻ tiền, thiếu kiểm chứng hay những phát ngôn ngớ ngẩn, lãng xẹt để câu view.
Tôi nhớ có lần sang Pháp, đến thăm một người đẹp là Hoa hậu Nam Kỳ lục tỉnh, tôi có viết một bài đăng trên tờ Người đẹp Việt Nam. Tôi vui lắm, và đã tìm gặp chị gửi báo biếu trong lần trở lại Pháp sau đó.
Nhà báo Dương Kỳ Anh và hoa hậu Hà Kiều Anh
Khi tôi gặp lại chị, chị nói: “Bài anh viết rất tốt, chỉ có một thông tin không được phép đưa mà anh đã đưa, đó là khi anh nói cụ thể số nhà, khu nhà tôi ở thuộc Quận 13, Paris”. Chị nói “vì chi tiết này tôi có thể kiện anh”… Tôi đã phải xin lỗi chị.
Đó là một việc tưởng chừng tuy rất nhỏ mà nhiều người làm báo hiện nay ít để ý, thậm chí biết nhưng vẫn tận dụng khai thác triệt để, ấy là đưa tin đời tư của người nổi tiếng, nhất là những scandal giật gân, câu khách rẻ tiền.
Thế nhưng, ở nhiều nước phát triển, những thông tin giật gân câu khách, những thông tin đồn thổi, thiếu kiểm chứng, khi bị phát hiện, chưa cần ai phạt họ đã “tự phạt” mình rồi. Bởi nếu không, qua các phương tiện thông tin đa dạng hiện nay, độc giả đã “dìm chết” tờ báo hay trang tin đó.
Suy cho cùng, người làm báo, ai cũng mong báo của mình có nhiều người đọc, ai cũng muốn tìm cách để lôi kéo, thu hút bạn đọc, nhưng cách gì thì cũng phải đúng sự thật, đúng với lương tâm, đúng với pháp luật. Nếu không báo chí dần dần bị bạn đọc bỏ rơi, như thế thì lợi bất cập hại.
Nhà báo Dương Kỳ Anh tên thật là Dương Xuân Nam, sinh năm 1948, tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập báo Tiền Phong. Ông đã xuất bản 3 cuốn tiểu thuyết, 7 tập truyện ngắn, 4 tập thơ, 6 tập bút ký, ghi chép, phê bình… Nhà báo Dương Kỳ Anh là người đưa ra sáng kiến tổ chức cuộc thi “Hoa hậu Hội báo Tiền Phong” - cuộc thi Hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất. Đây cũng là tiền thân của cuộc thi Hoa hậu toàn quốc, và sau này là Hoa hậu Việt Nam. Ông từng được mời làm Giám khảo cuộc thi Hoa hậu Quốc tế ASEAN năm 2005 và được trao kỷ lục Người Việt Nam đầu tiên làm giám khảo cuộc thi Hoa hậu quốc tế. Đặc biệt, tên ông còn được lưu trong Từ điển Danh nhân Văn hóa thế giới (Khu vực châu Á - Thái Bình Dương). |