Tôi cho rằng việc huy động cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố là một phản ứng sai lầm đối với thảm kịch Charlie Hebdo. Và rất có thể nó sẽ lặp lại sai lầm của Washington trong sự kiện 11/9 chấn động nước Mỹ và toàn thế giới”.
Tuần trước, cộng đồng quốc tế chấn động bởi vụ xả súng vào tòa soạn báo trào phúng Charlie Hebdo ngày 07/01, cùng các vụ tấn công diễn ra sau đó, khiến cho tổng cộng 17 người bị thiệt mạng. Nước Pháp và các quốc gia phương Tây đã phản ứng mạnh mẽ bằng cuộc tuần hành khổng lồ vào ngày 11/01 trên đường phố Paris. Sự việc chưa dừng lại ở đó, việc Charlie Hebdo tiếp tục cho đăng tranh biếm họa nhà tiên tri Muhammad trên trang bìa ấn bản mới nhất hôm 15/01 vừa qua, đã khiến thế giới Hồi giáo nổi dậy đáp trả. Một số nước châu Âu phải nâng mức báo động khủng bố…
Báo điện tử Công lý xin giới thiệu bài viết thể hiện một quan điểm, một góc nhìn của nhà báo David R. Ignatius - Phó Tổng biên tập và phụ trách chuyên trang quan điểm - ý kiến của tờ Washington Post, nguyên phóng viên kì cựu chuyên theo dõi CIA và các vụ việc tại Trung Đông của tờ Wall Street Journal về sự kiện này với tiêu đề: Nước Pháp phản ứng sai lầm trong vụ Charlie Hebdo.
Nhà báo David R. Ignatius - Phó Tổng biên tập và phụ trách chuyên trang quan điểm - ý kiến của tờ Washington Post
Phản ứng vụ Charlie Hebdo sẽ lặp lại sai lầm như sự kiện 11/9?
Sau vụ tấn công vào tòa soạn báo trào phúng Charlie Hebdo ngày 07/01, nước Pháp đã “tuyên chiến” với chủ nghĩa khủng bố. Ngày 11/01, 10.000 cảnh sát dân sự Pháp đã tham gia cuộc tuần hành khổng lồ trên đường phố Paris. Trong khi lãnh đạo các nước phương Tây như Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều sát cánh cùng Tổng thống Pháp Francois Hollande, thì cả Tổng thống Barack Obama, phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hay Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đều không tham gia.
Mặc dù trước đó ngày 09/01, tại Tennesses, Mỹ, Tổng thống Obama đã nhấn mạnh rằng: “Pháp là đồng minh lâu đời nhất của Mỹ. Tôi muốn người dân Pháp hiểu rằng, nước Mỹ sẽ luôn sát cánh cùng các bạn hôm nay và cả ngày mai” - theo Daily Mail. Thế nhưng, ông lại không có mặt tại thời điểm có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nước Pháp, nơi có sự hiện diện của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hay Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, những người được cho là đã gạt bỏ những bất đồng để tham dự cuộc tuần hành này.
Cuộc tuần hành khổng lồ với sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo thế giới nhưng không có sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Barack Obama
Chính vì việc này, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải hứng chịu sự chỉ trích nặng nề vì không đứng ra làm người khởi xướng cuộc chiến chống lại những chiến binh thánh chiến Hồi giáo.
Thế nhưng, tôi cho rằng việc huy động cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố này là một phản ứng sai lầm đối với thảm kịch Charlie Hebdo. Và rất có thể nó sẽ lặp lại sai lầm của Washington khi phản ứng với sự kiện 11/9/2001 chấn động nước Mỹ và toàn thế giới.
Thực tế, cho đến nay, sau hơn 13 năm, phần lớn người dân Mỹ tin rằng chính sự kiện bi thương nhất trong lịch sử nước này đã khiến cả thế giới thay đổi. “Chiến dịch Tự do Bền vững” được phát động chỉ chưa đầy một tháng sau đó là lời tuyên chiến chính thức với chủ nghĩa khủng bố. Mỹ và lực lượng đồng minh đã tiêu diệt chính quyền Taliban cùng Chính phủ Iraq của nhà lãnh đạo Saddam Hussein. Thủ lĩnh mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qeada, Osama bin Laden, kẻ bị cáo buộc là chủ mưu gây ra vụ tấn công 11/9, cũng bị tiêu diệt. Thế nhưng, người dân Mỹ vẫn luôn bất an bởi bóng ma khủng bố luôn hiện hữu với các nguy cơ mới, những mối đe dọa mới từ những nhóm khủng bố hoạt động ngày càng tinh vi hơn, điển hình là Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
Đừng xem các phần tử thánh chiến là những chiến binh Hồi giáo
Sau vụ xả súng vào tòa soạn Charlie Hebdo và một loạt vụ tấn công xảy ra sau đó, các công dân (và các chính trị gia cơ hội chủ nghĩa) hoảng sợ khi chứng kiến “lửa thánh chiến” hoành hành trên internet và trong các cuộc tấn công đơn độc ở Paris cùng những thành phố khác; và họ muốn có một mệnh lệnh phản ứng từ trên xuống. Trong bối cảnh này, thật dễ hiểu đây chính là chiến lược tuyên truyền nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố mà Chính phủ Pháp đưa ra. Và điều này khiến người ta nhanh chóng liên tưởng tới một phiên bản thế kỷ 21 của cái máy hát “Wurlitzer vĩ đại” - một công cụ tuyên truyền của Cục Tình báo Liên bang Mỹ (CIA), mà hễ bấm nút thì nó sẽ chơi bất kỳ bài nào mà CIA muốn trên toàn thế giới.
Song tôi cho rằng, chiến lược tuyên truyền như vậy là không đúng. Vậy thông điệp chống chủ nghĩa khủng bố có sức thuyết phục là gì? Hãy lắng nghe Malek Merabet, một người Pháp gốc Algeria, người đã ca ngợi anh trai mình - Ahmed Merabet, viên cảnh sát bị bắn chết bên ngoài tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo hồi tuần trước. Malek Merabet đã khóc trước linh cữu Ahmed Merabet: “Anh trai tôi là người Hồi giáo, và anh bị giết chết bởi chính những người cho mình là tín đồ Hồi giáo. Họ là những kẻ khủng bố, rõ ràng là thế”…
Tang lễ trọng thể được tổ chức cho ba cảnh sát bị thiệt mạng trong vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo
Sau thảm kịch tại Thủ đô Paris, những nhà phân tích chủ nghĩa khủng bố đã phát hiện ra mối liên hệ giữa lực lượng Al Qaeda ở Yemen và Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Thế nhưng, thay vì xem đây là một âm mưu có kế hoạch và được chỉ đạo, thì việc phân tích sự liên quan giữa các băng đảng đường phố và nhà tù giam giữ Said và Cherif Kouachi - hai tay súng tấn công Charlie Hebdo - và Amedy Coulibaly, tay súng tấn công siêu thị thực phẩm sẽ hữu ích hơn nhiều. Nhiều bài viết trên các báo Pháp cũng nghiêng về phía học thuyết “thánh chiến không thủ lĩnh”của một chuyên gia phân tích chủ nghĩa khủng bố, cựu nhân viên CIA Marc Sageman, khi nhận định về các vụ tấn công mà bộ ba (Said - Cherif Kouachi - Amedy Coulibaly) này tiến hành, hơn là một dạng “mô hình 09/11” với lực lượng nòng cốt là Al Qaeda.
Một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, người hiện không ngừng nỗ lực trên mặt trận kinh tế trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cực đoan, đã nhận định rằng: “Xét đến cùng, mức độ nguy hiểm của vai trò tôn giáo bị phóng đại. Khi chúng ta mắc kẹt trong cuộc tranh luận về tôn giáo, chúng ta sẽ không bao giờ giành chiến thắng. Chúng ta đã bỏ qua một điểm, đó là chủ nghĩa cực đoan đang mang lại cho những người trẻ cảm giác thân thuộc, một lối thoát cho cuộc phiêu lưu, và vị thế được đề cao. Để chiến đấu với chủ nghĩa cực đoan, chúng ta phải xem họ dưới góc độ những người trẻ hơn là những tín đồ Hồi giáo”.
Những bài học về chống chủ nghĩa cực đoan của nước Mỹ
Vậy, nước Mỹ đã rút ra được bài học gì từ hơn một thập kỷ làm suy yếu các cuộc chiến chống lại lực lượng Al Qaeda?
Trong tuần qua, tôi đã đặt ra câu hỏi này cho các chuyên gia chống chủ nghĩa khủng bố tại Nhà Trắng và toàn bộ Chính phủ Mỹ, và tôi đã nhận được một số câu trả lời nổi bật sau:
Thứ nhất, đối với những người xem Đạo Hồi là tất cả, nước Mỹ không phải là một tiếng nói đáng tin cậy với tín đồ Hồi giáo. Cú“pushback” (đẩy ngược) nhằm chống lại những kẻ cực đoan bạo lực phải đến từ chính trong thế giới Hồi giáo, bao gồm các trung tâm tôn giáo ở Ai Cập, Arập Xêút và những nơi khác.
Một ví dụ điển hình là gần đây, Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sissi đã lên tiếng kêu gọi tiến hành một “cuộc cách mạng tôn giáo” nhằm chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Nước Mỹ với công nghệ kỹ thuật của mình có thể giúp thúc đẩy và lan rộng thông điệp đó thông qua các phương tiện truyền thông xã hội. Nhưng nên nhớ rằng, Mỹ không phải là người khởi xướng thông điệp này.
Thứ hai, các quan chức Mỹ đã học được một điều rằng các chương trình, chính sách đối nội tốt nhất để chống lại những kẻ cực đoan bạo lực phải là những nỗ lực từ dưới lên - nơi các bộ máy thi hành luật với người Hồi giáo ở địa phương và các tổ chức cộng đồng khác.
Chúng ta hẳn còn nhớ khi ba cô gái trẻ từ đến từ Denver, bang Colorado bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những kẻ cực đoan thể hiện thái độ quá khích trên mạng xã hội, muốn bay tới Syria gia nhập lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS hồi cuối năm ngoái, song đã bị bắt tại Đức và sau đó được thả về nước. Chính cộng đồng Hồi giáo địa phương đã phát hiện ra các dấu hiệu cảnh báo và ngăn chặn họ. Và tại một cuộc họp cộng đồng sau đó, quan chức của Trung tâm chống khủng bố quốc gia đã đưa ra hình ảnh của một con dao, một khẩu súng và một điện thoại di động và cảnh báo rằng, điện thoại chính là mối nguy hiểm tiềm ẩn nhất.
Tới đây, vấn đề hợp tác giữa lực lượng cảnh sát và các nhà lãnh đạo Hồi giáo địa phương sẽ được xem là vấn đề trọng tâm của trong Hội nghị thượng đỉnh tại Nhà Trắng vào ngày 18/02 về chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Cuộc họp sẽ xem xét chi tiết các câu chuyện thành công tại Boston, Los Angeles và Minneapolis. Các quan chức Mỹ đang nhận ra rằng, có một sự liên tục giữa hoạt động tội phạm băng đảng và chiến dịch vận động các phần tử khủng bố. Theo nhà phân tích người Australia, ông Sam Mullins, “Những kẻ khủng bố đòi hỏi phải có đầy đủ kỹ năng phạm tội để có khả năng thực hiện thành công vai trò của mình”.
Bài học thứ ba đó là muốn truyền tải thông điệp chống chủ nghĩa khủng bố hiệu quả phải sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để tạo ra một "mạng lưới của các mạng lưới” - theo giới chức Washington.
Một minh chứng cụ thể là mạng lưới "Chống lại Chủ nghĩa cực đoan bạo lực" được hỗ trợ bởi Google Ideas vào năm 2011. Ý tưởng này hiện bao gồm 300 cựu binh thánh chiến, các thành viên băng đảng và những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan - tư vấn trực tuyến cho những phần tử cực đoan tiềm năng.
Một dự án khác vô cùng sáng tạo của Anh là "Abdullah-X" do một cựu chiến binh thánh chiến Hồi giáo tạo ra. Khi một thanh niên ở Anh tìm kiếm trên internet thông tin về hành trình sang Syria để tham gia thánh chiến, anh ta có thể tìm thấy một đoạn quảng cáo với một nhân vật hoạt hình chống chủ nghĩa cực đoan. Và nhân vật hoạt hình này nói rằng: "Các người phải giết chết người khác để làm thế giới của mình trở nên trong sạch hơn. Đây là điều bạn nghĩ về đạo Hồi? Đó là đạo lý sao?"…
David R. Ignatius (sinh ngày 26/5/1950) là một nhà báo, một chuyên gia quân sự, đồng thời là một tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mỹ. Ông là Phó Tổng biên tập và phụ trách chuyên trang quan điểm - ý kiến của tờ Washington Post. Bên cạnh đó, ông cùng với Fareed Zakaria là host của PostGlobal - chương trình thảo luận trực tuyến các vấn đề quốc tế trên Washingtonpost.com. David Ignatius là một phóng viên kì cựu chuyên theo dõi CIA và các vụ việc tại Trung Đông cho tờ Wall Street Journal trước khi chuyển sang Washington Post. Ông đã viết 9 tiểu thuyết, trong đó có Body of Lies (Căng thẳng đến từng giây phút), được đạo diễn Ridley Scott chuyển thể thành phim. Ông cũng từng là trợ lý giảng viên tại Trường Hành chính John Kennedy (thuộc Đại học Harvard, Mỹ) và hiện là thành viên cấp cao của Chương trình Tương lai Ngoại giao. Ông đã đạt được nhiều danh hiệu cao quý, trong đó có Huân chương Bắc đẩu bội tinh của Cộng hòa Pháp, Giải thưởng Báo chí Thế giới Urbino của nước Cộng hòa Italy, và Giải thưởng thành tựu trọn đời của Trung tâm Báo chí Quốc tế (IJFC). |