Xã hội càng phát triển thì nhu cầu thông tin về mọi mặt của đời sống xã hội ngày càng cao. Chính vì vậy, việc tìm kiếm thông tin một cách nhanh nhất đang trở thành xu thế tất yếu của thời đại và Việt Nam cũng nằm số đó.
Theo thống kê mới nhất của “We are social” (“We are social” là một công ty toàn cầu có văn phòng tại London, New York, Paris…chuyên hỗ trợ các công ty lắng nghe, thấu hiểu và tham gia vào các thông điệp của những công ty này thông qua truyền thông xã hội), tính đến ngày 1/1/2015, Việt Nam có dân số là 90,7 triệu người, trong đó có 39,8 triệu người sử dụng internet, tương đương với 44% dân số. Từ những số liệu thống kê trên, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng người dùng internet nhanh nhất trong khu vực cũng như trên thế giới.
Điều này hoàn toàn phù hợp với sự gia tăng chóng mặt về số lượng của các trang thông tin điện tử tổng hợp, trang mạng xã hội bên cạnh các tờ báo điện tử chính thống. Tuy nhiên, hiện nay những thông tin trên các trang thông tin điện tử tổng hợp, trang mạng xã hội đang làm đau đầu cơ quan quản lý nhà nước, các tờ báo điện tử chính thống cũng như người tiếp nhận thông tin.
Cuộc chiến không cân sức
Khi nghị định số 97/2008/NĐ-CP của Chính phủ cho phép các trang thông tin điện tử tổng hợp cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức, đã tạo điều kiện cho hàng loạt các trang thông tin điện tử tổng hợp ra đời như trang B...moi.com, T...tuc.vn, T...ngan.vn…Trong đó, có một số trang thông tin điện tổng hợp hoạt động theo phương thức của Google News, tức là tin tức mới của trang sẽ được tự động cập nhật 2 phút/lần. Theo cách làm này, ước tính sẽ có khoảng 1.200-1.500 tin mới/ngày được cập nhật tại một trang thông tin điện tử tổng hợp.
Trên thực tế, con số này có thể lớn hơn gấp nhiều lần. Thống kê cho thấy, một ngày, trang thông tin tổng hợp B...moi.com có thể cập nhật, xử lý và sắp xếp khoảng 3.500 tin tức mới.
Như vậy, theo nghị định trên, 838 cơ quan báo chí với 1.111 ấn phẩm, 90 báo và tạp chí điện tử, nghiễm nhiên trở thành nguồn cung cấp thông tin chính thống cho các trang tin điện tử tổng hợp (số liệu thống kê năm 2014). Đó là chưa kể đến khối lượng thông tin khổng lồ trên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, các blog cá nhân… mà các trang thông tin điện tử đưa tin, dẫn lại.
Như vậy, xét về mặt số lượng tin, bài giữa một trang thông tin điện tử tổng hợp với một tờ báo điện tử rõ ràng là có sự chênh lệch rất lớn. Chính vì vậy, thay vì vào từng trang web của các tờ báo điện tử tìm thông tin mới, độc giả sẽ chọn một trang thông tin điện tử tổng hợp để có thể bao quát được tất cả những tin tức mới nhất được cập nhật từ tất cả các tờ báo điện tử gộp lại. Điều này cũng cho thấy, độc giả ngày càng bận rộn và họ muốn tiếp nhận một lượng thông tin lớn nhất trong một khoảng thời gian ngắn nhất.
Phóng viên Báo điện tử Công lý trao đổi với ông Đỗ Quý Doãn - nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT về vấn đề cạnh tranh giữa báo điện tử chính thống với các trang thông tin điện tử tổng hợp
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Công lý về vấn đề cạnh tranh giữa báo điện tử chính thống với các trang thông tin điện tử tổng hợp, ông Đỗ Quý Doãn - nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT đã chỉ ra rằng, hơn 95% số người truy cập internet để đọc thông tin chủ yếu thông qua các trang thông tin điện tử tổng hợp và các trang mạng xã hội. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc thu hút quảng cáo, tạo ra nguồn thu để tái đầu tư cho con người và cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng. Đó là chưa kể đến việc đằng sau các trang thông tin điện tử này là những doanh nghiệp, nhà đầu tư sẵn sàng rót vốn khủng để duy trì, phát triển.
Còn xét về mặt chất lượng thì tin tức trên các trang thông tin điện tử tổng hợp hoàn toàn được “bảo hộ” bởi các tờ báo điện tử chính thống (nếu ghi rõ nguồn). Nhưng nếu chỉ có vậy thì “làng” báo thời gian vừa qua đã không xảy ra nhiều sóng gió đến thế. Sự việc hàng loạt các trang thông tin điện tử tổng hợp bị phạt, thậm chí có những trang còn bị rút giấy phép hoạt động đã nói lên rằng, thông tin trên các trang thông tin điện tử tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Vậy nguy cơ ở đây là gì? Là đăng tải thông tin không dẫn nguồn, là đăng tải thông tin khi chưa được xác minh, thẩm định, thiếu tính xác thực, là giật gân câu khách bằng những vụ án liên quan đến tình, tiền, tù tội…
Ngay cả các tờ báo điện tử chính thống cũng mắc phải những sai phạm, dù là những sai phạm không nghiêm trọng, nhưng Bộ TT&TT vẫn mạnh tay xử phạt rất nặng. Điều đó thể hiện rõ quyết tâm lập lại trật tự và làm lành mạnh hóa môi trường thông tin điện tử tại Việt Nam của Bộ TT&TT.
Đừng đánh mất niềm tin nơi độc giả
Báo chí không chỉ có nhiệm vụ cung cấp thông tin mọi mặt của đời sống xã hội một cách nhanh, chính xác, đầy đủ nhất tới độc giả mà còn góp phần quan trọng vào việc định hướng dư luận xã hội. Những thông tin được đăng tải trên báo chí, nhất là những thông tin được đăng tải, dẫn lại trên các trang thông tin điện tử tổng hợp, trang mạng xã hội có tốc độ lan truyền chóng mặt. Nếu những thông tin này không được định hướng, kiểm chứng thì sẽ gây ra hậu quả khó lường và hậu quả tức thì dễ nhìn thấy nhất là đánh mất niềm tin nơi độc giả. Trên thực tế đã có không ít vụ việc như thế.
Ông Đỗ Quý Doãn cho rằng, cần phải một lần nữa định nghĩa lại thông tin báo chí
Mới đây, thông tin một nữ sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội bị hiếp dâm, chết lõa thể tại một khu nhà của trường này được đăng tải trên một tài khoản Facebook cá nhân. Ngay sau khi thông tin này được phát tán trên các trang mạng xã hội, một loạt các tờ báo điện tử, trang thông tin điện tử đưa tin, dẫn nguồn một cách “say sưa”. Thông tin trên cộng với bức ảnh nạn nhân bị xé quần áo rách tả tơi khiến ai cũng phải kinh sợ. Đến khi Công an vào cuộc thì vụ việc được làm sáng tỏ, những thông tin về cái chết oan khuất của cô nữ sinh Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội là thông tin bịa đặt. Rõ ràng, người ta có thể bịa đặt, ngụy tạo thông tin trên các trạng mạng xã hội vì một mục đích nào đó. Nếu các nhà báo, độc giả không tỉnh táo thì cũng rất dễ bị cuốn vào vòng xoáy thông tin của truyền thông xã hội.
Vậy, để độc giả phân biệt được đâu là thông tin đáng tin cậy, đâu là thông tin chưa được kiểm chứng, theo ông Đỗ Quý Doãn, cần phải một lần nữa định nghĩa lại thông tin báo chí. “Báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của nhân dân vì vậy những thông tin được phát đi từ các đài phát thanh, truyền hình, tờ báo in, điện tử được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép là thông tin báo chí chính thống, đáng tin cậy”, ông Doãn khẳng định.
Đứng trước “bão” thông tin, đòi hỏi người tiếp nhận phải có sự chọn lựa, cân nhắc, để biết đâu là thông tin chính thống đã được kiểm chứng đâu là tin “vịt”. Tất nhiên, điều này đỏi hỏi trình độ của người tiếp nhận thông tin. Kiến thức và bản lĩnh là điều cần thiết để độc giả tiếp nhận thông tin và lựa chọn nguồn thông tin để tiếp nhận.
Các cơ quan báo chí hãy tự bảo vệ chính mình
Ông Đỗ Quý Doãn cho biết, tại các hội nghị, hội thảo về quản lý báo chí, nghiệp vụ báo chí ông từng chủ trì hoặc tham gia, vấn đề các trang thông tin điện tử tổng hợp vi phạm, vượt quá phạm vi, quyền hạn của một trang thông tin điện tử, đặt biệt là tình trạng xào xáo, ăn cắp bản quyền của các báo được liên tục nêu ra một cách gay gắt.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Quý Doãn đã đưa dẫn chứng cụ thể, ngày 9/2/2015, Bộ TT&TT đã tổ chức họp báo công bố việc thu hồi tên miền, giấy phép hoạt động của trang thông tin điện tử www.nguoicaotuoi.org.vn của báo Người cao tuổi và thu hồi thẻ nhà báo của ông Kim Quốc Hoa, Tổng Biên tập báo Người cao tuổi vì đã để xảy ra nhiều vi phạm trong việc thực hiện các quy định về Luật Báo chí và thông tin trên mạng.
Theo kết luận thanh tra, báo Người cao tuổi đã xuất bản một số tin, bài trực tiếp trên trang thông tin điện tử tổng hợp www.nguoicaotuoi.org.vn là hoạt động báo điện tử không có giấy phép. Bên cạnh đó, một số tin, bài ở chuyên mục quốc tế của báo không ghi tổng hợp, trích dẫn hoặc có ghi tổng hợp, trích dẫn nhưng không ghi rõ nguồn.
Ngoài ra, trong kết luận thanh tra báo Người cao tuổi còn chỉ rõ, trên trang thông tin www.nguoicaotuoi.org.vn đã cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cải chính thông tin không đúng quy định; vi phạm về Luật Quảng cáo…
Sau đó, Thanh tra Bộ TT&TT ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính báo Người cao tuổi tổng số tiền gần 700 triệu đồng và đề nghị Hội Người cao tuổi Việt Nam cách chức Tổng Biên tập báo Người cao tuổi đối với ông Kim Quốc Hoa.
Sự việc cũ nhưng chưa bao giờ hết tính thời sự đối với báo chí trong thời kỳ hiện nay. Ông Đỗ Quý Doãn nói rằng, làm báo là làm chính trị, vì thế các tờ báo cũng như các trang thông tin điện tử hãy thực hiện đúng quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ cũng như tôn chỉ mục đích của mình. Chỉ có như vậy các tờ báo mới giữ được độc giả, bảo vệ chính mình và làm trong sạch môi trường thông tin báo chí.
“Nhắc nhở, xử phạt, thậm chí rút giấy phép hoạt động, thiết nghĩ là biện pháp cần thiết trong bối cảnh “loạn” thông tin như hiện nay. Nhưng, muốn tồn tại, cạnh tranh và phát triển thì các cơ quan báo chí cần phải đổi mới cách làm, các phóng viên cần phải đổi mới phương thức tác nghiệp, đưa tin để đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả. Còn các cơ quan quản lý nhà nước cần phải thông tin đến các cơ quan báo chí nhanh hơn nữa và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm”, ông Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh.