Nguyên tắc "nhấn nút"

Nhất Vũ| 25/10/2020 11:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kể cả được quy định bằng pháp luật hay chỉ bằng lương tâm, thì những người sử dụng mạng xã hội đều nên tuân thủ một một nguyên tắc trước khi “nhấn nút”.

Trong những ngày qua, khi cơn “đại hồng thủy” tại miền Trung và việc cứu trợ người dân vùng lũ đang là tâm điểm thu hút sự chú ý, quan tâm của mọi người, kể cả cộng đồng dân mạng, thì lại có một số người “câu like, câu view” bằng những tin, ảnh về lũ lụt mà nguồn gốc không chính xác.

Rất nhiều bạn dùng các trang mạng xã hội đã từng đọc, xem và truyền cho người khác cùng xem một bức ảnh có nội dung thật cảm động, được cho là được ghi lại tại các vùng “rốn lũ”. Những bức ảnh này hiện đang có sức “lan tỏa” chóng mặt, thu hút sự quan tâm của nhiều cư dân mạng. Khi xem những bức ảnh trên, nhiều người đã viết nên những dòng trạng thái, bình luận bi thương, thậm chí có người còn cho biết là đã “ôm mặt khóc nức nở bởi không kìm nổi sự thương tâm khi chứng kiến nỗi đau khổ vô bờ của người dân vùng lũ...”

Một bức ảnh đang rất “hot” trên mạng xã hội, đó là tấm hình một chú bé khắp mặt mũi, người ngợm lấm lem, gần như bị che kín bằng một loại bùn màu vàng đỏ, chi còn hở có mỗi hai con mắt. Nhìn bức ảnh có người sẽ nghĩ, chú bé đã cố gắng đấu tranh giành giật mạng sống với thần chết, vừa ngoi lên sau khi bị lũ vùi. Người nhạy cảm hơn thì còn có thể suy đoán ra rằng bố mẹ bé có thể đã bị chết cả, chỉ còn bé đứng đó... Thế người lớn đâu cả rồi, nhất là chính quyền đâu, sao vô cảm thế...

Tuy nhiên trên thực tế, bức ảnh có xuất xứ từ Thái Lan, bắt đầu được đăng trên mạng Facebook từ khoảng cuối tháng 5/2020, được báo VnExpress đăng lại trong chuyên mục Giải trí ngày 24/6/2020. Vào lúc đó các tỉnh miền Trung Việt Nam đang chịu cảnh hạn hán. Theo tác giả bức ảnh, chú bé Thái Lan này theo mẹ ra đồng ngô và nghịch ngợm, nên đã ngã xuống một ao cạn nước, chỉ toàn bùn cạnh ruộng ngô, bị bùn bám từ đầu đến chân, “nhìn giống hệt một thỏi socola màu vàng ngộ nghĩnh” nên người này đã chụp bức ảnh để ghi lại một kỷ niệm đáng nhớ sau này cho chú bé. Ấy vậy mà có cư dân mạng đã lấy minh họa cho lũ lụt và là khoác cho bức ảnh một ý nghĩa mà nó không có...

Một bức ảnh được cư dân mạng truyền đi với thông điệp: “Hai mẹ con cháu bé ở Quảng Trị ôm nhau cùng chết trong vụ sập nhà do lũ lụt gây ra”... hiện bức ảnh đang được rất đông dân mạng truyền tay nhau với tốc độ âm thanh, cùng nhau phát biểu với âm hưởng chủ đạo đầy bi thảm, thương tâm. Thậm chí có người đã làm cả một bài thơ dài để diễn tả tâm trạng đau xót của mình, trong đó có câu thơ: “Thế là mẹ cùng con đã ra đi, hỏi lũ lụt họ làm gì nên tội...”(!)

Tuy nhiên trên thực tế, bức ảnh không diễn tả cảnh hai mẹ con ôm nhau cùng chết do lũ lụt, mà là ảnh chụp một pho tượng đất, do một họa sỹ Trung Quốc sáng tác để ghi lại một câu chuyện cảm động về tình mẫu tử. Theo đó, năm 2010, đã xảy ra một trận động đất mạnh tại khu tự trị Ngọc Thụ, thuộc tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc, gây thương vong cho hơn 11.000 người. Hai mẹ con nhà nọ bị sập nhà, gạch đá phủ kín người. Người mẹ đã nằm đè lên, ôm chặt để bảo vệ con. Rất may đội cứu hộ đã kịp tới hiện trường, cứu được cả hai mẹ con trong tư thế trên, khi đó người mẹ vẫn giữ chắc chiếc điện thoại mà bà đã kịp nhắn dòng chữ cho con trai: "Bảo Bối, nếu mẹ chết và con còn sống, hãy nhớ rằng mẹ yêu con vô cùng".

me-om.jpg
Bức tượng ca ngợi sự hy sinh quên mình của mẹ để bảo vệ đứa con trai bé bỏng của Trung Quốc

Câu chuyện này đã được trang tin điện tử “Kknews” của Trung Quốc tường thuật lại trong bản tin phát hành ngay sau đó. Cảm động vì tình mẫu tử cao đẹp này, một nhà điêu khắc Trung Quốc đã sáng tác nên bức tượng ca ngợi sự hy sinh quên mình của mẹ để bảo vệ đứa con trai bé bỏng.

Nhưng chuyện “câu like, câu view” không chỉ dừng ở đây. Những “thánh nổ” trên mạng còn đi xa hơn. Họ thậm chí có thể xúc phạm đến cả những gì được coi là thiêng liêng, như sự hi sinh của cán bộ chiến sỹ quân đội trong khi làm nhiệm vụ. Đó là trường hợp một số người viết trên mạng đã dùng những bức ảnh đã có cách đây 6 năm, để minh hoạ cho các bài viết của mình về lễ tang 13 cán bộ chiến sĩ hy sinh khi cứu hộ lũ lụt vừa được Quân khu 4 tổ chức tại Huế. Trên thực tế, đó là những bức ảnh được chụp vào ngày 11/7/2014. Ảnh chụp tại Nhà tang lễ bộ Quốc Phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Trong ảnh là lễ truy điệu 18 phi công và quân nhân đã hi sinh do máy bay gặp sự cố trong khi đang làm nhiệm vụ tại Thạch Thất, Hà Nội ngày 7/7/2014. Tang lễ do Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức...

Là người cầm bút lâu năm, tôi thấm thía một điều dù trên các phương tiên thông tin đại chúng, hay các trang mạng xã hội. Và kể cả khi được quy định bằng pháp luật hay chỉ bằng lương tâm, thì đều nên tuân thủ một một nguyên tắc trước khi “nhấn nút”. Đó cũng là lương tâm, lương tri mà tất cả những người viết tử tế đều cần có. Khi đã cầm bút viết, truyền tin thì nên tôn trọng sự thật. Đừng bao giờ "nhấn nút" kiểu “đầu Ngô mình Sở”, “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Đặc biệt là trong bối cảnh đồng bào mình đang  mất mát đau thương.
.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyên tắc "nhấn nút"