Trong cuốn “Truyền thông đạo đức nghề nghiệp với trẻ em”, tác giả Helena Thorfinn cho rằng không ít nhà báo sử dụng ngôn từ biểu hiện thái độ không coi trẻ em là con người… Đó là thái độ trịch thượng, bề trên của nhà báo khi nhìn trẻ em.
Cân nhắc kỹ lưỡng khi đưa thông tin về trẻ em
Khi viết và chuẩn bị cho đăng một bài báo, nhà báo phải chú ý đến mối quan hệ đạo đức với nhân vật trong tác phẩm của mình. Nhân vật trong tác phẩm báo chí là nhân vật có thật, vì vậy nhà báo phải cân nhắc kỹ lưỡng xem nên đưa thông tin gì và không nên đưa thông tin gì để không gây hại cho nhân vật. Nhà báo phải tự đặt ra các câu hỏi như: Viết như thế này có ảnh hưởng gì đến cuộc sống, lợi ích, nhân phẩm của nhân vật không? Đưa bức ảnh này, chi tiết này, tính cách này có gây hại gì cho nhân vật không? Nếu công bố mối quan hệ này có làm phức tạp cuộc sống hàng ngày của nhân vật không? Công chúng liệu có hiểu đúng về nhân vật của mình không?
Đối với một nhà báo, nhân vật dù là người trưởng thành đã nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng tin và cho phép đăng nhưng với ý thức cao về nghề nghiệp, anh ta vẫn luôn phải cân nhắc mức độ thiệt, hơn có thể xảy ra với nhân vật của mình. Bởi trong nhiều trường hợp, chỉ có nhà báo mới nhận biết hết được những nguy hại đó. Điều này lại càng quan trọng hơn đối với những người không có đủ khả năng nhận biết hết sự phức tạp của vấn đề, đặc biệt là trẻ em. Trong các bản quy ước đạo đức báo chí trên thế giới đều đưa ra các yêu cầu cụ thể cho nhà báo khi viết về trẻ em.
Công ước quốc tế về Quyền trẻ em quy định: “Trẻ em là những người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp quốc gia công nhận tuổi thành niên sớm hơn”. Trong khi, hầu hết các bản quy tắc đạo đức báo chí (Anh, Zimbabwe, Bồ Đào Nha, Macedonia, Montenegro...) đều quy định trẻ em/ vị thành niên là trẻ dưới 16 tuổi, thì cũng có nước quy định dưới 13 tuổi, dưới 14 tuổi, dưới 15 tuổi, dưới 18 tuổi (Sri Lanca, Việt Nam, Bulgaria, Manta), hoặc dưới 20 tuổi (Hàn Quốc); có nước còn quy định thêm là “chưa kết hôn” (Indonesia). “Có sự khác biệt này là do việc xác định độ tuổi của trẻ em ở mỗi quốc gia còn phụ thuộc vào những điều kiện thực tiễn cụ thể ở từng quốc gia. Đó là những điều kiện về yếu tố nhân chủng học hay những chỉ số phát triển trí tuệ, tâm sinh lý, thể lực và trí lực; những điều kiện văn hóa hay khả năng hiểu biết, nhận thức cũng như khả năng điều chỉnh hành vi dựa trên sự hiểu biết; những quan niệm và truyền thống về đạo đức và pháp lý của dân tộc; và hơn hết là điều kiện kinh tế, xã hội của quốc gia”.
Đa số bản quy ước đạo đức báo chí trên thế giới (như Hungary, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Campuchia, Sri Lanka, Anh, Ba Lan, Catalonia, Cộng hòa Síp (Cyprus), Bosnia và Herzegovina, Botswana, Đức, Czech, Việt Nam…) yêu cầu nhà báo phải đặc biệt tôn trọng quyền của trẻ em/vị thành niên dựa trên các tiêu chuẩn đạo đức và Công ước quốc tế về quyền trẻ em và cho rằng việc xâm phạm quyền của trẻ em/vị thành niên là hành vi vi phạm đạo đức nghiêm trọng trong nghề báo.
Quy tắc đạo đức của truyền thông Bulgaria yêu cầu nhà báo: “Không được lợi dụng sự trong sáng và lòng tin của trẻ”. Các bản quy ước đạo đức báo chí cũng quy định, khi xử lý các vấn đề liên quan đến trẻ em/vị thành niên, các nhà báo phải cực kỳ cẩn thận và có trách nhiệm bảo vệ nhân quyền của trẻ em/vị thành niên bao gồm việc tránh đăng tải danh tính, hình ảnh, các chi tiết có thể xác định được danh tính, cũng như tránh làm ảnh hưởng xấu đến sự trưởng thành của họ.
Cần thận trọng trong việc đăng ảnh về trẻ em (ảnh chỉ có tính chất minh họa)
Đặc biệt, tránh tiết lộ và công bố danh tính của trẻ em/vị thành niên (cho dù là nạn nhân, nhân chứng hay bị buộc tội) có liên quan đến các hành vi phạm tội, ngay cả khi pháp luật cho phép. Trong bất kỳ bản tin nào về trẻ em liên quan đến tội phạm tình dục, nhà báo phải chú ý để không có nội dung nào trong bản tin nói về mối quan hệ giữa bị cáo và trẻ. Đặc biệt, bản quy ước đạo đức báo chí của Anh, Síp (Cyprus) quy định, báo chí không được sử dụng thuật ngữ “loạn luân” đối với trường hợp là trẻ em, nếu vi phạm điều này sẽ bị cáo buộc như là một hành vi phạm tội nghiêm trọng đối với trẻ em hoặc tương đương.
Tránh tình trạng trẻ em “vô tình” bị xâm hại
Nhà báo không được phỏng vấn hoặc chụp ảnh trẻ em/vị thành niên về các vấn đề liên quan đến lợi ích riêng của em đó hoặc em khác, trừ khi có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ. Trong thời gian trẻ đang ở trường học thì không được tiếp cận hoặc chụp hình. Nếu muốn tiếp cận thì phải được sự cho phép của bố mẹ hoặc đại diện pháp lý của trẻ hoặc giáo viên chủ nhiệm và người quản lý trường học đó đồng ý. “Nếu chưa được sự đồng ý khi thu thập thông tin thì khi công bố (phát sóng) phải được sự chấp thuận bằng văn bản” (Hungary). Cho dù đó là lời nói của trẻ nhưng nếu không được sự cho phép của bố mẹ (hoặc người giám hộ theo pháp luật của trẻ) đồng ý thì nhà báo cũng không được công bố thông tin (Ba Lan). Khi phỏng vấn và chụp ảnh những trẻ em trong tình trạng khó khăn hoặc tàn tật, cần có sự đồng cảm và quan tâm đặc biệt. Nhà báo phải chịu trách nhiệm đạo đức đối với hành vi xâm phạm này dù đã được đại diện pháp lý của trẻ (cha mẹ hoặc người bảo hộ) đồng ý. Nhà báo không được phép sử dụng sự nổi tiếng, tai tiếng hay địa vị của cha mẹ hoặc người giám hộ để biện minh cho việc công bố những chi tiết về cuộc sống riêng tư của trẻ. Trong trường hợp vi phạm, nhà báo phải chứng minh được việc bỏ qua lợi ích cấp thiết của trẻ là vì lợi ích của công chúng (Anh).
Hiện nay, hình ảnh và thông tin về trẻ em xuất hiện ngày càng nhiều, đậm đặc và vô cùng phong phú trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng của Việt Nam. Điều đó, một mặt chứng tỏ báo chí, xã hội ngày càng quan tâm đến trẻ em. Nhiều nhà báo, cơ quan báo chí đã chung tay cùng xã hội làm tốt việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã khơi dậy và tập hợp nhiều nguồn lực cho công tác từ thiện, giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt để vượt lên số phận, vươn lên, hòa nhập cùng cộng đồng (như các chương trình tặng học bổng, tặng áo, đồ dùng học tập…). Nhưng mặt khác cũng cho thấy một thực tế không ít trường hợp những thông tin về các em đã bị lợi dụng để giật gân câu khách và tăng lượng phát hành của một số cơ quan báo chí. Thậm chí, khi viết về trẻ em bị xâm hại, bị lạm dụng tình dục, có khi quyền lợi của các em không những không được bảo vệ mà còn bị xâm hại. Xu hướng này đang có chiều hướng gia tăng.
Đạo đức nghề nghiệp không cho phép nhà báo đăng rõ ảnh và địa chỉ của cháu bé như trong câu chuyện về bé gái 8 tháng tuổi ở Bắc Giang năm 2000 bị xâm hại tình dục đã được một số tờ báo đăng khá tỉ mỉ, chi tiết, có báo còn đăng cả ảnh cháu bé, địa chỉ gia đình, địa chỉ tên tội phạm. Hành động trên đã bị lên án là nhẫn tâm, vô cảm, không hiểu được nỗi đau mà em bé và gia đình đang phải gánh chịu lại bắt em và gia đình phải chịu thêm nỗi đau này trong suốt cuộc đời.
Trên mặt báo hiện nay, những bài viết kiểu này không phải hiếm gặp. Có câu chuyện hết sức đau lòng đề cập đến hiện tượng ba cháu bé 13 tuổi (bị câm), 8 tuổi và 7 tuổi đều bị bố dượng hãm hiếp trong khi mẹ đẻ cầm gối bịt miệng cháu 13 tuổi không cho kêu la (!), nhưng không ít báo phản ánh đậm nét và đưa chi tiết... Bài Sóng ngầm phê phán tục tảo hôn ở Quảng Nam nhưng đăng cả họ tên và ảnh cô dâu người dân tộc; bài Đèn sàn mô tả phong tục người dân tộc như một kiểu chợ tình và đưa ảnh, tên tuổi của bé gái độ 15 tuổi; bài Mối tình loạn luân và những đứa bé bất hạnh đã mô tả chi tiết tội phạm và nêu tên tuổi, địa chỉ người trong cuộc…
Nâng cao nhận thức của người làm báo về quyền trẻ em
Trong một cuộc điều tra xã hội học năm 2008, 94,8% (trong số 500) nhà báo được hỏi đều cho rằng, trong nhiều trường hợp cho dù họ biết chính xác tên tuổi, địa chỉ, quê quán của em bé là nhân vật trong tác phẩm nhưng không tiết lộ vì muốn bảo vệ các em, bởi rất có thể những thông tin đó sẽ gây ra phiền toái cho chính các em. Và số nhà báo được hỏi trên đều thống nhất rằng hành vi tiết lộ danh tính của các em trên các phương tiện truyền thông đại chúng mà không cân nhắc đến quyền lợi của các em là đáng bị lên án, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp. Cả về mặt nghiệp vụ lẫn lương tâm của người làm báo không cho phép các nhà báo làm như vậy.
Tuy nhiên, trên thực tế, 5% số nhà báo được hỏi quan niệm rằng việc công khai danh tính, địa chỉ của các em trong những hoàn cảnh trẻ bị lạm dụng, trẻ phạm tội, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, éo le, trẻ có HIV… là bình thường, nhằm tăng tính thuyết phục của bài báo(!?). Những nhà báo này, có thể họ chưa nhận thức được tính chất nghiêm trọng của vấn đề hoặc họ thực sự vô cảm trước nỗi đau, tương lai của trẻ. Kết quả này cũng phù hợp với 3,8 % nhà báo được hỏi cho biết sẽ công bố tất cả những chi tiết thu hút được sự quan tâm của công chúng cho dù những chi tiết đó không hề có lợi cho nhân vật của mình, kể cả trẻ em. Phải chăng, trong những trường hợp trên, trẻ em là đối tượng để nhà báo dùng làm công cụ câu khách, chạy theo thị hiếu của một bộ phận công chúng, theo lợi nhuận phát hành bằng những câu chuyện giật gân về các em?
Trong cuốn Truyền thông đạo đức nghề nghiệp với trẻ em, tác giả Helena Thorfinn cho rằng không ít nhà báo sử dụng ngôn từ biểu hiện thái độ không coi trẻ em là con người. Khi viết về trẻ em, trong con mắt nhà báo thường xuất hiện những ngôn từ mang ngôi thứ ba số ít hoặc số nhiều dùng để chỉ đồ vật (chứ không chỉ con người). Đó là những từ như: Nó, hắn, hoặc chúng nó. Hoặc nhiều nhà báo thường gọi trẻ em bằng một cụm từ mà khi đọc lên chúng ta thấy dường như khoảng cách giữa nhà báo và các em bị đẩy ra xa, như: Những đứa trẻ này, con bé này, thằng bé này… Đó là thái độ trịch thượng, bề trên của nhà báo khi nhìn trẻ em.
Cũng không ít bài báo, nhà báo cố tình áp đặt lên trẻ em các giá trị hoặc những hình mẫu mang tính rập khuôn như trẻ em thì ngây thơ, con gái thì yếu đuối, con trai thì khó bảo, trẻ em con nhà giàu thì no đủ, béo tốt, con nhà nghèo thì gầy yếu, nhếch nhác… Thậm chí, việc đối lập hình ảnh những em bé hạnh phúc, tốt đẹp (thường được nhà báo tô hồng một chút) với hình ảnh những em bé tội nghiệp, xấu xa (biết đâu sau này các em sẽ trở thành người tốt?) cũng tạo ra cái nhìn thiên lệch, cần phê phán. Tất cả đều trái với nguyên tắc của truyền thông là cần có sự bình đẳng và trẻ em khó có cơ hội nói lên tiếng nói trung thực của chính các em.
Những ví dụ và khảo sát trên đã phác họa phần nào bức tranh về sự xuất hiện của những hình ảnh về trẻ em trên báo chí nói riêng, các phương tiện truyền thông đại chúng ở Việt Nam hiện nay. Và, trong hầu hết các trường hợp trên, trẻ em không biết và không có khả năng tự bảo vệ, còn nhà báo trong một số trường hợp thì vô tình vi phạm do chưa được trang bị những tri thức cần thiết. Điều này đặt ra nhiều trăn trở cần suy nghĩ, đặc biệt từ góc độ đào tạo.