Khó khăn trong việc triệu tập người bị kiện tham gia tố tụng tại Tòa và số lượng Thẩm phán thiếu so với khối lượng công việc... là một trong các nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải quyết án hành chính thấp, Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang cho biết.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang
Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp thẩm tra báo cáo công tác của Chánh án TANDTC diễn ra mới đây, đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chánh án TANDTC cho rằng, án hành chính thời gian gần đây có xu hướng tăng về số lượng và phức tạp về tính chất là hoàn toàn bình thường. Bởi lẽ, kinh tế-xã hội phát triển, các địa phương thực hiện chủ trương quy hoạch, giải tỏa đền bù tái định cư… sẽ liên quan nhiều đến người dân. Việc khiếu nại, khởi kiện cơ quan hành chính là không thể tránh khỏi, nhất là trong lĩnh vực đất đai.
Cũng theo Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang, tỷ lệ giải quyết án hành chính của Tòa án năm 2019 mặc dù đã tăng 8,46% so với cùng kỳ năm trước, nhưng chỉ đạt 53,06% so với số vụ thụ lý, chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Về nguyên nhân khiến tỷ lệ giải quyết án hành chính hiện nay không cao, Phó Chánh án Lê Hồng Quang cho biết: nguyên nhân phổ biến là do khó khăn trong việc triệu tập người bị kiện (là Chủ tịch UBND, UBND) tham gia tố tụng tại Tòa án; một nguyên nhân khác là số lượng Thẩm phán của Tòa án hiện nay rất thiếu so với khối lượng công việc phải đảm trách.
Phó Chánh án Lê Hồng Quang phân tích, theo khoản 3 Điều 60 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015, khi người bị kiện là Chủ tịch UBND hoặc UBND thì người có thẩm quyền tham gia tố tụng sẽ là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND. Điều này cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quán triệt tại Công văn số 18/UBTVQH14-TP ngày 31/8/2016 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc triệu tập người bị kiện đến Tòa trong vụ án hành chính nhiều trường hợp gặp khó khăn, vì hiện nay cơ quan nhà nước chưa coi việc tham gia tố tụng tại Tòa án là việc bình thường. Một số Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND có tâm lý nếu phải đến Toà thì "vị thế sẽ bị thấp đi", nên họ không tham gia tố tụng theo triệu tập của Tòa án.
Mặt khác, một thực tế không thể phủ nhận là, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND thường có rất nhiều công việc, nếu dành hết thời gian để tham gia toàn bộ quá trình giải quyết vụ án hành chính là vấn đề hết sức nan giải.
Chính việc vắng mặt người bị kiện đã khiến Tòa án không tiến hành đối thoại giữa chính quyền với người khởi kiện được và không thu thập đầy đủ chứng cứ để giải quyết, vì vậy, dẫn đến vụ án bị kéo dài, tỷ lệ giải quyết thấp, chất lượng xét xử không cao.
Giải trình về nhận định của Nhóm Nghiên cứu của Ủy Ban Tư pháp cho rằng “Thẩm phán còn e ngại, nể nang trong xét xử án hành chính”, đồng chí Phó Chánh án thẳng thắn chia sẻ: “Việc nể nang hay không, tôi nghĩ ai cũng biết rồi. Ông Chủ tịch to như thế mà Thẩm phán bé như thế, không nể sao được. Chủ tịch là Phó Bí thư, có vai trò quan trọng trong Thường trực cấp ủy, thái độ nể trọng là đương nhiên. Nhưng hiện nay bản lĩnh của Thẩm phán đã tốt hơn rất nhiều. Nể thì có, nhưng không vì thế mà không thực hiện được nhiệm vụ xét xử, chỉ có điều thủ tục giải quyết bị ách tắc, kéo dài".
Liên quan đến vấn đề này Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, hạn chế này có thể xử lý dứt điểm thông qua việc TANDTC thống kê những Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND nào không tham gia tố tụng khi được Tòa án triệu tập.
Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng khẳng định, nếu Tòa án làm được đề nghị này thì Uỷ ban Tư pháp sẽ sát cánh cùng cơ quan tố tụng xử lý các vướng mắc.
Cũng tại phiên họp, chia sẻ thêm về khó khăn của Tòa án trong công tác giải quyết án nói chung và việc phấn đấu đạt các chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội, trong đó có việc nâng cao tỷ lệ giải quyết án hành chính, Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang cho biết, nếu như năm 2012 hệ thống TAND chỉ thụ lý khoảng 360.000 vụ việc các loại thì đến năm 2018 toàn hệ thống đã thụ lý khoảng 558.000 vụ việc, tăng thêm 55% so với năm 2012.
Số vụ việc thụ lý tăng nhanh, trung bình khoảng 9%/năm, trong khi biên chế phải giảm 10% theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế. Như vậy, Tòa án hiện nay phải chịu áp lực công việc bằng 165% so với năm 2012 và tiếp tục chịu áp lực tăng thêm 9% mỗi năm nếu không giải quyết được vấn đề biên chế.
Thực tế, nhiều Thẩm phán đã không chịu được áp lực công việc và trách nhiệm ngày càng nặng nề trong khi chế độ đãi ngộ thấp nên đã xin nghỉ việc. Số liệu thống kê từ ngày 01/10/2018 đến ngày 31/7/2019 cho thấy, đã có 51 Thẩm phán xin thôi việc, nhiều người ra làm luật sư để có thu nhập và chế độ đãi ngộ tốt hơn.
"Đây là khó khăn lớn đối với hệ thống TAND, rất cần sự chung tay chia sẻ của Quốc hội và các cấp, các ngành liên quan", Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang bày tỏ.