Ngày 6/3, thông tin từ Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, đoàn kiểm tra liên ngành đã đến làm việc với các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ để làm rõ thông tin hàng chục người nguy kịch vì uống thuốc “gia truyền”.
Bác sĩ Phan Thị Phụng - Trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho biết, bệnh viên ghi nhận gần 10 bệnh nhân có tiền sử bị bệnh tiểu đường nhưng khi nhập viện đã bị suy đa tạng.
Những bệnh nhân này có chung đặc điểm dùng thuốc đông dược hạ đường huyết được bán trôi nổi trên thị trường trong một thời gian dài. Loại thuốc bệnh nhân sử dụng thường gọi là thuốc tàu hoặc thuốc tể, có dạng viên tròn màu xanh, đỏ hoặc xám.
Trong đó, có người không thể cứu được và đã tử vong. Đó là trường hợp bệnh nhân P.T.H. (SN 1937, ngụ tỉnh Vĩnh Long) đã qua đời vào ngày 4/3 sau khi nhập viện trong tình trạng nguy kịch và đã không qua khỏi.
Đoàn kiểm tra loại thuốc 'thần dược". Ảnh: T.Ngọc
Người nhà bệnh nhân cho biết, bà cụ mắc bệnh tiểu đường nhiều năm. Nhưng gần 1 năm nay cụ không còn dùng thuốc Tây mà chuyển sang dùng thuốc Đông dược gia truyền. Đó là các gói thuốc viên xanh, đỏ, xám giống như “thần dược” trị bệnh tiểu đường mà 1 người đàn bà ở Q.Ô Môn, TP Cần Thơ, cung cấp.
Trước thông tin từ người nhà các bệnh nhân, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm cán bộ Phòng Y tế quận, Trạm Y tế, Công an phường, cán bộ quản lý thị trường,.. đã đến kiểm tra nhà bà Lâm Kim X. (SN 1946, ở P.Phước Thới, Q.Ô Môn), phát hiện và tịch thu hơn 114.000 viên thuốc Đông dược thành phẩm không rõ nguồn gốc.
Bác sĩ Phụng cho biết thêm, loại thuốc này từng được Viện Pasteur TP.HCM kiểm nghiệm, trong thuốc có chứa thành phần là Phenfoxmin. Đây là dược chất điều trị đái tháo đường thế hệ đầu tiên ở thập niên 1950 tại Mỹ.
Tuy nhiên, loại thuốc này đã bị cấm sản xuất và lưu hành ở Mỹ từ năm 1973 do chứa chất gây nhiễm acid lactic gây chuyển hóa nặng, tử vong, chết hàng loạt.
Liên quan đến sự việc, ông Trần Trường Chinh - Phó chánh Thanh tra Sở Y tế TP Cần Thơ thông tin, cơ sở của bà X. không có giấy phép và không đủ điều kiện hoạt động. Qua kiểm tra đã phát hiện các sai phạm, lập biên bàn và tuỳ mức độ vi phạm sẽ có hình thức xử lý theo quy định.
"Việc các bệnh nhân bị biến chứng do uống thuốc điều trị tại cơ sở ở Ô Môn hoặc các loại thuốc đông dược khác không rõ nguồn gốc thì lực lượng Thanh tra sẽ xác minh làm rõ”, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế cho hay.