Trong đêm qua và sáng 07/11, mực nước các sông trên địa bàn 2 tỉnh TT - Huế và Quảng Ngãi tiếp tục lên nhanh và có nơi đã đạt mức đỉnh lũ lịch sử năm 1999.
Sáng 7/11, Ban Chỉ huy PCLL&TKCN tỉnh TT- Huế cho biết, đơn bị này đã ra công điện khẩn yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục sơ tán, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm trước nguy cơ có thể xảy ra lũ kép do mưa lớn.
Trước đó, đêm 6/11, mực nước trên các sông đã giảm nhiều so với mức đỉnh. Tuy nhiên, từ đêm qua đến sáng nay (7/11) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế tiếp tục có mưa trên diện rộng, nước ở thượng nguồn đổ dồn về, lũ trên sông Hương, sông Bồ đã lên trở lại và đang mức dưới báo động 3 khoảng 0,6 - 0,7m. Dự báo chiều 7/11, lũ trên sông Hương, sông Bồ dao động ở mức dưới báo động 3, có khả năng tối 7/11 sẽ giảm nhưng rất chậm.
Tại thành phố Huế, khoảng 50% tuyến đường vẫn ngập từ 0,3-0,5m. Tại thị xã Hương Thủy, ngập lụt xảy ra trên diện rộng với tổng diện tích ngập ước tính hơn 40%, độ sâu ngập trung bình từ 0,4 - 0,8m, có nơi ngập sâu từ 0,8 - 1,2m. Huyện Phú Vang, nhiều tuyến đường nông thôn bị ngập trung bình từ 0,5 - 0,8m, gây cản trở giao thông. Các tuyến tỉnh lộ 10A, tỉnh lộ 10C, tỉnh lộ 2, Quốc lộ 49A, tuyến đường nối tỉnh lộ 2 đến cầu Thảo Long ngập sâu trung bình 0,5 - 0,7m với tổng chiều dài hơn 10 km.
Mực nước trên các sông ở Huế ngày 7/11 đang dao động ở mức cao, triều cường lớn nên diễn biến của lũ còn nhiều phức tạp
Để tiếp tục chủ động ứng phó với tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ và nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, Ban Chỉ huy PCLL&TKCN tỉnh TT- Huế yêu cầu Ủy ban các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan đơn vị liên quan: Tiếp tục sơ tán các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nhất là tại các vùng trũng, ven sông, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét; tổ chức tự quản tại chỗ để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Triển khai lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu; tổ chức dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, đảm bảo an toàn lưới điện. Đảm bảo giao thông, cảnh báo những khu vực đang thi công và cùng nguy hiểm.
Theo PCLL&TKCN tỉnh TT- Huế, đến 14h ngày 7/11, mưa lũ trên địa bàn đã làm 9 người chết, 3 người bị thương. Tại thị xã Hương Trà, mưa lũ cuốn trôi 80 lồng cá nuôi trên sông Bồ; ước tính có 322 tấn cá bị chết, trôi. Tại huyện Phong Điền, 370 rau màu các loại bị ngập, 30 ha cây ăn quả mới trồng có khả năng bị chết; hơn 100 tấn lúa bị ướt; 18,7 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, 130 lồng cá bị thiệt hại. Tại huyện Nam Đông, hệ thống thủy lợi bị bồi lấp đập đầu mối và kênh mương 10,7 km; kênh mương xói lở hư hỏng 1,6 km; 9 đập đầu mối bị hư hỏng…
Ghe, xuồng được bố trí tại các khu dân cư sẵn sàng di dời dân khi có lũ lớn.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, trong đêm qua và sáng 07/11, mực nước các sông trên địa bàn tiếp tục lên nhanh và có nơi đã đạt mức đỉnh lũ lịch sử năm 1999. Nước lũ lên nhanh cộng với việc điều tiết nước qua tràn tại các hồ chứa đã gây sạt lở và chia cắt nhiều khu dân cư. Hiện công tác ứng phó với lũ kép đang được địa phương khẩn cấp triển khai với quyết tâm đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân.
Nước lũ tại Sông Vệ và Sông Trà Khúc tỉnh Quảng Ngãi đêm qua đã dâng cao trên mức báo động 3 làm hơn 20 ngàn ngôi nhà của người dân bị ngâp sâu trong nước từ 1 - 3m.
Tại các vùng ven biển, sóng biển và triều cường dâng cao đã đánh sạt lở nhiều khu dân cư gây sụp nhiều nhà dân. Từ chiều tối qua và sáng nay, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục huy động toàn bộ nhân lực, phương tiện để hỗ trợ và di dời dân vùng nguy hiểm.
Mưa lũ cũng đã gây nên tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại 5 huyện miền núi trong tỉnh. Tại huyện Sơn Hà, hơn 1.000 hộ dân phải di dời ngay trong đêm. Đến sáng nay, tuyến Quốc lộ 24C, đoạn tại đèo Tà Mã, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa thể thông tuyến. Tuyến đường Quốc lộ 24C đã bị chia cắt từ 3 ngày nay do lở núi.
Hiện mưa lũ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn đang diễn biến hết sức phức tạp. Công tác ứng phó vẫn đang được các ngành, địa phương tập trung triển khai với quyết tâm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ.
Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Quảng Ngãi đã có 6 người thiệt mạng và mất tích, 9 người bị thương, gần 200 nhà bị thiệt hại, hư hỏng; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trụ sở công cộng bị hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại gần 337 tỷ đồng. Công tác ứng phó và khắc phục mưa lũ đang được triển khai khẩn cấp.