Người truyền mệnh lệnh “giờ G” giải phóng Sài Gòn

28/04/2014 15:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là Đại tá Nguyễn Văn Tàu (tức Tư Cang), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Cụm trưởng Cụm tình báo H.63, đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đồng thời nguyên Phó Chính ủy Phòng tình báo B2 (Đoàn 22), đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Chính ủy cánh Bắc Lữ đoàn 316 đặc công biệt động tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975.

Nhưng với Đại tá Nguyễn Văn Tàu, ông còn thực hiện nhiều điều rất quan trọng cho Sài Gòn trọn vẹn niềm vui trong ngày đại thắng mà ít người biết được: Chính ông đã thảo điện truyền mệnh lệnh giờ G tiến đánh giải phóng Sài Gòn. Đặc biệt hơn, ông đã đảm bảo cho Sài Gòn luôn sáng ánh điện, nguồn nước cho người dân sử dụng không một giây ngừng chảy…

Thảo điện phổ biến “giờ G” lịch sử

Là người đã từng hoạt động tình báo trong lòng Sài Gòn nhiều năm, đại tá Nguyễn Văn Tàu biết rất rõ đường đi, nước bước của Sài Gòn. Nhờ vậy mà trong chiến dịch Hồ Chí Minh tiến đánh giải phóng Sài Gòn, Lữ đoàn 316 đặc công biệt động do đại tá Nguyễn Văn Tàu làm Chính ủy, được Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ là Lữ đoàn phải phân ra thành nhiều cánh, phát huy sở trường ngón đòn đặc công “luồn sâu đánh hiểm”, đánh các trận mở đầu vào nội thành, tạo thuận lợi cho các cánh đại quân tiến nhanh vào giải phóng Sài Gòn. Các điểm trọng yếu mà các cánh quân của Lữ đoàn 316 phải đánh chiếm cho bằng được là Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn, nhằm làm tê liệt tổ chức chỉ huy của địch ngay từ phút đầu. Ngoài ra, còn phải đánh vào hai trại Cổ Loa và Phù Đổng ở Gò Vấp, là căn cứ pháo binh và thiết giáp cho địch không liên kết dùng hỏa lực tiếp viện cho nhau. Đặc biệt quan trọng là phải đánh và chiếm giữ các cây cầu xung quanh Sài Gòn, mà cầu Rạch Chiếc là then chốt, không cho địch phá hoại, sẽ gây cản trở rất lớn cho các xe, pháo của các cánh đại quân tiến vào Sài Gòn. Nhiệm vụ nặng nề là vậy nhưng với tài thao lược của người Chính ủy dày dạn chiến trường, đại tá Nguyễn Văn Tàu đã đưa ra phương án chỉ đạo các mũi tiến công, luồn sâu ém quân an toàn. Bên cạnh đó, Lữ đoàn cũng đã xây dựng những tổ võ trang ở các cửa ngõ ra vào thành phố như: Ngã tư hàng Xanh, Cầu Bình Triệu, Phú Thọ Hòa, Ngã tư Bảy Hiền...

Người truyền mệnh lệnh “giờ G” giải phóng Sài Gòn

Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trao kỷ niệm chương cho đồng đội

Khi các đoàn quân thuộc Lữ đoàn 316 đã vào sát mục tiêu đúng theo kế hoạch thì đại tá Nguyễn Văn Tàu cũng vừa nhận được thông báo giờ G của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh cho toàn mặt trận: 0 giờ ngày 29/4 mà đại tá Nguyễn Văn Tàu phải khẩn trương thảo điện truyền mệnh lệnh “giờ G” cho các cánh quân của Lữ đoàn 316 mở màn tấn công giải phóng Sài Gòn. Đại tá Nguyễn Văn Tàu vẫn không quên cái cảm giác bồi hồi, xúc động trong giây phút lịch sử đó. Ông vừa thảo bức điện mà nước mắt rưng rưng. Không có vui mừng nào bằng, không có hạnh phúc nào sánh kịp vì đây là khoảnh khắc thiêng liêng nhất cho sự hy sinh để giành chiến thắng trong trận đánh lịch sử này. Đọc tới, đọc lui mệnh lệnh chiến đấu: “Giờ G” cho trận đánh, 0 giờ ngày 29/4”, đại tá Nguyễn Văn Tàu thấy không yên lòng, bèn viết thêm: “Tức là nửa đêm 28 rạng 29/4”. Ông gật đầu tâm đắc, cán bộ ta trình độ văn hóa còn kém, viết rõ ràng như vậy cho chắc ăn.

Giờ “G” đã điểm, cả Sài Gòn rung chuyển và rực lửa…

Giữ cho Sài Gòn không là “thành phố chết”

Căng thẳng nhất và cũng cam go nhất là cánh quân của Z22, Z23, hai đơn vị của Lữ đoàn 316 nhận trọng trách đánh chiếm cầu Rạch Chiếc - một trong ba chiếc cầu trọng yếu dẫn vào Sài Gòn, hai đơn vị đang ém quân tại vùng bưng 6, xã thuộc huyện Thủ Đức. Muốn đến được mục tiêu cầu Rạch Chiếc, các chiến sĩ phải qua nhiều con rạch, nhiều cánh đồng lầy trống trải, dễ bị phát hiện. Đúng là chỉ có tinh thần dũng cảm, dám chấp nhận hy sinh của bộ đội Cụ Hồ mới hiên ngang tiến lên phía trước. Đúng 3 giờ 15 phút ngày 27/4/1975, các cánh quân của Lữ đoàn 316 nổ súng tấn công cầu Rạch Chiếc. Trận đánh giằng co quyết liệt, mãi đến 5 giờ ngày 30/4, quân ta mới chiếm giữ được cầu Rạch Chiếc, đảm bảo đúng kế hoạch cho xe pháo của Quân đoàn 2 qua cầu lúc 7 giờ ngày 30/4, thẳng tiến đến dinh Độc Lập, cắm cờ chiến thắng.

Sau khi cầu Rạch Chiếc được các đơn vị của Lữ đoàn 316 đánh chiếm, đảm bảo cho các cánh đại quân đi qua. Các chiến sĩ chưa kịp ngơi nghỉ sau 4 ngày đêm chiến đấu sinh tử, vất vả, không ai nghĩ rằng mình còn sống sót. Chiến trường còn la liệt các chiến sĩ thương vong trong nghi ngút mùi thuốc súng. Đại tá Nguyễn Văn Tàu trăn trở: Nếu Sài Gòn không có điện, không có nước thì chắc chắn sẽ dẫn đến những hậu quả không thể nào lường trước được, kéo theo đó là bao phát sinh nguy hiểm có thể gây ra cho cuộc chiến thắng lịch sử này không trọn vẹn. Một thoáng suy nghĩ, sau khi trao đổi với Ban Chỉ huy Lữ đoàn 316, đại tá Nguyễn Văn Tàu liền chỉ thị cho đơn vị vừa chiếm giữ cầu Rạch Chiếc: “Tôi biểu dương thành tích đánh chiếm và giữ cầu của các đồng chí. Về nhiệm vụ tiếp theo cũng vô cùng quan trọng, để lại một tiểu đội chốt giữ cầu, quân số còn lại phân ra khẩn trương tiến chiếm và giữ nhà máy điện, nhà máy nước Thủ Đức và tổng kho quân nhu của địch. Tôi nhấn mạnh thêm: Các đồng chí cần giáo dục anh em nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ hai nhà máy điện và nước. Một thành phố đông dân cư như Sài Gòn vừa được giải phóng mà mất điện, không có nước dùng thì rối rắm như thế nào…”.

Mới đó mà đã 39 năm trôi qua, người chiến sĩ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đại tá Nguyễn Văn Tàu ngày nào, nay đã là người lính già tóc bạc phơ. Nếu không nhắc lại, ông đâu còn nhớ chính ông là người có sự đóng góp quan trọng để thành phố này không là “thành phố chết”, nếu để mất nguồn điện và nước. Hơn thế nữa, ông đã giữ trọn vẹn niềm vui của người dân Sài Gòn trong ngày vui đại thắng.

Quang Vĩnh (Viết theo lời kể của Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người truyền mệnh lệnh “giờ G” giải phóng Sài Gòn