Hai lần may mắn được gặp Bác Hồ nên mỗi lần nhắc đến, bà Súy lặng đi như để nhớ lại một thời xa xưa ấy. Bà vẫn thường bảo với con cháu rằng vì có Bác mà cuộc đời bà mới có ngày hôm nay.
Trong căn nhà ấm cúng ở 60 Hùng Vương, thành phố Lạng Sơn, bà Bế Thanh Súy như trẻ hơn so với cái tuổi ngoài 60 của mình. Với giọng nói trong veo của người làm ca nhạc biết giữ gìn, bà Súy kể về 2 lần được gặp Bác Hồ mà theo bà thì đó không chỉ là một sự may mắn tình cờ mà còn là cơ duyên đưa cuộc đời bà đến với nghệ thuật như ngày hôm nay.
Hai lần gặp Bác
Bà Súy là người dân tộc Thái, quê gốc ở Tri Phương, Tràng Định, Lạng Sơn. Trước chiến dịch Điện Biên Phủ, bố bà lên vùng Tây Bắc và xây dựng gia đình với một cô gái Thái. Từ đây 4 anh chị em bà lần lượt ra đời. Nhà đông con nên kinh tế không mấy dư giả, thế nhưng bố mẹ bà vẫn quyết tâm cho con ăn học với ước nguyện sau này không khổ. Mẹ là con gái Thái nên ngay từ nhỏ, bà Súy đã được mẹ truyền cho những làn điệu dân ca và đó chính là khởi nguồn để bà Súy có niềm đam mê với ca nhạc. Thấy con gái có chất giọng tốt lại yêu thích nghệ thuật nên sau giải phóng Điện Biên, bố mẹ bà đã gửi con xuống Thuận Châu - Sơn La để học.
Năm 1959, bà học lớp 4 trường Thuận Châu, Tây Bắc vừa giải phóng được 5 năm. Một hôm khi bà đến lớp, đến giờ học mà chẳng thấy cô giáo đâu, chờ mãi cô giáo mới lên lớp, hớt hải chọn mấy em học sinh trong tốp văn nghệ và dặn, hôm nay các em không học mà đi tặng hoa cán bộ. Tặng hoa ai thì chính cô giáo cũng chẳng biết. Thế rồi cô giáo và mấy đứa học sinh chạy vào đơn vị bộ đội gần trường để xin hoa. Gọi là hoa nhưng thật ra chỉ có mấy bông cúc, bông thược dược được gói trong những tờ báo đơn sơ. Theo cô giáo, cả lũ kéo nhau ra sân vận động Thuận Châu. Hôm ấy cả sân vận động rực rỡ cờ hoa, có khán đài, có rất đông người tập họp, nhưng tuyệt nhiên chẳng ai biết có chuyện gì xảy ra. Tầm nửa buổi, đám đông ào lên vì có một đoàn người bước lên khán đài, cả sân vận động như bừng tỉnh và reo lên: Bác Hồ! Bác Hồ muôn năm!. Bà còn nhớ rất nhiều người đã khóc.
Bà Súy đội khăn piêu, đứng bên tay trái Bác Hồ
Theo hướng dẫn của cô giáo, tốp học sinh lên tặng hoa Bác Hồ. Nói đến đây mắt bà nhòe đi đẫm lệ: “May cho tôi là bó hoa của tôi được tặng chính cho Bác Hồ”. Lúc ấy bà xúc động đến chẳng biết làm gì, cô giáo bảo sao thì làm vậy. Khi nhận bó hoa, Bác rất cảm động, Người cúi xuống cầm tay bà trong tiếng hò reo của cả sân vận động. Bác dừng lại hồi lâu rồi hỏi: “Cháu dân tộc gì”? “Thưa Bác cháu dân tộc Thái ạ (Bà lấy dân tộc theo mẹ). “Cháu thích múa, hát không”? “Thưa Bác có ạ”. Rồi rất nhanh Bác nói với tất cả các bạn bà: “Tây Bắc giải phóng rồi, các cháu, các bạn cháu sẽ được học hành, được múa hát”. Đám đông lại ồn lên. Tiếng hô: Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm! vang khắp sân vận động.
Lời khích lệ của Bác khiến cho bà Súy có thêm quyết tâm đi theo con đường ca hát. Ngay năm sau bà được tuyển chọn vào Trường Múa Việt Nam. Suốt trong những năm tháng học tập, bà luôn khắc ghi những kỷ niệm về Bác, lúc nào cũng có cảm giác được Người tiếp thêm nghị lực khi luyện tập những điệu múa khó, chịu đựng những đau đớn mệt mỏi mà người diễn viên múa phải đào luyện. Mỗi lần như vậy bà luôn tâm niệm có Bác ở bên.
Theo bà Súy thì thời bấy giờ học múa là phải từ lớp năng khiếu, hoặc tuyển chọn sau đó học sơ cấp 7 năm rồi mới lên trung cấp, cao đẳng, đại học. Mặc dù học múa rất vất vả nhưng bà Súy luôn nỗ lực để là một trong những học sinh khá của trường. Năm 1966, lại một may mắn nữa đến với bà khi được gặp Bác Hồ. Bà bảo lần ấy, sau buổi học, thầy hiệu trưởng bỗng nhiên xuống thăm lớp học của bà kèm với lời thông báo rằng cả lớp tối đó sẽ đi biểu diễn văn nghệ, phục vụ đoàn khách đặc biệt.
“Tôi vừa hóa trang xong thì mấy chiếc xe vào tận trường đón, xe chạy vòng vèo qua các phố rồi dừng lại trước một tòa nhà lớn, chúng tôi không biết đó là nơi nào, mà thầy hiệu trưởng lại không nói”, bà Súy nhớ lại. Khi mọi người vào đến nơi, Bác Hồ đã ở đó tươi cười chào đón. Lúc này bà mới biết được biểu diễn cho Bác và đoàn đại biểu xem nên rất xúc động. “Lúc ấy tôi như sống trong mơ, có bao nhiêu tâm sức dồn hết vào điệu múa”, bà Súy kể.
Sau buổi biểu diễn, bà Súy và các bạn được Bác chia quà... Khi Bác đến gần, bà lấy hết can đảm cất lời: “Thưa Bác, Bác còn nhớ cháu không”? Thật bất ngờ, Người dừng lại hồi lâu rồi nói: “Bác nhớ rồi, cháu tặng hoa Bác khi Bác lên Tây Bắc đúng không”? Câu nói đấy của Bác khiến bà Súy xúc động đến tận bây giờ bởi suy nghĩ “Bác bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn còn nhớ cô học trò nhỏ tặng hoa cách đấy 7 năm”.
Bà Súy đang dạy các cháu hát làn điệu dân tộc Thái
Tấm ảnh, kỷ vật quý nhất trong nhà
Sau khi tốt nghiệp Trường Múa Việt Nam, bà Súy trở về Tây Bắc làm giảng viên Trường Nghệ thuật Tây Bắc, được một thời gian thì lấy chồng. Chồng bà, một kỹ sư nông lâm gắn bó với xứ Lạng, cũng là người rất yêu văn nghệ, đặc biệt là bài hát “Xống chụ xon xao” (Tiễn dặn người yêu), khá đặc biệt ở xứ Lạng. Từ ngày lấy chồng, bà lại về Lạng Sơn và công tác tại Đoàn Văn công Lạng Sơn cho đến lúc nghỉ hưu. Suốt những năm tháng ấy, cuộc đời có biết bao thay đổi, thăng trầm nhưng lời nói của Bác, những lời dặn của Bác như tiếp thêm cho bà nghị lực để vươn lên trong cuộc sống. 54 năm trôi qua, từ một cô học trò đội khăn piêu ngày nào tặng hoa Bác Hồ, giờ đã là bà nội, bà ngoại, tóc bạc, da mồi nhưng những kỷ niệm về hai lần gặp Bác vẫn nguyên vẹn như ngày nào. Không còn phải tất bật với những lịch biểu diễn dày đặc, bà Súy giờ bận bịu với những việc chăm sóc chồng con song dù bận đến đâu, bà vẫn dành thời gian để ngâm nga lại những làn điệu dân tộc. Bà còn dành thời gian để dạy con cháu hát điệu “Xống chụ xon xao”, say đắm lòng người. Với người dân phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, ngôi nhà của gia đình bà Súy chẳng có khác biệt với nhiều gia đình, có chăng là ở đó có một người bà, người mẹ hay mặc trang phục dân tộc Thái và rất mê ca hát. Họ không biết rằng người phụ nữ ấy có may mắn hơn rất nhiều người khác vì hai lần được gặp Bác Hồ và những kỷ niệm ấy trở thành tài sản vô giá mà mỗi khi Tết đến, lau chùi tấm ảnh đen trắng được chụp chung với Bác, mắt bà Súy lại rớm lệ. Người phụ nữ nguyên giảng viên trường Nghệ thuật Tây Bắc, là cô văn công Đoàn Văn công Lạng Sơn nghỉ hưu vẫn lặng lẽ sống giản dị bên kỷ niệm mà theo bà là vô giá và không có tiền của nào mua được.