Ông là cựu chiến binh Trần Văn Xuất (SN 1965, trú tổ 3, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).
Với tâm nguyện góp phần vào việc giáo dục cho các thế hệ sau về tình yêu đối với biển đảo thân yêu của Tổ quốc, cùng với mong muốn đây sẽ là cầu nối để đồng đội của mình có cơ hội đoàn tụ, ông đã xây dựng trong khuôn viên đất của mình mô phỏng cột mốc chủ quyền mang tên đảo Trường Sa Đông (thuộc đảo Trường Sa, Khánh Hòa)…
Trở thành người lính đảo Trường Sa Đông
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình ngư dân tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, người thanh niên Xuất tham gia lên đường ra đảo vào tháng 6-1984, đóng quân trên đảo Trường Sa Đông, thuộc Lữ đoàn 146, Trường Sa, Khánh Hòa với chức vụ Tiểu đội trưởng DKZ75.
Ông bảo cuộc sống trên đảo lúc đó rất khó khăn, gạo cơm thì thừa, trong khi người lính đảo phải chịu 2 thứ là thiếu nước và thiếu rau xanh. “Chúng tôi được cấp mỗi ngày, tiêu chuẩn một lít nước dùng để ăn uống, tắm giặt và hầu như không mặc bộ quần áo nào cho hoàn thiện, toàn bộ phải mặc quần đùi. Mặc vài ba tháng là nó mục hết, bởi không có nước giặt, chủ yếu giặt bằng nước biển. Khi ấy, dép cũng không có mà đi, cứ đợi ở biển trôi vào đôi dép xốp nào, dùng 3 chiếc đóng lại thành một chiếc, rồi lội dưới san hô chứ nếu không san hô đâm thủng chân”.
Ông Xuất với cột mốc Trường Sa
Ông hào hứng kể lại một kỷ niệm vui và rất xúc động về một dịp, ông cùng các chiến sĩ trên đảo Trường Sa Đông được gặp và trò chuyện với Phó Đô đốc Hải quân Việt Nam lúc bấy giờ là ông Giáp Văn Cương. “Lúc đó, đồ bọn tôi mặc không có, tôi đang đứng gác nhưng cũng chỉ mặc chiếc quần đùi, cởi trần thì ông bước tới bên cạnh và hỏi han. Tôi cũng chỉ nghĩ là ai đó trong chuyến tàu vận chuyển hàng ra đảo chứ không biết đó là một vị chỉ huy cấp cao của Hải quân ra thăm đảo. Sau khi ân cần hỏi thăm, ông nói với tôi “chúng tôi sẽ không quên các anh” mà cho tới bây giờ, cứ mỗi lần nghĩ lại, tôi cảm thấy xúc động và tự hào vì mình là bộ đội Trường Sa”, ông Xuất bồi hồi nhớ lại.
Tìm đồng đội qua ký ức
“Đến năm 2005, trong một lần được ra thăm Vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa), khi nhìn ra biển, tự nhiên nước mắt tôi rơi… Sau 25 năm rời xa đảo, tôi nhớ đến đồng đội của mình, không biết họ đang làm gì, ở đâu… Lúc đó, tôi tự nhủ sẽ phải bằng mọi cách liên lạc và đi tìm được các anh em trong đơn vị từng sống và chiến đấu ở đảo Trường Sa Đông khi ấy ”, ông Xuất bồi hồi nói.
Xuất phát từ ý nghĩ đó, đến năm 2008, ông bắt tay vào xây dựng mô phỏng cột mốc mang tên Trường Sa Đông dựa theo nguyên bản cột mốc ở huyện đảo Trường Sa và đến cuối năm hoàn thành với mức đầu tư xây dựng gần 200 triệu đồng.
Ông kể, trong một buổi chiều ăn cơm, nói chuyện cùng gia đình, ông nảy ra ý tưởng tìm đồng đội qua những phương ngữ địa phương của họ. Ông nói: “Sống trên đảo, cứ mỗi chiều ăn cơm, tôi gọi đồng đội vô ăn cơm. Tôi dùng từ “tụi bay”. Nhưng có một đồng đội nói, tôi phải gọi là “lũ trẻ” chứ sao “tụi bay”… hỏi ra, tôi tìm đến chỗ dùng từ “lũ trẻ”, đó là từ phương ngữ ở Phú Yên. Tôi đến Phú Yên tìm được đồng đội đầu tiên…”.
Đến năm 2008, ông tìm được 22 đồng đội từng sống, chiến đấu với ông trên đảo Trường Sa Đông năm xưa lần lượt qua những ký ức từng sống trên đảo...
“Lúc đó, trên đảo có 32 người nhưng chỉ tìm được 22 người, 10 đồng đội còn lại, bọn tôi không ai nhớ họ ở đâu. Rồi tôi chọn cách xây dựng cột mốc đảo Trường Sa Đông, để những ai có dịp đi qua đã từng sống trên đảo và dừng lại… Và rồi, tôi cũng tìm được những đồng đội còn lại”, ông Xuất chia sẻ.
Tìm được đồng đội rồi, những đồng đội nào khó khăn, ông bỏ vốn hỗ trợ họ làm ăn, phát triển kinh tế. Rồi ông thành lập 3 chi hội: Trường Sa Đông ở Bình Định; Ninh Hòa (Khánh Hòa); Tuy Hòa (Phú Yên), mỗi chi hội ông tự động bỏ quỹ 10 triệu đồng, huy động mỗi đồng đội mỗi tháng đóng góp 30.000 đồng để giúp những đồng đội khó khăn…
Mô phỏng cột mốc Trường Sa Đông có chiều cao 6m, rộng 1,5m, tọa lạc trong khuôn viên trưng bày các sản phẩm đá mỹ nghệ non nước của gia đình trên đường Trường Sa hướng ra biển Đông. Hai bên có hai cây Bàng Vuông được mang về từ đảo Trường Sa lớn. Một cây do nguyên Chính ủy Vùng 4 Hải quân Đặng Minh Hải tặng năm 2009 và một cây khác do nguyên Trung đội trưởng Đảo Trường Sa Đông Đào Tất Thắng tặng năm 2011.
Bây giờ, mô phỏng cột mốc Trường Sa Đông trở thành địa chỉ quen thuộc của du khách gần xa khi đến Đà Nẵng có dịp ghé Non nước Ngũ Hành Sơn. Đây đã trở thành nơi giáo dục về truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ. Nhiều đoàn tham quan, học sinh đã ghé lại đây chiêm ngưỡng cột mốc giữa lòng thành phố này.
Oanh Kim