Nếu công ty không có nội quy thì việc sa thải anh H. phụ thuộc vào nội dung hợp đồng lao động giữa anh H. với công ty hoặc tập quán của công ty.
Anh H. được công ty TNHH X (có trụ sở tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận vào làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Trong quá trình làm việc tại công ty anh H. đã có hành vi đánh bạc tại nơi làm việc và bị bảo vệ bắt quả tang, lập biên bản. Sau đó công ty đã tổ chức phiên họp sa thải anh H. theo khoản 1 Điều 126 BLLĐ. Anh H. đã không đến dự. Xin hỏi, Công ty có được sa thải anh H. không? Công ty có thể xử lý kỷ luật sa thải vắng mặt được không? Quyền lợi cho anh H. khi bị xử lý kỉ luật sa thải?
Độc giả Nguyễn Quang Linh (Lai Châu)
Trả lời:Dựa trên căn cứ bạn đã nêu, chúng tôi tư vấn những quy định của pháp luật như sau:
Trong tình huống này, anh H đã có hành vi đánh bạc tại nơi làm việc và bị bắt quả tang, lập biên bản do đó anh H. rơi vào trường hợp bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải tại khoản 1 điều 126 Bộ Luật lao động năm 2012:
“Điều 126. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải
Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:
1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;..”
Tuy nhiên, trong tình huống không nhắc tới nội quy lao động của công ty TNHH X nên việc sa thải anh H còn phải phụ thuộc vào nội quy lao động của công ty. Nếu nội quy lao động của cộng ty có quy định hành vi đánh bạc là hành vi vi phạm thì công ty có thể sa thải anh H. Nếu nội quy lao động của công ty không quy định hành vi đánh bạc là hành vi vi phạm thì công ty không thể sa thải anh H.
Nếu công ty không có nội quy thì việc sa thải anh H phụ thuộc vào nội dung hợp đồng lao động giữa anh H với công ty hoặc tập quán của công ty.
Như vậy, công ty có căn cứ sa thải anh H nếu nội quy lao động của công ty quy định hành vi đánh bạc là hành vi vi phạm (hoặc theo thỏa thuận hợp đồng lao động, tập quán khi công ty không có nội quy lao động)..
Căn cứ theo khoản 2 Điều 30 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động thì trường hợp người sử dụng lao động đã 03 lần thông báo bằng văn bản, mà người lao động vắng mặt thì người sử dụng lao động vẫn tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động, trừ trường hợp người lao động đang trong thời gian không được xử lý kỷ luật quy định tại Khoản 4 Điều 123 của Bộ luật Lao động.
Như vậy, trong tình huống này, công ty mở phiên họp sa thải anh H, đã thông báo hợp lệ cho anh H 3 lần nhưng anh H không tới dự, thì công ty vẫn có thể xử lý kỷ luật vắng mặt đối với anh H.
Trong tình huống này, hợp đồng lao động giữa anh H. và công ty X chấm dứt theo trường hợp quy định tại khoản 8 (người lao động bị xử lý kỉ luật sa thải) điều 36 BLLĐ 2012, nó không thuộc vào các trường hợp được nhận trợ cấp thôi việc, do đó, anh H không được nhận trợ cấp thôi việc từ công ty X.
Theo Điều 47 của Bộ luật lao động 2012 về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng thì trong vòng 7 ngày từ khi hai bên chấm dứt hợp đồng, anh H sẽ được công ty thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mình, bao gồm tiền lương, tiền thưởng…. trước đó (khoản 2 Điều 47). Nếu kể từ ngày bị bắt quả tang đánh bạc mà công ty tạm đình chỉ công việc thì anh H sẽ được công ty tạm ứng 50% số tiền lương.
Anh H được công ty trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ trước đó đã nộp cho công ty (theo Khoản 3 Điều 47).
Ngoài ra, Anh H sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 49 Luật việc làm 2013.
Như vậy, sau khi bị sa thải anh H sẽ được công ty thanh toán các khoản tiền lương, tiền nghỉ phép năm và trả lại giấy tờ có liên quan. Đồng thời, anh H cũng được nhận trợ cấp thất nghiệp theo luật việc làm 2013.