Người khai báo y tế gian dối có thể bị phạt tù đến 5 năm

Đỗ Việt| 11/06/2021 17:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh Covid-19, thực hiện đúng quy định 5K của Bộ Y tế, khai báo y tế trung thực là một trong những hành động cấp thiết nhất hiện tại mà mỗi người dân có thể thực hiện nhằm chung tay ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Trường hợp khai báo y tế gian dối, tùy theo mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

khai-bao-y-te.jpg
Việc khai báo y tế có thể thực hiện qua các ưng dụng điện tử hoặc trên giấy.

Vì sao phải khai báo y tế trung thực

Khai báo y tế là việc người dân cung cấp thông tin y tế cá nhân, trong đó nhất là những thông tin về lịch sử nơi đi, nơi ở và nơi đến nhằm mục đích kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Covid -19. Căn cứ các thông tin được cập nhật, cơ quan y tế địa bàn sẽ nắm bắt cơ bản diễn biến sức khỏe, lịch trình đi lại, di chuyển của mỗi cá nhân để theo dõi, hỗ trợ trong tình huống cần thiết.

Đặc biệt, những người liên quan đến các ca bệnh, người đi từ tâm dịch trở về, người có biểu hiện sốt, ho, khó thở sẽ được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm tại chỗ. Các trường hợp khác sẽ được tư vấn, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khi về địa phương. Hiện nay, có rất nhiều cách để có thể thực hiện việc khai báo y tế như: Khai báo trực tiếp tại trạm y tế phường, xã hoặc khai báo thông qua các ứng dụng: Vietnam Health Declaration, Bluezone NCOVI, trên trang http://tokhaiyte.vn.

Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn khai báo y tế bằng QR CODE phục vụ người dân có thể “Khai báo y tế” trong quá trình “đến và đi” hay còn gọi là “Check-in/ Check-Out y tế” bằng mã QR CODE tại các địa điểm yêu cầu khai báo theo Quy định của Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19/ Bộ Y tế, cũng như theo yêu cầu của UBND các tỉnh/Thành phố. Hướng dẫn khai báo y tế bằng QR CODE giúp hỗ trợ các địa phương trong công tác giám sát người dân khi đến và đi trong địa bàn tỉnh, trong phạm vi quản lý của các cơ quan đơn vị.

Theo đó, tất cả các địa điểm: Công sở, bệnh viện, trường học, siêu thị, chợ truyền thống, các cơ sở lưu trú, nhà hàng đều phải thực hiện kiểm soát y tế đối với khách đến và đi bằng mã QR Code. Người dân phải khai báo y tế bằng QR CODE khi đi/đến các địa điểm công cộng thông qua các phần mềm ứng dụng app mobile: “Vietnam Health Declaration”, “Bluezone”, “Ncovi” trên điện thoại di động thông minh. Kết nối liên thông, tích hợp dữ liệu từ các ứng dụng VHD, Ncovi, Bluezone và xây dựng công cụ quản lý, khai thác dữ liệu phục vụ công tác phân tích, truy vết và dự báo dịch để báo cáo kịp thời Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TƯ và địa phương.

Theo mẫu tờ khai y tế được Bộ Y tế công bố, hiện người nhập cảnh có thể áp dụng cả hai hình thức khai báo: Khai tờ khai giấy được phát trên máy bay, hoặc khai báo y tế vào tờ khai y tế điện tử, có mã QR và thông tin sau khi khách nhập cảnh, quét mã QR sẽ được gửi về các trung tâm phòng chống dịch, mỗi tờ khai đều bao gồm địa điểm khởi hành, nơi đến, thông tin 14 ngày qua có đến quốc gia/vùng lãnh thổ nào khác, cùng địa chỉ liên lạc tại Việt Nam, các triệu chứng sức khỏe, loại vaccine đã sử dụng và lịch sử bệnh lý trong 14 ngày ...

19.jpg
Người dân thực hiện việc khai báo y tế

Khai báo y tế trung thực không chỉ giúp ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập mà còn giúp cho người nhiễm hoặc có nguy cơ nhiễm Covid-19 được tiếp cận với dịch vụ y tế để xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm, ngăn chặn dịch bệnh lây lan sang người thân, gia đình và cộng đồng. 

Có thể bị phạt tù đến 5 năm nếu khai báo y tế gian dối

Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, luật sư Vũ Hoàn Long (đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo Điều 8 luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định nghiêm cấm hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm. Còn theo Quyết định 447/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ thì dịch bệnh Covid-19 được xác định là bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Áp dụng tại điểm a, khoản 3 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, thì khai báo y tế không trung thực là người có hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân hoặc của người khác mắc bênh truyền nhiễm nhóm A. Theo quy định này thì người khai báo không trung thực sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng.

Bên cạnh đó, theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC tại Công văn số: 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 thì, đối với người có hành vi không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối nếu trước đó người này đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly mà gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” và bị sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 240, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Đối chiếu các quy định của pháp luật, luật sư Long cho biết trong trường hợp người đã được thông báo mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly mà không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 240 bộ luật Hình sự 2015 (BLHS; sửa đổi, bổ sung năm 2017) và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người, bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Trường hợp, người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện hành vi không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người được quy định tại Điều 295 BLHS năm 2015, phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng.

Trước tình hình hiện nay, dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, điều quan trọng và cần thiết nhất mà chúng ta cần hướng đến chính là ý thức của mỗi người dân trong cuộc chiến chống dịch. Thực hiện đúng, đầy đủ quy định 5K của Bộ Y tế, khai báo y tế trung thực, tuân thủ các quy định chung của nhà nước về phòng chống dịch, chấp hành, hợp tác với lực lượng chức năng khi áp dụng các biện pháp y tế cần thiết chính góp phần bảo vệ cộng đồng và cũng chính là bảo vệ bản thân mình, gia đình mình.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người khai báo y tế gian dối có thể bị phạt tù đến 5 năm