Đời sống

Người dân vùng ngập lụt gặp nhiều khó khăn sau khi nước lũ rút

Nguyễn Sự 26/09/2024 - 06:28

Ngay sau khi nước lũ trên sông Lèn rút dần, nhiều hộ dân ở xã Yến Sơn, huyện Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa) đã phải thức trắng đêm để cào lớp bùn non, dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh đường làng. Không chỉ vậy, người dân còn phải đối mặt với nhiều khó khăn như đồ đạc bị hư hỏng, hoa màu, cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại, môi trường bị ô nhiễm,...

nguoi_dan1.jpg
Sau khi nước lũ rút, người dân thức trắng đêm để dọn dẹp nhà cửa.

Chiều 25/9, PV Báo Công lý ghi nhận, tại huyện Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa), nước lũ đã rút dần, người dân đang tập trung dọn dẹp nhà cửa để sớm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn một vài ngôi nhà bị ngập sâu, người dân phải dựng lán tạm trên đê để đồ đạc, vật nuôi.

nguoi_dan2.jpg
Một hộ dân ở thôn Chuế Cầu, xã Yến Sơn, huyện Hà Trung vẫn bị ngập sâu hơn 1m. (Ảnh chụp chiều 25/9/2024).

Suốt 3 ngày nay, hộ gia đình anh Lê Đăng Hải (ở thôn Chuế Cầu, xã Yến Sơn, huyện Hà Trung) vẫn phải ở tạm trên đê. “Đến chiều nay (25/9 – PV), nhà tôi vẫn đang bị ngập sâu hơn 1m nên gia đình vẫn phải ở tạm trên đây. Cách đây 3 ngày, do nước lũ về nhanh, rạng sáng 23/9, chúng tôi phải huy động anh em người thân giúp chạy lũ, di chuyển đồ đạc và đưa được hơn 2.500 con vịt, 500 con gà lên phía trên đê. Nhà tôi bị ngập sâu hơn 3m, ngập tận nóc nhà. Cả 3 ao nuôi cá với hơn 1 tấn cá bị mất trắng. Nhiều đồ đạc không di chuyển kịp cũng bị hư hỏng”, anh Hải cho biết.

nguoi_dan4.jpg
Người dân dựng lán tạm trên đê để đồ đạc, vật nuôi.
nguoi_dan6.jpg
Chiều 25/9/2024, căn nhà của gia đình anh Lê Đăng Hải, ở thôn Chuế Cầu đang bị ngập sâu hơn 1m nên vẫn phải ở tạm trên đê.

Cũng giống gia đình anh Hải, gia đình ông Lê Thành Long (ở thôn Chuế Cầu) cũng phải huy động người thân đến hỗ trợ di chuyển hơn 30 con lợn lên đê để tránh lũ. “Từ hôm ngập lụt đến bây giờ, tôi phải ở tạm trên đê, thức trắng đêm để canh giữ đàn vật nuôi. Không chỉ riêng gia đình tôi mà còn có 4 hộ khác cũng phải ở tạm trên đê. Đến sáng nay, sau khi nước lũ rút hết, tôi mới di chuyển đàn lợn về chuồng trại” ông Long chia sẻ.

nguoi_dan5.jpg
Gia đình ông Lê Thành Long phải di chuyển đàn lợn lên đê để tránh lũ.

Ông Long cho biết, sinh sống ở ven sông Lèn hàng chục năm, các hộ dân ở đây đã xác định tư tưởng “sống chung với lũ”. Họ đã phải trải qua 3 trận lũ lịch sử gồm các năm 2007, 2017 và năm nay. “Mỗi lần bị ngập lụt là khó khăn lại chồng chất khó khăn. Sau khi nước lũ rút, chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như: đồ đạc bị hư hỏng, hoa màu, cây trồng bị thiệt hại, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi,…”, ông Long nói.

song_len.jpg
Nước lũ trên sông Lèn, đoạn qua huyện Hà Trung đang rút dần. (Ảnh chụp chiều 25/9/2024).

Theo báo cáo thống kê của UBND huyện Hà Trung, tính đến 14 giờ ngày 25/9, mưa lũ, ngập lụt khiến 887 hộ dân bị ngập lụt, trong đó xã Yến Sơn 194 hộ, xã Lĩnh Toại 162 hộ, Hà Châu 30 hộ, thị trấn Hà Trung 250 hộ, Hà Vinh 92 hộ; Hà Hải 89 hộ; Hà Bắc 65 hộ, Hà Ngọc 5 hộ; đã sơ tán 407 hộ dân/881 nhân khẩu đến nơi an toàn. Hỗ trợ sơ tán, di dời một số tài sản, vật nuôi đến chỗ đất cao hơn cho nhiều hộ gia đình khu vực ngoại đê sông Lèn, sông Hoạt khác. Có 100 ha hoa màu, khoảng 50 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.

Về công trình, cơ sở hạ tầng, mưa lũ đã gây sạt lở mái bờ kênh T2 phía đông xã Hà Tân, bờ kênh T3 phía đông xã Yên Dương, Hà Bình,…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân vùng ngập lụt gặp nhiều khó khăn sau khi nước lũ rút