Dù cuộc sống có bộn bề, dòng đời có đầy rẫy những bon chen thì đâu đó vẫn tồn tại những tấm lòng vàng, những tấm gương “truyền cảm hứng” cho biết bao người như chú Nguyễn Thiện Đức cùng dòng nhạc Trịnh còn mãi với thời gian.
Ở tập 7 chương trình Hát Mãi Ước Mơ vừa phát sóng, Trấn Thành không ngần ngại tặng chú Nguyễn Thiện Đức danh hiệu “người truyền cảm hứng” bởi thí sinh lớn tuổi này không chỉ sở hữu tiết mục Để gió cuốn đi đầy ấn tượng mà còn có tấm lòng vàng, thi hát để giúp đỡ một hộ nghèo không có tiền cho con cắp sách đến trường.
Tuổi thơ thiếu tình thương của cha như chính nhân vật được giúp đỡ
Chú Nguyễn Thiện Đức xuất thân trong một gia đình đông con với 15 anh em. Là đứa thứ 13, nhà không có diều kiện nuôi nên chú được mẹ gửi cho người bác trong nhà chăm sóc. Năm Mậu Thân, khi chú Đức lên sáu tuổi cũng là lúc cha ruột chú qua đời. Trong ký ức của một đứa trẻ khi đó, hình ảnh người cha chẳng đọng lại được là bao.
Chú xúc động chia sẻ: “Ngay cả khi đói ăn cũng không biết nói với ai, có cha ở đó thì đã khác. Có những lúc rất tủi thân và đôi chút oán giận vì thiếu thốn tình thương của cha đã đành, ngay cả tình thương của mẹ cũng không có. Thế nhưng đến khi trưởng thành, chú mới hiểu được do hoàn cảnh quá khổ cực, nuôi ăn cho các con khôn lớn đã là một phép màu nên mẹ chú mới “dứt ruột” gửi chú cho các anh chị lớn trong nhà nuôi nấng.
Khi lập gia đình và trở thành một người cha, chú Thiện Đức đã dành hết tình thương cho các con vì chú biết, sự thiếu hụt về kinh tế có thể dễ dàng vượt qua nhưng thiếu thốn tình thương sẽ khiến tâm hồn trẻ thơ rất khó được chữa lành. Giờ đây, hai đứa con của chú đã trưởng thành và đều có thể tự lo cho cuộc sống riêng. Ngoài công việc bảo trì các thiết bị y tế, hàng tháng chú đều đặn tham gia Nhóm hát từ thiện. Một phần, chú có thể thỏa mãn niềm đam mê ca hát, một phần là để có cơ hội gặp gỡ và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn.
“Bé Yến Nhi là mầm non của đất nước, không giúp được tôi sẽ rất hối hận”
Trong một dịp tình cờ nhóm nhạc từ thiện của chú có dịp hát ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh và vô tình biết được hoàn cảnh gia đình chị Nguyễn Thị Hiền, khi đó bé nhỏ nhất trong nhà bị bệnh ghẻ ngứa khắp người mà không có tiền chữa trị. Gia cảnh khốn cùng khi thu nhập chỉ 200 - 300 nghìn một tháng, bữa ăn hàng ngày chỉ có rau luộc chấm tương.
Để những đứa con có cơm ăn, được đến trường, chị phải vay mượn khắp nơi. Nhắc đến chồng, chị Hiền buồn bã chia sẻ vì quá nghèo khổ, chồng chị đã bỏ đi. Bản thân chị mắc bệnh tim mà không có tiền chữa trị. Bé Yến Nhi là chị lớn trong nhà, học rất giỏi nhưng đang đối mặt với nguy cơ phải nghỉ học năm sau vì nhà không có đủ điều kiệu cho con theo học. Ước Mơ duy nhất của cô bé là lớn lên kiếm được việc làm để phụ giúp cho gia đình.
“Mấy đứa bé là mầm non của đất nước, phải tạo điều kiện cho chúng được đến trường, lớn lên trở thành người tốt. Không giúp được chắc chắn rất hối hận” – chia sẻ của chú Thiện Đức chắc hẳn nhận được sự đồng cảm của không ít khán giả. Chưa kể, cô bé còn thiếu tình thương của cha rất giống bản thân lúc nhỏ khiến chú Thiện Đức càng quyết tâm giúp đỡ cho gia đình bé Yến Nhi.
Đến với chương trình Hát Mãi Ước Mơ, chú cố gắng hết sức, mong có một số tiền mua chiếc xe đạp điện cho bé đi học vì trường của Nhi ở rất xa. Phần còn lại chú sẽ lên danh sách chủ nợ của chị Hiền và trả cho họ. Với chất giọng cao vút, khỏe khoắn và làn hơi rất dày, chú đã chinh phục ban giám khảo và tất cả khán giả có mặt ở trường quay với những bản tình ca đầy cảm xúc như Để gió cuốn đi, Tôi đi giữa hoàng hôn…
Chú xuất sắc đạt giải thưởng 50 triệu đồng và Trấn Thành không ngần ngại gọi chú Đức là “người truyền cảm hứng” của chương trình. Chú Đức đáp lại bằng tấm chân tình: “Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói, khi chúng ta hát một bài tình ca là chúng ta hát về mối tình của mình, nhưng ngày hôm nay chúng ta cùng ngồi lại, hát cho ước mơ của một người khác bay xa”.
Chú Thiện Đức - “Người hát tình ca”
Nhắc lại thời trẻ, chú Thiện Đức bồi hồi kể lại năm 24 tuổi, chú rất thích ca hát, đặc biệt là những bản tình ca của Trịnh Công Sơn. Ngày ngày, chú ôm chiếc đàn ghi ta như một bảo vật. Tham gia Câu lạc bộ Ca nhạc và được thầy Cao Minh phát hiện tài năng, chú theo học hát được một năm trước khi quyết định từ bỏ và rẽ sang con đường khác.
Nhắc lại kỉ niệm buồn năm nào khiến người đàng ông cứng cỏi bỗng rưng rưng. Ngày xưa, nhà nghèo lại đông con, một năm được phát mỗi hai bộ đồ công nhân, gạo 12 ký/ năm thì làm gì có khả năng đi hát, chuẩn bị áo quần với người ta. Thầy Cao Minh khi ấy cũng nghèo, nghe vậy đã không ngần ngại móc túi nhét hết tiền vào tay khiến chú cảm động nhưng nào dám nhận. Lòng đã quyết, chú vẫn ra đi nhưng câu nói của thầy đọng lại trong tim đến tận bây giờ: “Dù cho trò có nghỉ đi chăng nữa thì những bản tình ca sẽ đi theo trò suốt cuộc đời”.
Ngẫm lại, thầy Cao Minh đã nói quá đúng. Khi cuộc sống đã ổn định, chú Thiện Đức trở lại với niềm đam mê ca hát bấy lâu nay còn đang dang dở. Nói đến đây, khuôn mặt chú bỗng bừng sáng, hồ hởi chia sẻ hàng ngày vẫn đi tập thể dục để duy trì sức khỏe lẫn kéo dài làn hơi. Những buổi hát thiện nguyện đem đến niềm vui dạt dào khó tả cho người đàn ông này. Tấm lòng luôn hướng đến việc thiện tâm, đến những hoàn cảnh khó khăn hơn cũng rất đáng được trân trọng. Tuy mỗi phần quà chỉ 1 - 2 triệu đồng, gửi đến các bệnh nhân ung thư không phải số tiền lớn nhưng những lời cảm ơn rối rít, những ánh mắt long lanh cảm ơn khiến người đàn ông hát tình ca này luôn cảm thấy ấm áp và hạnh phúc.
Trấn Thành rưng rưng khi nghe câu chuyện của chú Thiện Đức
Quả thật, dù cuộc sống có bộn bề, dòng đời có đầy rẫy những bon chen thì đâu đó vẫn tồn tại những tấm lòng vàng, những tấm gương “truyền cảm hứng” cho biết bao người như chú Nguyễn Thiện Đức cùng lời nhạc của Trịnh Công Sơn vẫn vang lên trong tâm trí những ai theo dõi chương trình “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi...”