Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người quen, bạn bè, một cá nhân ở Triệu Sơn, Thanh Hóa đã huy động vay hàng chục tỉ đồng và mất khả năng chi trả.
Người dân lo lắng vì gom tiền cho Thúy vay, nay mất khả năng chi trả
Những ngày qua, hàng chục hộ dân trên địa bàn huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) như ngồi trên đống lửa, khi hay tin Quách Thị Thúy mất khả năng chi trả. Ngôi nhà ở khu đất vàng thị trấn Giắt cũng đã được gia định Thúy sang tên cho người khác. Lúc này, các chủ nợ mới cuống cuồng đi đòi và tá hỏa khi biết rằng Thúy vay của rất nhiều người, với số tiền lên tới 70 tỉ đồng.
Chị Quách Thị Dung là họ hàng của Thúy, "lóa mắt" vì khoản lãi khủng Thúy vẽ ra nên đã chuyển cho Quách Thị Thúy vay số tiền hơn 7,6 tỉ đồng. Cho vay tiền tỉ nhưng đổi lại chị Dung chỉ cầm trong tay một mảnh giấy viết tay ghi nhận nợ mà không biết ngày nào sẽ trả.
Cầm tập giấy chuyển tiền dày cộp, chị Dung nói trong nước mắt: “Là họ hàng với nhau, tưởng vợ chồng Thúy vay tiền làm ăn đàng hoàng, mua nhà, mua đất thì mới cho vay kiếm chút lãi. Ai ngờ, giờ tìm hiểu ra, cô ấy vay rất nhiều người với số tiền rất lớn. Gia đình tôi cũng phải vay ngoài đưa cho cô ấy, nay mai người ta đòi chỉ còn tính mạng này trả cho họ".
Cho vay tiền tỉ nhưng chỉ bằng giấy viết tay đơn giản, không thế chấp
Trong danh sách các hộ cho Quách Thị Thúy vay hầu hết là người quen biết. Trong đó chị Lê Thanh Thủy (sinh năm 1987) trú tại xóm 7, xã Minh Châu cho Thúy vay 5,4 tỷ đồng. Theo lời chị Thủy, Quách Thị Thúy nhận làm con nuôi trong gia đình. Người anh trai Thủy là Lê Đình Hưng là bạn học chí cốt của chồng Thúy cũng xuống tay cho vay 800 triệu đồng.
Chị Lê Thị Vân trú tại số nhà 104 Bà Triệu, thị trấn Giắt cũng được Thúy tỉ tê như “rót mật vào tai” mang toàn bộ gia sản cho vay 270 triệu đồng. Cay đắng hơn, mẹ cô là bà Lê Thị Khánh cũng giấu nhẹm người nhà, gom tiền các nơi cho Thúy vay 3 lần với tổng số tiền là 1,21 tỷ đồng.
Trong số rất nhiều chủ nợ của Thúy chỉ có chị Lê Thu Trang 29 tuổi, xóm 5, xã Hợp Lý tìm tới Tòa án để giải quyết. Hiện chị Trang đã nộp đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Triệu Sơn đòi tài sản và tiền lãi với số tiền hơn 900 triệu đồng.
Chánh án huyện Triệu Sơn, Lê Văn Ngũ cho hay: "Sau khi nhận được đơn khởi kiện của người dân, Tòa đã phân công thẩm phán trực tiếp giải quyết vụ việc. Trong quá trình giải quyết, 2 bên hòa giải không thành, ngày 18/5 tới đây sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm".
3 lần bà Khánh gom tiền cho Thúy vay không hẹn ngày trả
Khi hay tin Quách Thị Thúy không có khả năng trả nợ, người dân đồng loạt kéo tới nhà Thúy để giải quyết nhưng họ càng choáng váng hơn khi biết toàn bộ tài sản, nhà cửa ở vị trí đắc địa thị trấn đã sang tên cho người khác. Hiện gia đình Thúy đi thuê nhà để ở.
Biết mình bị lừa, người dân đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan Công an tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên quá trình giải quyết của cơ quan này kéo dài (người dân gửi đơn từ giữa năm 2016) tới nay chưa có trả lời công dân. Hơn nữa cơ quan điều tra không có động thái trực tiếp đề nghị hoặc hướng dẫn người làm đơn đề nghị phong tỏa tài sản của vợ chồng Quách Thị Thúy nên đến nay, khi Thúy không còn tài sản gì, các chủ nợ càng hoang mang hơn.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa liên tiếp xảy ra tình trạng vỡ “tín dụng đen”, đặc biệt tại các vùng nông thôn, nơi đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Lóa mắt trước lãi suất khủng, muốn làm giàu thật nhanh, được ngồi mát ăn bát vàng… nhưng sự thật thì "tiền mất tật mang", thậm chí chính người cho vay cũng bị khởi tố với tội danh cho vay nặng lãi.
Trong khi đó công tác tuyên truyền giáo dục để nâng cao tinh thần cảnh giác với tín dụng đen vẫn chưa được tiến hành thường xuyên, có hiệu quả. Đồng thời cũng không ít kẻ lừa đảo núp bóng rất tinh vi. Có những người nhận tiền từ cho vay nặng lãi đã mua sắm những tài sản có giá trị lớn để chứng minh rằng mình là những người rất giàu, khiến nhiều người cả tin. Yếu tố này cộng với việc hám lợi đã mở đường cho tín dụng đen tiếp tục phát triển.
Hậu quả những vụ vỡ tín dụng đen không chỉ khiến những người tham gia mất tiền mà ngay một số chủ “ôm ăn chênh lệch” cũng rơi vào cảnh "tán gia bại sản". Điển hình như bà Lê Thị Thư (45 tuổi, ở xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương), vì tham gia tín dụng đen dẫn đến nợ 30 tỉ đồng không có khả năng thanh toán đã uống thuốc diệt cỏ tự tử vào tháng 7/2016.
Bà Lê Thị Hằng (42 tuổi, ở xã Thiệu Dương), vay mượn từ anh em, họ hàng hơn 10 tỉ đồng không có khả năng chi trả, cuối cùng đã chọn cái chết. Anh Lê Dụng Hoàn (45 tuổi, ở thôn Trường Sơn, xã Phú Lâm, huyện Tĩnh Gia) do "ôm" tín dụng ăn chênh lệch và tiền vay của người dân lên tới 9 tỉ đồng cũng đã treo cổ tự tử.