Không chỉ có đêm ba mươi bà đi nhặt rác mà ngay cả những ngày đầu xuân bà cũng đi, bà đi như thể muốn đánh cắp thời gian của tạo hóa, vì nó khiến bà cảm thấy cô độc, lạnh lẽo, buồn tủi giữa mùa xuân.
Cô độc giữa mùa xuân
Bà Phải trong căn phòng trọ ở xóm trọ Long Biên
Cuộc đời bà Nguyễn Thị Phải (sinh năm 1947, quê ở Phổ Yên, Thái Nguyên), là một chuỗi những ngày dài đau khổ. Từ khi còn nhỏ cho tới tận bây giờ, bà sống trong bộn bề thiếu thốn và bất hạnh chồng lên bất hạnh. 68 tuổi đời thì có tới 38 năm bà phiêu bạt tứ xứ, đắp đổi qua ngày bằng nghề nhặt rác.
Mỗi một năm qua đi là một cột mốc đánh dấu sự trái ngang trong cuộc đời bà. Năm nay, bà lại một mình đón tết ở xóm trọ Long Biên (phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội), nơi những người lao động nghèo tụ lại để mưu sinh bằng đủ thứ nghề vất vả nhất trên đời.
Ở xóm trọ này, dù ai có nghèo khổ, thiếu thốn và xa xôi cách mấy cũng tất bật chuẩn bị cho mình những món quà và chiếc vé tàu, xe để về quê ăn tết, duy chỉ có bà là cứ bình thản với sự nhộn nhịp của người đời.
Cũng bởi, từ ngày ôm con nhỏ dứt áo ra đi, bà không nghĩ sẽ có một ngày quay trở về quê hương huống chi là về quê ăn tết. Quanh năm suốt tháng bà vật lộn ngoài đường nhặt rác mưu sinh, ngay cả thời khắc đất trời chuyển giao giữa năm cũ và mới thì bà vẫn cứ bước thấp bước cao, tay xách nách mang toàn những rác là rác.
Bà bảo, 38 năm nay, năm nào bà cũng đi nhặt rác rồi đón giao thừa ngoài đường, chân bà đi như không biết mỏi, in dấu lên những con đường dài ra bất tận.
Dẫu đã bao mùa xuân trôi đi như thế, nhưng lần nào bà cũng có cảm giác cô đơn, nhất nay khi tuổi đã xế chiều. Có lẽ, ngày tết với một người không gia đình, nghèo khổ như bà thì nó trở nên đáng sợ hơn bao giờ hết.
"Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương"
Bà Phải mang những bịch nilong đã giặt sạch, phơi khô đi bán
Trong căn phòng trọ rộng chừng 8m2 tối tăm, ẩm thấp, trên lợp pờ rô xi măng, dưới là nền đất không có một đồ vật gì đáng giá ngoài mấy bộ quần áo cũ treo lủng lẳng trên tường. Bà Phải nheo mắt nhìn nồi cơm đang sôi, được đun bằng củi trước cửa nhà, ngay cạnh rãnh thoát nước đen ngòm.
Tối đến, bà cùng 3 người phụ nữ sống cùng phòng ăn cơm với một bát rau luộc. “Ăn uống như thế này là sướng chán, hồi trước 3 ngày không có một hạt cơm nào vào bụng, tôi chỉ ăn su hào bóp muối cho qua ngày. Mà su hào đó là những củ người ta vứt đi, mình đói quá, lấy về gọt bỏ những chỗ hỏng, rồi bóp muối ăn”, bà Phải nói. Và rồi như chạm vào mạch cảm xúc bà Phải lần giở lại quá khứ.
Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, bà Phải lớn lên trong sự đùm bọc của anh em, họ hàng. Vốn là người chăm chỉ, hiền lành nên bà được nhiều chàng trai theo đuổi, rồi bà nên duyên vợ chồng với một người con trai cùng làng. Năm 21 tuổi bà về nhà chồng cũng là năm bà bắt đầu nếm trải bao cay đắng cuộc đời.
Chồng bà thuộc dạng nhu nhược còn mẹ chồng bà thì quá nanh nọc, độc ác, những trận đòn từ hai mẹ con họ cứ giáng lên người bà như cơm bữa, ngày này qua ngày khác. Nhất là khi cưới nhau đến 7 – 8 năm mà vẫn chưa có con, thì những lời đay nghiến phát ra từ bà mẹ chồng hạnh hạ bà ngày đêm, đến nỗi ăn không ngon, ngủ không yên.
Đến năm thứ 9, bà có thai rồi sinh cho nhà chồng một cô con gái, nhưng “ghét dưa thì dưa có bọ”, người chồng lấy mọi cớ để trút mưa đòn lên người bà.
Quá khổ, uất ức bà ôm cô con gái chưa đầy một tuổi ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng. Quãng đời tối đâu là nhà ngã đâu là giường của hai mẹ con bà bắt đầu từ đây.
Để có tiền nuôi con bà làm bất kể công việc gì, nhưng khổ nỗi người ta thấy bà có con nhỏ nên chẳng ai thuê. Thế là bà hết lang bạt ở Hà Nội rồi lại dạt lên Yên Bái và ngược lại. Sau đó, bà quyết về hẳn Hà Nội làm thuê nuôi con.
Những ngày không có gì ăn, hai mẹ con đói lả, những người buôn bán ở chợ Bắc Qua (phường Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) thương tình lại cho chút rau thừa, quả ế để ăn cho hồi sức.
Rồi những chuyến gánh hàng nhiều lên, bà đành để con ngồi ở một góc chợ để làm. Khi cuối buổi quay lại thì không thấy con đâu, bà khóc cạn nước mắt, chạy chùn chân tìm con cũng không thấy. Người mẹ nghèo khổ ấy quyết đi tìm con bằng được, bà đặt chân đến 10 tỉnh phía bắc, đi đến đâu bà cũng hỏi, tìm tung tích của cô con gái bé bỏng.
Cuối cùng, trời không phụ lòng người, bà tìm được con khi đang rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Tìm được con bà không dám để con một mình nữa, đi đâu bà cũng mang con theo, ngay cả lúc gánh hàng cho khách. Những năm tháng ở vỉa hè, dãi dầu mưa nắng trôi đi, cô con gái lớn dần còn bà thì tóc bạc, sức khỏe sa sút theo thời gian.
Niềm hạnh phúc lớn nhất của bà là đã gả chồng cho cô con gái, dù kinh tế của các con còn rất khó khăn nhưng giờ bà cũng đã có 3 đứa cháu gọi bằng bà ngoại.
Năm 2010, khi đã tích cóp đủ tiền về quê, bà tìm về nơi chôn nhau cắt rốn trong sự vui mừng khôn xiết của anh em họ hàng. Từ ngày bà đi, sau 4 năm, anh em họ hàng tưởng bà bỏ xác nơi đâu đó nên đã lập ban thờ cho bà. Vậy là 34 năm di ảnh của bà nằm trên ban thờ, còn bà thì vẫn đang vật lộn với miếng ăn từng ngày.
Khi tôi hỏi, bà có ý định về quê sống nốt quãng đời còn lại không thì bà cho biết, bà sẽ ở xóm trọ Long Biên này đến khi trút hơi thở cuối cùng. Bà nói rằng, bà đã coi nơi này như ngôi nhà của mình suốt 8 năm nay, hơn nữa bà không muốn quay về nơi đã gây ra cho bà bao đau khổ.
Chiều Hà Nội rét và u ám như những gì cuộc đời bà Phải đã trải qua.