Trong những ngày cuối năm 1974 và đầu năm 1975, Đại đội 9 (Sư đoàn 9) chúng tôi làm nhiệm vụ đánh địch ở khu vực Tây Ninh, đường 20, dọc sông La Ngà… sau đó tiếp tục phát triển về Long Khánh (Đồng Nai).
Là đại đội trinh sát của Sư đoàn, chúng tôi thường phải đi trước. Trong trận đánh cuối cùng đó đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm có thể nói suốt đời chẳng bao giờ quên. Đó là mẩu chuyện về chiến sỹ trinh sát Nguyễn Văn Thành, người chiến sỹ đã anh dũng hy sinh trước cửa ngõ Sài Gòn khi chiến tranh sắp kết thúc.
Thành quê huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), nhập ngũ mấy tháng thì được lệnh vào Nam chiến đấu và bổ sung vào đại đội trinh sát do tôi làm Đại đội trưởng. Ngay từ khi mới về đơn vị, Thành đã để lại cho tôi những ấn tượng tốt đẹp. Thành kể cho tôi nghe về chuyện riêng tư của gia đình khiến tôi không khỏi xúc động. Nhà Thành nghèo lắm, học chưa hết phổ thông thì người anh trai xung phong nhập ngũ và đã hy sinh tại thành cổ Quảng Trị năm 1972. Khi cầm giấy báo tử trên tay, người mẹ quê nghèo ấy đã ôm lấy Thành khóc nức nở: “Con ơi, thế là mẹ mất một cánh tay rồi, thương anh, con phải cố gắng học tập nhé!”… Thế rồi không đầy 2 năm sau, mẹ lại nén đau thương tiễn đứa con út ra trận và cũng là đứa con trai duy nhất còn lại của mẹ đi đánh giặc. Người chị của Thành là Nguyễn Thị Minh Hằng lúc ấy đang học năm thứ 4 Đại học Sư phạm Hà Nội. Thành bảo, chị Hằng rất thương em, hôm tiễn em lên đường, chị không cầm nổi nước mắt…
Tác giả và vợ (chị gái liệt sĩ Thành)
Sau đó ít hôm, đơn vị tôi được lệnh của chỉ huy Sư đoàn đưa một phân đội đi trinh sát làm nhiệm vụ gấp. Biết được hoàn cảnh của Thành, Ban chỉ huy đại đội quyết định để Thành ở lại. Sau khi phổ biến nhiệm vụ xong, Thành vội vàng lên gặp tôi xin bằng được đi trinh sát lần này. Giải thích thế nào, Thành cũng nhất quyết xin đi bằng được, cuối cùng, Ban chỉ huy đại đội đành phải nhượng bộ trước quyết tâm của Thành.
Tối 26/3/1975, bộ phận đi trinh sát do tôi chỉ huy rời vị trí xuất phát, mục tiêu là Yếu khu quân sự Định Quán (tỉnh Đồng Nai bây giờ). Sau khi trinh sát xong, không may khi trở ra, Thành vướng phải mìn, mìn nổ làm cậu bị thương nặng. Anh em cố gắng mãi mới đưa được ra ngoài hàng rào và chuyển về căn cứ. Do mất máu quá nhiều nên Thành bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, cậu ta chỉ kịp nói được với tôi: “Đại đội trưởng ơi, thế là em lỡ hẹn với anh rồi, em không bao giờ được đón Đại đội trưởng về nhà em nữa. Khi nào về quê, em nhờ Đại đội trưởng nói hộ với mẹ và chị Hằng là em đã làm tròn nhiệm vụ mà mẹ và chị từng ấp ủ”. Do vết thương quá nặng cho nên Thành đã vĩnh viễn ra đi vào đêm hôm ấy. Chúng tôi đưa thi hài Thành ra cứ của Sư đoàn chôn cất chu đáo và hẹn sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ trở lại…
Do trinh sát nắm chắc địch cho nên trận đánh đó, Sư đoàn chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giải phóng hoàn toàn Định Quán để sau đó cùng hai Sư đoàn của Quân đoàn 4 đánh vào thị xã Xuân Lộc và thần tốc tiến về Sài Gòn trưa 30/4/1975. Sau khi giải phóng Sài Gòn, Sư đoàn chúng tôi cùng các Sư đoàn của Quân đoàn 4 tiếp tục làm nhiệm vụ quân quản Sài Gòn - Gia Định. Do công việc quá bề bộn sau chiến tranh cho nên hai tuần sau, chúng tôi mới ra Định Quán thăm mộ Thành và các đồng đội được. Đứng trước những ngôi mộ, thay mặt đơn vị, tôi hứa với Thành và đồng đội tôi đang yên giấc nơi đây là chúng tôi sẽ cố gắng xứng đáng với sự hy sinh cao quý đó.
Mãi gần 2 tháng sau tôi mới được cấp trên cho về quê nghỉ phép thăm nhà và một nhiệm vụ không kém phần quan trọng nữa là đến thăm mẹ và Hằng, chị gái của Thành. Sau lần đến thăm đó và mấy lần tiếp theo, tôi và Hằng đã yêu nhau và một năm sau, chúng tôi nên vợ, nên chồng. Giờ đây, được tận hưởng hạnh phúc của quê hương đổi mới, chúng tôi không quên được công ơn của bao người con đã ngã xuống, trong đó có Thành. Chính Thành là viên gạch hồng tạo dựng và vun trồng hạnh phúc cho vợ chồng tôi.
Chiến tranh đã lùi xa 40 năm qua nhưng những kỷ niệm xưa một thời cùng đồng đội tôi “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” thì chẳng bao giờ tôi quên. Hôm nay ngồi viết lại hồi ức này đúng vào ngày giỗ 40 năm của Thành, chúng tôi như thấy bóng dáng Thành lại về thăm quê hương và chứng kiến sự đổi thay của đất nước.