Người Bí thư Chi bộ bước ra từ... hang núi

Nguyễn Trung Thành| 05/11/2018 06:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ông là Moong Thái Dương (SN 1962), Bí thư Chi bộ thôn Na Nhắng và cũng là một trong những người có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến đồng bào Khơ Mú ở xã Tiền Phong.

Gần hết một buổi chiều biên tái, tôi mới tìm được nhà ông. Căn nhà nằm chìm lút giữa tre pheo và lá mục ở cuối bản Na Nhắng, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Và, cũng trong căn nhà đó, giữa nhập nhoạng bóng đêm, giữa hun hút núi rừng, câu chuyện về ông, về người đàn ông Khơ Mú quyết vượt qua lời nguyền, bỏ lại lời thề thiêng nơi hốc đá để hạ sơn theo học cái chữ rồi từ đó thay đổi cuộc đời mình được tãi ra chả khác gì cổ tích.

Người đàn ông được… khen nhiều nhất bản!

Tính đến giờ, ông Dương đã trải qua 17 năm làm Bí thư Chi bộ thôn Na Nhắng, 25 năm làm Hội thẩm nhân dân của TAND huyện Quế Phong với “nhiều lần được xuống tỉnh, xuống huyện, đứng giữa hội nghị đọc báo cáo điển hình”, bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tòa án... treo khắp nhà. Dân Na Nhắng gọi ông là “người đàn ông được… khen nhiều nhất bản”. Nhưng, đằng sau cái vẻ “hào nhoáng” và những thành công ấy, ít người biết rằng, ông Dương đã phải trải qua “hành trình đời người” dài dằng dặc với vô vàn cam khó.

Ông Dương kể, ngày xưa, khắp vùng biên viễn Quế Phong còn khuất nẻo, hoang vu đến tột cùng. Đồng bào ở đây chủ yếu là người dân tộc Mông, Khơ Mú với truyền thống du canh du cư từ ngàn đời trước. Cuộc sống của họ phần nhiều dựa vào tự nhiên bằng cách săn bắt, hái lượm và đốt rừng phát rẫy làm nương. Đến khi nào đất đai bạc màu, cây lúa không còn trổ bông trĩu hạt thì dắt díu, gánh gồng chuyển nhà đi nơi khác...

Dù được sinh ra ở bản Huổi Can, xã Nậm Nhoóng, nhưng tuổi thơ của ông Dương chủ yếu trôi đi trên khắp các đỉnh rừng. Bố mẹ ông, những người Khơ Mú toàn tòng, được tổ tiên truyền lại cho cái “gien” xê dịch. Cứ vài năm, thậm chí chỉ qua một hai mùa bắp, ông lại cùng với 4 anh em của mình thấp thểnh phụ giúp bố mẹ “chuyển nhà”. “Gọi là nhà cho oai chứ thực ra chỉ vài cây gỗ cặm xuống, rồi quăng ít lá rừng lên làm nóc. Nhiều khi lá chưa kịp vàng, nhà tôi đã dỡ bỏ đi nơi khác, tìm vùng đất tốt hơn…”, ông Dương nhớ lại.

Người Bí thư Chi bộ bước ra từ... hang núi

Ông Dương bên vườn cây ăn quả của gia đình

Những tưởng cả đời sẽ phải gắn với cảnh lang bạt, rày đây mai đó, nhà cửa tạm bợ, sống với con ma rừng, với bệnh tật và sự lạc hậu tột cùng, nhưng rồi “bước ngoặt cuộc đời” của ông Dương cũng đến, vào năm ông 11 tuổi. Đó là khi thầy giáo xắn quần, lội rừng vào tận nhà, rồi tìm lên tận nương để vận động bố mẹ ông cho mấy anh em ông đi học.

Ông Dương kể: “Lúc bấy giờ tôi cũng chả biết học chữ sẽ thế nào, có tốt không, và có làm no cái bụng? Tôi chỉ nghĩ, nếu mình được đi học, hàng ngày được đến trường thì sẽ không phải lang thang, đánh bạn với hang hốc, núi rừng nữa. Thế là tôi khóc ngằn ngặt đòi đi. Quả thật, nhờ có cái chữ mà đời tôi, đời các anh chị em tôi, và đặc biệt là đời con cháu của chúng tôi đã đổi khác rất nhiều”.

Nhà xa, phải ở lại trường, kể từ đó ông Dương bắt đầu phải tự lập, từ việc học tập cho đến nấu nướng, cơm nước, tắm rửa, chăm sóc bản thân. “Trường nội trú cách nhà hơn 20km đường rừng, phải đi từ sáng đến chiều mới tới nơi nên có khi cả tháng tôi mới dám về. Toàn đi bộ thôi. Đi như khỉ leo núi ấy. Mệt thì nghỉ, khát thì xuống suối… Nhưng đối với đám học trò người dân tộc thiểu số như chúng tôi thì việc đó vẫn không khó, khổ bằng việc học chữ. Có khi nó còn khó hơn cả đi bộ xuyên qua hàng trăm ngọn núi ấy chứ!”, ông Dương cười.

Đói khát, thiếu khó trăm bề như thế nhưng cậu học trò nghèo người Khơ Mú vẫn quyết tâm đeo đuổi việc học để nuôi ước mơ sau này lớn lên làm cán bộ. Khi gần hết học kỳ 1 năm lớp 7 thì ông Dương phải nghỉ học sau một trận ốm “thập tử nhất sinh”. Sau đó ông ở nhà phụ giúp gia đình rồi lấy vợ sinh con. Cuộc sống cứ thế chảy trôi.

Cùng đồng bào diệt “giặc đói” và “giặc dốt”

Vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, khi chính quyền tỉnh Nghệ An và huyện Quế Phong cử nhiều đoàn cán bộ vào Nậm Nhoóng vận động đồng bào từ bỏ cuộc sống du canh du cư, thì gia đình ông Dương là một trong những gia đình Khơ Mú đầu tiên về dựng làng, lập bản, định cư tại bản Na Nhắng, xã Tiền Phong. Cũng từ đó, người dân Khơ Mú chính thức bước ra khỏi rừng già sâu thẳm, đoạn tuyệt với cuộc sống ăn hang ở lỗ. Còn đối với bản thân Moong Thái Dương, thời điểm này cũng đánh dấu một bước ngoặt lớn của cuộc đời ông, đó là được theo học tiếp hệ bổ túc để lấy bằng tốt nghiệp THPT và vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, trở thành đảng viên người Khơ Mú đầu tiên ở Na Nhắng.

“Ngày đó tôi mừng lắm. Khi đứng tuyên thệ dưới cờ Tổ quốc và ảnh Bác, nước mắt cứ thế trào ra. Có nằm mơ tôi cũng không thể nghĩ được là có ngày mình lại trở thành đảng viên, sau bao năm lang bạt rừng già, đói rách đến tột cùng. Rồi đến năm 2000, tôi được tổ chức phân công làm Bí thư Chi bộ Na Nhắng. Lúc mới nhận nhiệm vụ, tôi lo lắng, thao thức suốt mấy đêm liền. Làm sao để đưa được các chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào và quan trọng hơn là làm thế nào để Na Nhắng thoát nghèo? Vì chỉ cần đói cơm, đứt bữa là người ta lại nghĩ đến rừng”, ông Dương tâm sự.

Và quả thật, thời điểm đó đã có không ít gia đình người Khơ Mú ở Na Nhắng vì đói nghèo mà gồng gánh, dắt díu nhau trở lại rừng. Mỗi lần như thế, ông Dương lại phải “cơm đùm cơm nắm” cùng nhiều đoàn cán bộ lặn lội rừng xanh núi đỏ để đi tìm đồng bào rồi vận động họ trở về. ““Gọi” được đồng bào về rồi, nhưng công việc chưa phải là hết. Cả đời họ sống dựa vào rừng, săn bắt hái lượm, giờ về định cư một chỗ, làm gì cũng bỡ ngỡ không quen. Nghĩ tôi được đi học thì cái gì cũng biết, thế là bất kể sớm tối có chuyện gì không thông, từ trâu đau, bò ốm cho đến chuyện học hành của con trẻ, họ đều tìm tôi rồi “Bí thư Dương ơi, Bí thư Dương à, cho tao hỏi...”. Mà kiến thức bao la, mình làm sao biết cho hết bằng ấy chuyện?”, ông Dương cười.

Người Bí thư Chi bộ bước ra từ... hang núi

Bí thư Đảng ủy xã Tiền Phong Phạm Ngọc Nghĩa: “Ông Dương là người có uy tín, được đồng bào tín nhiệm và tin tưởng”

Không biết thì phải học, nghĩ vậy nên mỗi lần có dịp ra xã, ra huyện, ông Dương đều tìm mua hoặc xin sách, tài liệu về để đọc, để học rồi chia sẻ kiến thức với đồng bào. Lúc rảnh rỗi, ông tranh thủ dạy chữ cho người dân, đặc biệt là lớp trẻ. Những thầy cô giáo người Kinh từ dưới xuôi lên cắm bản cũng thường xuyên qua lại nhà ông nhờ vận động đồng bào, mỗi khi có học sinh Khơ Mú nào bỏ học. Tính đến giờ, số trẻ được ông Dương vận động quay lại trường lên đến 30-40 em.

Để đồng bào yên ổn làm ăn, không nghĩ đến chuyện di cư tự do, lang thang rừng núi nữa thì điều quan trọng nhất là phải giúp họ “no cái bụng”. Nhưng cái khó nằm ở chỗ đồng bào bước ra từ rừng già, mọi thói quen sống đến phong tục tập quán đều được lưu truyền từ nhiều đời trước. Muốn giúp họ trồng cây gì, nuôi con gì để thoát khỏi hủ tục và đói nghèo truyền kiếp, ông Dương lại phải nhờ cán bộ chuyên môn trên xã, trên huyện về hướng dẫn tận tình, tỉ mỉ. Nhiều loại cây trồng, vật nuôi như vịt bầu, cá trắm, chanh leo, mía, sa nhân và một số cây dược liệu bắt đầu được đưa về Na Nhắng thử nghiệm.

Nhằm giảm thiểu rủi ro cho người dân, Dương vận động người thân trong gia đình và dòng họ đem áp dụng thử nghiệm trên vườn đồi nhà mình trước, thấy cây gì, con gì có hiệu quả kinh tế thì mới chia sẻ kinh nghiệm cho dân bản, khuyến khích họ cùng làm. Những hộ gia đình muốn phát triển kinh tế, có nhu cầu vay vốn, ông lập danh sách rồi báo cáo lên xã, tạo điều kiện cho họ tiếp cận và được vay các nguồn vốn ưu đãi. Dần dà đời sống của đồng bào từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm đi mỗi năm, chuyện di cư tự do cũng dần lui vào dĩ vãng.

Trách nhiệm với cộng đồng

Nhưng sức người có hạn, dù một hoặc vài cá nhân có cố gắng làm tốt đến đâu thì thành quả thu được cũng hạn chế, làm sao có thể ôm kham nổi hết công việc? Nghĩ vậy nên ông Dương quyết tâm phải xây dựng Chi bộ ngày càng lớn mạnh. Bởi chỉ khi tập hợp được nhiều đảng viên ưu tú thì việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách mới nhanh, có sức lan tỏa và hiệu quả, lòng tin của quần chúng đối với Đảng cũng sẽ được củng cố. Chính vì quan điểm ấy mà Chi bộ Na Nhắng, do ông Dương làm Bí thư, trong nhiều năm liền luôn là một trong những Chi bộ đi đầu về công tác xây dựng Đảng của xã Tiền Phong. Tính từ năm 2000 đến nay, Na Nhắng từ chỗ chỉ có 3 đảng viên, giờ con số đó đã lên đến 10 người. Trong đó, bản thân ông Dương trực tiếp theo dõi, kèm cặp và bồi dưỡng cho 6 người.

Không phụ lòng Bí thư Dương, những đảng viên này đều phát huy tốt vai trò của mình, gần dân, hiểu dân, có uy tín, trách nhiệm với công việc, cộng đồng. Nhiều người còn trở thành những tấm gương trong phong trào xóa đói, giảm nghèo cũng như trong việc tuyên truyền, vận động bà con tham gia làm đường nội thôn, xây chuồng trại chăn nuôi, cho con cháu đi học, từ bỏ hủ tục lạc hậu, từng bước xây dựng nông thôn mới.

Ngoài công tác đảng với vai trò là Bí thư Chi bộ Na Nhắng, từ năm 1993, ông Dương còn tham gia vào Đoàn Hội thẩm nhân dân của TAND huyện Quế Phong. Nhưng ngặt nỗi, kể từ khi về công tác ở Đoàn Hội thẩm, hàng tuần, hàng tháng phải chứng kiến nhiều đồng bào của mình sa vào lao lý chỉ vì sự thiếu hiểu biết về pháp luật, ông Dương trăn trở lắm. Thế là trong suốt những ngày tháng tiếp theo, ông đi xin, mượn, phô tô tài liệu về để đọc, để học và tự trang bị thêm kiến thức pháp luật cho mình. Mỗi khi chính quyền, hoặc các cơ quan đoàn thể của địa phương tổ chức các chuyến đi tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào vùng sâu vùng xa, ông đều sắp xếp công việc để tham gia. Sau 25 năm là Hội thẩm, ông đã tham gia khoảng 120-130 buổi tuyên truyền cho hàng nghìn lượt người dân ở hầu khắp các xã bản trong huyện. “Mình đã có may mắn được ăn học đàng hoàng thì việc đem cái vốn kiến thức đã học được ấy ra chia sẻ, đóng góp cho sự phát triển chung của cộng đồng cũng là điều nên làm”, ông Dương tâm sự.

Người Bí thư Chi bộ bước ra từ... hang núi

Hội thẩm nhân dân Moong Thái Dương (bên trái ảnh) trong một phiên xét xử của TAND huyện Quế Phong

Đánh giá về Hội thẩm nhân dân Moong Thái Dương, Chánh án TAND huyện Quế Phong Lô Thị Châu cho biết: “Ông Dương là người cẩn thận, tỉ mỉ và nhiệt tình trong công việc. Khi biết mình sẽ tham gia vụ án nào, ông luôn chủ động nghiên cứu rất kỹ hồ sơ, rồi cùng HĐXX phân tích, đánh giá các chứng cứ, tình tiết một cách khách quan nhất để đưa ra một bản án thấu tình đạt lý, đúng người đúng tội”.

Còn Bí thư Đảng ủy xã Tiền Phong Phạm Ngọc Nghĩa thì quả quyết: “Chi bộ Na Nhắng lớn mạnh như ngày hôm nay, không thể không nhắc đến công sức của ông Dương. Suốt 17 năm làm Bí thư Chi bộ, ông không những góp phần xây dựng, duy trì được khối đại đoàn kết trong thôn bản mà còn “chung lưng đấu cật”, giúp đồng bào diệt “giặc đói” và “giặc dốt”, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Hơn nữa, với hơn 95% dân số là người Khơ Mú, trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của của Na Nhắng nói riêng và xã Tiền Phong nói chung, vai trò của những cán bộ, đảng viên như ông Dương vô cùng quan trọng. Bởi ông là người có uy tín, được đồng bào tín nhiệm và tin tưởng”.

Với tính cách ôn hòa, chuẩn mực, ông Dương không chỉ làm tốt công tác xã hội, mà ngay cả trong việc đối nhân xử thế, nhất là việc giáo dục con cháu trong gia đình cũng khiến nhiều người nể phục. Ông có 3 người con thì tất cả đều được ăn học đàng hoàng, trong đó có cậu con trai cả và cô con gái thứ hai có trình độ đại học. Còn tính rộng ra, trong mấy anh em ông thì hầu như ai cũng có thể gọi là thành đạt với một người làm Bí thư, một người làm Chủ tịch xã (mới về hưu) và một cháu trai hiện đang là Đại biểu Quốc hội khóa XIV của tỉnh Nghệ An.

Với ý chí và khát vọng vươn lên, ông Dương cùng với những người anh em trong dòng tộc của mình đã vượt thoát ra khỏi sự vây bủa của đói nghèo, hủ tục chốn rừng sâu để tìm đến với cái chữ, rồi vụt lớn, trở thành niềm tự hào của cả cộng đồng người Khơ Mú. Giờ, trong mỗi câu chuyện bên bếp lửa, người già ở Na Nhắng vẫn hay nhắc đến tên ông nói riêng và dòng họ Moong nói chung như một tấm gương sáng để răn dạy con cháu noi theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Bí thư Chi bộ bước ra từ... hang núi