Ngược núi cùng đồng bào chống rét

Đức Bảo| 28/11/2017 06:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong những ngày vừa qua, không khí lạnh liên tục được tăng cường đã khiến nền nhiệt ở miền Bắc giảm sâu, trời rét đậm, vùng núi rét hại. Thậm chí ở một số nơi như xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa (Điện Biên) đã xuất hiện tình trạng băng giá gây hại.

Nỗ lực thoát nghèo

Sín Chải là một trong những xã vùng cao thuộc diện khó khăn nhất của huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên với gần 100% người dân là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trước đây, kinh tế của bà con trong xã phần lớn chỉ dựa vào cây ngô, lúa nương với lối canh du canh, du cư, chọc lỗ tra hạt, diện tích nhỏ hẹp, manh mún, cho năng suất thấp. Nay, bà con đã biết áp dụng những phương thức tiên tiến hơn trong sản xuất, chăn nuôi khi mạnh dạn cải tạo, khai hoang diện tích để gieo cấy lúa ruộng, trồng đậu tương với tổng diện tích gieo trồng trên gần 1.000ha. Người dân còn mạnh dạn đóng chuồng trại chăn nuôi gia súc, theo hướng bầy đàn với số lượng tổng đàn hàng nghìn con. Kinh tế xã đã dần chuyển dịch theo hướng đa dạng hơn.

Ngược núi cùng đồng bào chống rét

Ông Giàng A Giơ: “Giờ nhà tôi đã biết tích ngô, sắn cho mùa đông”

Với năng suất lương thực bình quân trên 400-450kg/người/năm, người dân ở Sín Chải không những đã thoát khỏi nghèo khó, cảnh đứt bữa trong những tháng giáp hạt mà còn có sản phẩm tiêu thụ, bán buôn ngoài địa bàn. Giao thông căn bản hoàn thiện đã giúp bà con thông thương kinh tế dễ dàng hơn. Cái cảnh con ngựa thồ hàng, vượt ngược dốc nay đã thay đổi với phương tiện xe máy cũng giúp bà con chủ động thời gian, giải phóng sức lao động.

Bên cạnh đó, điều mà bà con nơi đây hằng mong mỏi, đau đáu bao nhiêu năm nay giờ đã có: Sín Chải đã thoát khỏi tiêu chí xã “4 không” khi đã có điện, đường, trường, trạm y tế. Công trình điện lưới nông thôn vượt qua gần 60 km dẫn điện về bản đã đưa văn minh đến với người dân. Qua xem tivi, nghe đài bà con đã học tập được nhiều kiến thức, kinh nghiệm áp dụng vào sản xuất, gieo trồng, chăn nuôi. Công tác y tế được triển khai tốt tại địa bàn đã nâng cao ý thức chăm sóc sức khoẻ, phòng bệnh cho nhân dân, giúp người dân bỏ được nhiều hủ tục lạc hậu trong cuộc sống thường ngày.

Cái lý của người Mông ở Sín Chải “đẻ nhiều để có người phát rẫy làm nương”, “bệnh tật, ốm đau là do ma rừng” giờ cũng đã không còn nữa. Điều đặc biệt hơn, hệ thống trường lớp, đủ các cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) đã biến ước mơ, khát khao được theo đuổi “cái chữ” của con em người dân trong xã thành hiện thực. Trẻ em ở độ tuổi đến trường đều được ra lớp đầy đủ. Học sinh ở những bản xa xôi hàng chục cây số, đi bộ mất non nửa ngày đường như bản Hấu Chua, Sáng Tớ, Chế Cu Nhe, Lồng Sự Phềnh... cũng gùi gạo, củi đủ dùng cho những tháng ở lại những khu bán trú dân nuôi, hoà nhập vào phong trào “dời non học chữ”.

Song do hiểu biết còn hạn chế cùng với tập quán chăn thả gia súc tự do không có chuồng trại nên mấy năm về trước, Sín Chải thường xuyên chịu thiệt hại nặng nề về gia súc, gia cầm trong mỗi đợt rét. Trong mấy ngày vừa qua, do không khí lạnh liên tục được tăng cường nên trên địa bàn xã đã xuất hiện tình trạng đóng băng mỏng trên cây cối, hoa màu, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và các hoạt động học tập của học sinh và đời sống của đồng bào. Để giảm thiểu tình trạng thiệt hại cho người dân, chính quyền các cấp cùng với các cơ quan đoàn thể địa phương đã tổ chức hướng dẫn người dân làm chuồng trại từ sớm để phòng chống rét cho gia súc.

Không để gia súc, gia cầm chết vì đói, rét

Theo bà Hoàng Thị Tuyết Ban, Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết thì từ ngày 23/11, nhiệt độ tại một số xã trên địa bàn huyện như Trung Thu, Tả Sìn Thàng, Sín Chải… đã xuống rất thấp, có nơi xuống dưới 7 độ C. Riêng tại xã Sín Chải đã xuất hiện tình trạng đóng băng thành lớp mỏng trên cây cối, hoa màu. Tuy nhiên, hiện chưa có thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm rét hại gây ra. Trước diễn biến của thời tiết, chủ động phòng chống rét đậm, rét hại, giảm thiểu thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi đến mức thấp nhất, công tác phòng, chống rét cho gia súc, vật nuôi đang được chính quyền địa phương thực hiện rất khẩn trương.

Ngược núi cùng đồng bào chống rét

Nhiều ngày qua, gia đình anh Giàng A Bang ở bản Hấu Chua đã dành nhiều khá nhiều thời gian để chuẩn bị phòng chống rét cho đàn trâu trong mùa đông. Chuồng trại được gia cố lại, chắc chắn và kín đáo hơn, hố chứa phân gia súc được nạo vét, dọn dẹp sạch sẽ. Rơm rạ gặt trong vụ mùa vừa qua được gia đình anh đánh thành cây to để gọn gàng trong góc vườn. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn trâu trong mùa đông giá lạnh. Mấy tháng nay gia đình anh Bang đã trồng thêm mấy sào ngô đông để làm nguồn thức ăn dự trữ, chống đói và chống rét cho gia súc.

Ông Thào A Sông, cán bộ thú ý xã Sín Chải cho biết, hiện trên địa bàn xã có khoảng xấp xỉ 10.000 con gia súc, gia cầm. Trong đó phần lớn các hộ gia đình đã có ý thức về làm chuồng trại và dự trữ thức ăn. Theo thống kê, đến nay toàn xã có khoảng 70-90% số hộ có chuồng nuôi nhốt gia súc được lợp prôximăng, hơn 50% số nền chuồng được láng xi măng và xây tường bảo đảm kín gió.

Trước kia, đồng bào ở đây hay chăn thả tự do, giờ nhờ cán bộ thú y, y tế, khuyến nông xã, bản tích cực tuyên truyền, vận động nên thói quen đó dần thay đổi. Bên cạnh đó, trạm khuyến nông huyện cũng thường xuyên mở nhiều lớp tập huấn về chế biến thức ăn, che chắn chuồng trại, giữ ấm cho đàn gia súc, nhất là trong những ngày rét đậm, rét hại. Ngoài ra, huyện còn triển khai mô hình nhốt gia súc tập trung có hiệu quả. Nhờ vậy, giờ đồng bào Sín Chải đã dần biết chủ động đưa gia súc xuống các vùng thấp để tránh rét, dự trữ củi để sưởi ấm. Bên cạnh đó, các cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân kỹ thuật sơ chế, bảo quản thức ăn thô như dư trữ cỏ khô, rơm, cách thức bảo quản thức ăn tươi ủ chua, sắn, ngô để cho gia súc ăn trong mùa rét.

“Được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật dự trữ thức ăn cho gia súc, giờ gia đình tôi đã biết cách ủ thức ăn chua và sửa chữa, củng cố chuồng trại nuôi nhốt để khi mùa đông đến, trâu bò không phải thả rông. Ở bản này giờ nhà nào chăn nuôi gia cũng đều biết cách dự trữ rơm khô và trồng cỏ voi. Chứ ngày xưa chưa có hiểu biết về kỹ thuật, toàn chăn thả tự nhiên thôi, cứ mùa đông lại lo. Có năm trâu, bò, gà, dê chết hàng loạt. Xót lắm! Giờ thì không nhà nào để gia súc, gia cầm chết vì đói, rét nữa”, ông Giàng A Giơ ở bản Chế Cu Nhe chia sẻ.

Chủ động phòng chống thiên tai

Trước tình hình thời tiết diễn biến thất thường, ngày 21/11/2017, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên cũng đã ban hành Công điện số 38 đề nghị Ban chỉ huy nói trên ở các sở, ngành, đơn vị, địa phương, nhất là vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, thường xuyên cập nhật diễn biến không khí lạnh, thông tin kịp thời để người dân chủ động phòng tránh, ứng phó với tình hình thời tiết giá rét có thể kéo dài.

Đồng thời, các sở, ngành, đơn vị tăng cường cán bộ xuống cơ sở kiểm tra, hướng dẫn người dân củng cố chuồng trại, giữ khô nền, ấm chuồng đảm bảo vệ sinh, dự trữ thức ăn tinh, thô, đảm bảo phòng chống đói, rét cho đàn gia súc. Các sở, ngành, địa phương căn cứ tình hình thực tế để chủ động cho học sinh nghỉ học. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Điện Biên tăng cường công tác dự báo, thông báo kịp thời tới các đơn vị liên quan được biết để có phương hướng chỉ đạo, xử lý.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các huyện, xã hướng dẫn các hộ chăn nuôi thu gom triệt để rơm rạ, bảo quản, dự trữ các loại cỏ thân mềm nơi khô ráo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với chăn nuôi. Đồng thời, tận dụng thân cây ngô, ngọn mía, bã mía để chế biến, dự trữ bằng hình thức ủ chua làm thức ăn dự trữ cho mỗi trâu, bò đạt 400kg/con trở lên. Và cũng chính nhờ công tác phòng chống sớm như vậy nên đã góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người dân trong đợt rét vừa qua.

Hiện chính quyền huyện Tủa Chùa đang tập trung chỉ đạo các địa phương trên địa bàn chăm sóc vật nuôi, bảo vệ cây trồng, đảm bảo sức khỏe cho người dân trên địa bàn trong những ngày diễn ra rét đậm. Đặc biệt là vận động đồng bào sửa chữa, làm mới chuồng tại đảm bảo giữ ấm cho gia súc, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử  trùng chuồng nuôi, tăng cường các biện pháp chăm sóc nuôi dưỡng nâng cao sức đề kháng cho gia súc. Ngoài ra, cán bộ cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi xuất bán gia súc đến tuổi giết thịt, già yếu, không nên nuôi lưu đàn quá lâu để giảm bớt khó khăn cho việc phòng chống đói, rét và hạn chế thiệt hại cho mùa đông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngược núi cùng đồng bào chống rét