Trong gia đình người Mông, phòng ngủ của vợ chồng, các con bố trí riêng, giường ngủ bằng phản gỗ hoặc giát bằng tre nứa. Tập tục khá khắt khe, nơi ngủ của con hoặc em dâu thì bố và anh chồng không được vào và ngược lại.
Một căn nhà điển hình
Hà Giang là mảnh đất biên giới của Tổ quốc, nơi có cột cờ Lũng Cú khẳng định chủ quyền đất nước luôn tung bay, có công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn với những dãy núi đá trập trùng hùng vĩ. Vùng đất nơi đây còn giữ nhiều nét văn hóa truyền thống rất đặc trưng riêng của đồng bào 22 dân tộc anh em. Dân tộc Mông có gần 200.000 người gồm: Mông Trắng và Mông Hoa, chiếm 31,5% dân số toàn tỉnh, sinh sống đông nhất ở ba huyện Đồng Văn, Mèo Vạc và Quản Bạ. Trên những dãy núi đá thường có những ngôi nhà của người Mông được làm bằng gỗ và đặc biệt là những ngôi nhà trình tường đất, lợp ngói âm dương hay lá nứa. Có thể nhiều người thắc mắc: tại sao người Mông nơi đây không làm nhà sàn gỗ như nhiều dân tộc khác vùng núi rừng Tây Bắc, hoặc xây bằng đá vật liệu sẵn có? Câu trả lời đơn giản là vì vùng núi đá có khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt về mùa đông giá rét. Cái giá lạnh do đá tỏa ra buốt giá cho nên ngôi nhà trình đất vừa kín đáo, chắc chắn, lại ấm áp về mùa đông, mát mẻ mùa hè.
Độc đáo Hà Giang
Nét độc đáo trong kiến trúc người Mông tương đối thống nhất theo một khuôn mẫu, có ba gian chính hai cửa (cửa chính và phụ) tối thiểu có hai cửa sổ. Trong ba gian nhà chính được sắp xếp: gian bên trái có bếp nấu nướng và buồng ngủ của gia chủ; gian bên phải là bếp sưởi và giường cho khách (nếu có); gian giữa là gian rộng nhất để ban thờ tổ tiên, nơi tiếp khách và ăn uống của gia đình.
Trong gia đình người Mông, phòng ngủ của vợ chồng, các con bố trí riêng, giường ngủ bằng phản gỗ hoặc giát bằng tre nứa. Tập tục khá khắt khe, nơi ngủ của con hoặc em dâu thì bố và anh chồng không được vào và ngược lại. Phía trên, nhà nào cũng làm sàn để chứa đồ đạc, lương thực ngô, thóc. Điều đặc biệt là khi người đàn ông trong gia đình vắng thì con dâu không được lên gác, nếu muốn lấy vật gì thật cần thiết phải đứng ở bậc thang khều, hoặc chờ đợi mới lấy được.
Ngôi nhà được bưng bằng gỗ
Người Mông cũng rất chú trọng đến việc chọn đất để làm nhà và không làm hai ba nhà sát vào nhau, kể cả là anh em ruột thịt. Vì người Mông khi làm ma tươi cho người thân chết theo tục lệ thổi khèn, kèn, tù và, vác nỏ đi vòng quanh nhà, 3 lượt đi, 5 lượt về (với nam giới); 5 lượt đi, 7 lượt về (với nữ giới) để xua đuổi ma đói, ma yếu khỏi về quấy rầy người chết. Do vậy, nếu làm nhà sát vào nhau, khi nhà có tang ma sẽ không thực hiện được tục lệ tổ tiên quy định, người chết không được yên ổn trong cõi vĩnh hằng.
Món mèn mén
Khi đã chọn được đất tốt, đất lành, người ta san nền, kê móng và trình tường. Trình tường là công việc khá công phu, người ta làm khuôn gỗ có chiều dài khoảng 1,50m; rộng 0,45m – 0,5m, gia cố khuôn chắc chắn để khi đổ, nện đất không bị rơi ra và bức tường thẳng như ta đổ bê tông. Đất trình tường là đất có độ dẻo, bỏ hết rễ hoặc mùn cây cỏ, những viên đá to. Đất được đổ từng lớp, mọi người dùng vồ đập nện cho đất kết dính. Công việc trình tường do thanh niên trai tráng trong xóm làng giúp đỡ, khi trình tường người lạ và phụ nữ không được vào. Khi bốn bức tường được trình xong, gia chủ chọn ngày tốt vào rừng chặt hạ cây làm cột cái và đặt nóc. Khi đã tìm được cây phù hợp, cây không sâu mọt, mất ngọn và thẳng để thể hiện sự vững vàng, cứng cáp của chủ nhà. Trước khi chặt phải làm lễ xin thần rừng, thần cây để thần không quở mắng thì nhà cửa mới yên ổn, mọi người khỏe mạnh, gia đình đông vui hạnh phúc. Với cây để làm nóc nhà, khi đã chặt được khiêng về và đặt lên nóc ngay không được để xuống đất. Cửa chính làm bằng gỗ tốt, mở vào phía trong, then cài bằng gỗ, ngay cả hiện nay họ cũng không dùng then sắt và bản lề sắt vì cửa mở ra đóng vào là lòng bụng con người luôn ấm áp, cởi mở, chân tình, nếu bằng sắt sẽ lạnh giá.
Tường nhà đất trình
Ngôi nhà được bảo vệ bằng hàng rào đá quây quanh trên diện tích khoảng 200 – 300m2. Người ta phải mất nhiều công sức nhặt những viên đá to, nhỏ xếp ken chặt nhau mà không phải dùng chất kết dính như vữa. Cổng ra vào bằng gỗ có mái che, cánh cổng cũng có then cài hoặc thanh gỗ chống phía trong vào ban đêm. Vậy là ngôi nhà của người Mông vùng núi khá chắc chắn từ hàng rào xung quanh đến bức tường đất trình, vừa kín đáo, an toàn, vừa ấm áp khi tiết trời lạnh giá. Những ngôi nhà này có thể được truyền từ đời ông đến đời cháu.