Toàn bộ có 50 ngôi nhà sàn nhưng số người sinh sống nơi đây chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, điều kỳ lạ là, chủ yếu là những người già sinh sống ở đây.
Họ kiên quyết bám trụ tại ngôi làng này. Đó là ngôi làng Kon Sơ Lăl (xã Hà Tây, huyện ChưPăh, Gia Lai) - nơi mang đậm chất núi rừng Tây Nguyên pha lẫn chút hoang sơ và có phần lạc hậu.
Bức tranh thiên nhiên thơ mộng
Những ngôi nhà sàn ở ngôi làng này chủ yếu là được làm từ các loại gỗ quý hiếm và được xây dựng từ rất lâu đời, mang đậm dấu ấn của rừng thiêng, chưa hề pha lẫn nét văn minh của xã hội hiện đại. Toàn bộ những ngôi nhà sàn đều làm bằng gỗ quý và chưa có đường dây điện kéo vào… Tất cả mọi thứ đều mang đậm chất núi rừng hoang dã - một trong những điều hiếm hoi mà chúng ta khó có thể thấy được ở những buôn làng đã được hiện đại hóa hiện nay.
Nằm cách trung tâm xã Hà Tây chỉ chừng 4 km nhưng con đường vào buôn Kon Sơ Lăl như một bức tranh thiên nhiên thơ mộng. Đường vào làng ngập tràn hai bên là cỏ bông lau, xa xa có tiếng suối róc rách và tiếng chim rừng ca hót véo von, cái nắng, cái gió và bụi đường đất đỏ… một cảm giác khó tả lâng lâng với người đi đường. Mặc dù đã đi khá nhiều các buôn làng ở Tây Nguyên nhưng khi dừng chân nơi đây, chúng tôi như lạc vào một thế giới khác, trước mắt chúng tôi là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, cô đọng tất cả những nét đặc trưng của núi rừng, thể hiện đậm chất văn hóa của con người Tây Nguyên.
Đường vào ngôi làng Kon Sơ Lăl
Một buôn làng hội tụ tất cả nét đẹp, hoang sơ và giàu truyền thống văn hóa lâu đời như thế nhưng hiện tại, buôn làng này chỉ có hơn 10 người già sinh sống, người ít tuổi nhất cũng đã bước sang tuổi 80. Cuộc sống của họ còn khá lạc hậu, khi mặt trời vừa ló rạng cũng là lúc mọi người đi nương rẫy. Khi mặt trời khuất sau dãy núi, họ mới tất tả đi về để lo cho bữa ăn chiều đạm bạc… Họ bám trụ lại ngôi làng vì đây là nơi thiêng liêng của tổ tiên để lại. Đáng ra, những người già ở đây phải được sống yên vui và an hưởng tuổi già cùng con cháu, cũng không phải là bị con cháu và xã hội bỏ rơi mà tất cả những người già này đều chấp nhận cuộc sống cô quạnh để bám trụ lại nơi chôn rau cắt rốn và giữ lại nét văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc mình nơi đây.
Quyết không rời làng vì muốn giữ lại nét truyền thống lâu đời
Trước kia, ngôi làng này nằm cách trung tâm hành chính xã khoảng 4km nhưng đường đất đỏ đồi dốc khó khăn cho việc xây dựng các các công trình: Điện, đường, trường, trạm… dẫn đến cuộc sống của người dân cũng gặp khá nhiều khó khăn. Để có thể nâng cao cuộc sống và tạo điều kiện cho dân làng hòa nhập nhanh với nhịp sống hiện đại hóa, bắt đầu từ năm 2002, lãnh đạo xã đã quyết định xây dựng khu tái định cư mới cho làng, đưa người dân ra gần trung tâm xã sinh sống.
Tuy nhiên, ban đầu việc đưa hơn 400 con người từ làng này ra làng mới không phải là việc làm dễ dàng. Chính quyền xã phải vận động, thuyết phục mãi mới được họ đồng ý. Và, việc “di dân” này cũng phải thực hiện đến nhiều lần ở các năm khác nhau. Vậy là ngôi làng cũ với hàng chục ngôi nhà sàn tuyệt đẹp, được dựng bởi các loại gỗ quý như trắc, hương… đã dần vắng bóng chủ nhân. Cả ngôi làng ngày càng trở nên lặng lẽ và hoang vắng hơn, đến nay chỉ có hơn 10 người già sinh sống vì lý tưởng cuối đời của mình là cố gắng giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc cho đến hơi thở cuối cùng. Những người già này chỉ chịu ra làng mới khi quá nhớ con cháu hoặc có lễ hội truyền thống nào diễn ra và sau đó lại trở về nơi mình đã từng gắn bó.
Mặc dù những người già không thể tự đi được nhưng vẫn bám làng
Chúng tôi đến làng Kon Sơ Lăl khoảng giữa trưa nhưng đi khắp làng, nhà nhà đều đóng cửa im ỉm, không một bóng người. Đi một vòng quanh làng để tìm kiếm, một lát sau mới thấy một cụ già trên đường đi nương về. Cụ cho biết, các gia đình đóng cửa đi nương rẫy, có gia đình có người trong nhà nhưng vì quá già, không thể đi nương được nên các cụ đóng cửa ở trong nhà. Người đầu tiên chúng tôi tiếp xúc trong làng là cụ bà Hnhep (80 tuổi), sau một hồi rụt rè tiếp xúc với chúng tôi, cụ cho biết, con cháu cụ đã đi ra làng mới, chồng cụ mất nên một mình cụ sống lại ở làng.
Gõ cửa nhà cụ ông Hnhih, năm nay đã 103 tuổi, cụ không tự đi được, phải nằm một chỗ nhưng cụ Hnhih vẫn không chịu ra làng mới với con cháu, cụ và vợ quyết tâm ở lại ngôi nhà sàn ở làng cũ. Anh Hyưuh (35 tuổi), cháu nội của cụ Hnhih cho biết, ông nội anh tuy không đi được nữa nhưng cái đầu vẫn còn minh mẫn lắm. Cả ngày nằm trong ngôi nhà sàn đóng im ỉm cửa vì sợ gió lùa vào, cụ quyết sống chết cũng ở lại để giữ làng, như thể sợ mất đi cái gì đó vô cùng quý giá. Cuộc sống của họ chỉ gói gọn trong những ngôi nhà sàn, hàng ngày quanh quẩn lên nương, làm rẫy chứ không hề hướng tới nhịp sống văn minh, hiện đại ngày nay. Có lẽ, đối với họ, chỉ có cuộc sống như thế mới thật sự thanh bình.
Ông Đinh Sứk, Chủ tịch UBND xã Hà Tây cho biết, các cụ vẫn còn tiếc làng cũ, lãnh đạo xã thuyết phục họ ra làng mới nhiều lần không được, họ quyết tâm bám trụ lại làng cũ cho đến hơi thở cuối cùng… Tuy vậy, những nét văn hóa lâu đời của làng cũng đang dần bị mất đi cùng với những ngôi nhà sàn được dựng từ lâu đời vì nó nằm trong tầm ngắm của các tay săn gỗ quý… Chẳng biết là sự cố gắng của những người già này sẽ kéo dài được tới khi nào?
Gia Hân