Nghiên cứu sâu hơn nữa để hiểu được ý nghĩa, bài học chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa

Xuân Lan| 19/01/2020 18:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Thủ tướng phải nghiên cứu sâu hơn nữa để hiểu được ý nghĩa, bài học chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, Rạch Gầm-Xoài Mút, vận dụng vào điều kiện thực tiễn hiện nay, không chỉ về quân sự, đó còn là tư tưởng về cải cách nông nghiệp, công thương nghiệp...

Sáng 19/1, tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm, làm việc tại Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Đại học Nguyễn Huệ), một trung tâm đào tạo sĩ quan chỉ huy Lục quân cấp phân đội bậc đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học nghệ thuật quân sự.

Cùng đi có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Nghiên cứu sâu hơn nữa để hiểu được ý nghĩa, bài học chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các cán bộ, sỹ quan của Trường Sỹ quan Lục quân 2. 

Báo cáo tại buổi làm việc, Thiếu tướng, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Cả, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thời gian qua, Trường Sỹ quan Lục quân 2 đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo; tập trung đổi mới nội dung, chương trình theo hướng tăng thời gian học thực hành, học dã ngoại và huấn luyện đêm; tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, rèn luyện thể lực cho các đối tượng; trong đó có học viên của Quân đội Hoàng gia Campuchia.

Công tác giáo dục-đào tạo của nhà trường đã góp phần quan trọng về phát triển năng lực chỉ huy, quản lý, huấn luyện sỹ quan cấp phân đội.

Nói chuyện với tập thể giảng viên, học viên nhà trường, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao thành tích của Trường Sỹ quan lục quân 2 qua các thời kỳ.

Đặc biệt, nhà trường đã đào tạo hàng trăm tướng lĩnh cho Quân đội nhân dân Việt Nam; trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong kháng chiến. Chất lượng đào tạo và uy tín của nhà trường không ngừng được nâng lên.

Nhắc lại đất nước Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, có cơ đồ lớn chưa từng có, Thủ tướng nhấn mạnh khát vọng dân tộc, một khát vọng mãnh liệt vô bờ bến là đến năm 2045, đúng dịp 100 năm quốc khánh, Việt Nam sẽ trở thành một nước cường thịnh. Hiện thực hóa khát vọng này cũng chính là thực hiện ước nguyện của vua Quang Trung.

Từ đó, Thủ tướng yêu cầu Trường Sĩ quan Lục quân 2 nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo; gắn kết giữa học và hành.

Thủ tướng đề nghị Ban Giám hiệu Trường Sỹ quan Lục quân 2 tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo của người học.

Quá trình đào tạo chú trọng truyền thụ kiến thức với kinh nghiệm chiến đấu, chỉ huy quản lý. Xây dựng nền nếp chính qui, chấp hành kỷ luật và quản lý bộ đội.

Nghiên cứu sâu hơn nữa để hiểu được ý nghĩa, bài học chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự lễ khánh thành khuôn viên văn hoá quân nhân, tượng đài Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ

Trước khi thăm, làm việc với lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ, học viên Trường Sĩ quan Lục quân 2, Thủ tướng dự lễ khánh thành khuôn viên văn hóa quân nhân, tượng đài Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ, công trình được xây dựng bằng nguồn xã hội hóa.

Tại đây, nói về tấm gương của vua Quang Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là vị danh tướng phi thường, lỗi lạc, chí cả, mưu cao, vị vua gần gũi, “áo vải cờ đào” của dân tộc ta.

“Chúng ta xây dựng tượng đài của Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ, không chỉ để tưởng nhớ mà để noi gương, học tập. Dựng tượng ghi gì cũng không bằng ghi lòng, tạc tượng gì cũng không bằng tạc dạ, trong trái tim, trí óc của người dân”, Thủ tướng nói và nêu ra 5 bài học từ Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ.

Một là tự tin ở chính mình và tin vào cơ đồ của đất nước mình để hành động. Thứ hai là thần tốc, “tức là làm gì cũng nhanh chóng, khẩn trương, thần tốc”. Thứ ba là tinh thần táo bạo, quyết đoán, quyết liệt trong công việc. Thứ tư là biết tận dụng thời cơ, từng cơ hội nhỏ để chiến thắng, nhất là bảo vệ Tổ quốc. Năm là chắc chắn trong hành động, phải chắc thắng thì mới đánh.

Cách dụng binh, đánh giặc của Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ là sự hòa quyện tự nhiên giữa tài chỉ huy quân sự bẩm sinh và tính cách táo bạo, thần tốc, nắm chắc cơ hội, tự tin vào chiến thắng.

Những chiến thắng của Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ phản ánh nghệ thuật quân sự của dân tộc Việt Nam vốn được chắt lọc và kết tinh bao đời qua những Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Thái Tổ và nhiều vị tướng tài của dân tộc. “Tôi nói điều này để mong tất cả chúng ta hãy suy ngẫm, vận dụng những bài học đó vào thực tiễn công tác trên mọi lĩnh vực”, Thủ tướng bày tỏ. “Với quân đội, chúng ta phải nghiên cứu sâu hơn nữa để hiểu được ý nghĩa, bài học chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, Rạch Gầm – Xoài Mút, vận dụng vào điều kiện thực tiễn hiện nay, không chỉ về quân sự, đó còn là tư tưởng về cải cách nông nghiệp, công thương nghiệp, chính sách mở cửa, giao thương với bên ngoài, về phát triển giáo dục, văn hóa…”.

Đặc biệt, qua câu chuyện về Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ, Thủ tướng nhấn mạnh bài học “lấy dân làm gốc”, vì vậy, chúng ta phải giữ mãi di sản quý báu của quân đội là “Bộ đội Cụ Hồ”, luôn được nhân dân yêu mến, tin tưởng.

Thủ tướng cũng nhắc lại bài học tìm kiếm, trọng dụng người tài của vua Quang Trung khi huy động nhiều nhân tài xứ Bắc ra giúp dân, giúp nước và nêu rõ, dân vận không phải là phương pháp mà là “từ trái tim đến trái tim”.

Trường Sĩ quan Lục quân 2 tiền thân là Trường Quân chính sơ cấp Quân giải phóng miền Nam, được thành lập năm 1961 tại Tân Biên (tỉnh Tây Ninh). Đến tháng 10/1975, kết thúc 19 khóa huấn luyện trong kháng chiến chống Mỹ, Nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng được 10.175 cán bộ, trong đó có 1.189 cán bộ trung cấp, 8.807 cán bộ sơ cấp và 179 giáo viên quân sự, bổ sung kịp thời cho các đơn vị trên chiến trường Nam Bộ.

Ngoài nhiệm vụ đào tạo, cán bộ, chiến sĩ của Nhà trường còn trực tiếp tham gia chiến đấu, lập nhiều chiến công xuất sắc.

Sau khi đất nước thống nhất, ngoài nhiệm vụ đào tạo cán bộ, sĩ quan quân đội, Nhà trường còn đào tạo cán bộ quân sự địa phương, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, đào tạo học viên cảnh sát cơ động và cán bộ cho Quân đội hoàng gia Campuchia.

Ngày nay, Nhà trường là cơ sở đào tạo, nghiên cứu quan trọng của Quân đội. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và phục vụ trên 2.000 người, gần 5.000 học viên. Chất lượng cán bộ, giảng viên của Nhà trường được nâng cao: 100% trình độ đại học trở lên; 48,5% sau đại học. Riêng đội ngũ giảng viên có 65,4% là trình độ sau đại học; 21 phó giáo sư, 87 tiến sĩ, 671 thạc sĩ, 65 giảng viên chính, 1 nhà giáo ưu tú.

Gần 60 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Nhà trường đã đào tạo 70 khóa học với trên 54.000 lượt học viên tốt nghiệp ra trường. Nhiều đồng chí đã trở thành tướng lĩnh, cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Với bề dày truyền thống 60 năm hình thành và phát triển, được rèn luyện và thử thách trong khói lửa chiến tranh, qua nhiều giai đoạn với tên gọi khác nhau, năm 2010 Nhà trường được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trường Đại học và vinh dự mang tên Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, người anh hùng áo vải, nhà quân sự kiệt xuất, danh tướng bách chiến, bách thắng, tiêu biểu cho trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu sâu hơn nữa để hiểu được ý nghĩa, bài học chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa