Nghĩa địa vô danh và chân dung nghĩa hiệp sông Hồng

Lê Phương| 17/11/2013 07:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Gắn liền đời mình với nghĩa địa vô danh với kiếp vớt xác cứu người anh Nguyễn Văn Dũng được người dân địa phương gọi với cái tên trìu mến: “nghĩa hiệp sông Hồng”.

Mảnh đất nhỏ nằm bên bờ sông Hồng đoạn qua phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) dùng để chôn cất người chết nhưng người ta gọi đấy là “nghĩa địa vô danh” bởi những con người đang yên nghỉ ở đó là những xác chết vô chủ được tìm thấy trên sông Hồng.

Chúng tôi tìm đến “nghĩa địa vô danh” vào một buổi chiều muộn, dẫn đường tôi là anh Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1970) ở phường Nhật Tân người lập nên nghĩa địa này. Cầm bó hương cẩn thận thắp lên từng ngôi mộ anh Dũng cất giọng trầm buồn: “Họ chết rồi trôi về đây tôi vớt lên báo công an đến khám nghiệm xác minh nhưng không ai đến nhân. Tôi chôn cất họ ở đây, ngày ngày hương khói cho họ nhưng không ai biết những người dưới mộ là ai, chết như thế nào”.

Nghĩa địa vô danh bên sông Hồng

Anh Dũng kể nghĩa địa này hình thành từ những năm 1980, ban đầu cũng từ cái chết của một cô gái. Theo đó, khoảng năm 1966, một ngày trời mưa to, nước sông Hồng dâng cao nhiều người dân sống quanh sông Hồng phát hiện xác một cô gái khoảng 18 tuổi nổi trên sông. Bố anh Dũng cùng nhiều người dân phường Nhật Tân đã tổ chức trục vớt xác lên bờ và quyết định chôn cất ngay bên bờ sông Hồng.

Nghĩa địa vô danh và chân dung nghĩa hiệp sông Hồng

Cứ ngày 1 và ngày rằm hàng tháng anh Dũng cùng nhiều người dân ra miếu thờ ở nghĩa địa vô danh thắp hương

Ngôi mộ cô gái được chôn sau một đêm đã được mối xông thành một ngôi mộ to hơn. Ngay bên mộ cô gái xấu số về sau mọc lên một cây sung cao lớn, quả um tùm. Do không ai biết cô gái xấu số dưới mộ là ai nên người dân địa phương đặt tên là Cô Trôi. Bến đò gần chỗ tìm thấy xác cô sau này cũng được người dân kính cẩn lấy tên Cô Trôi với mong muốn được Cô Trôi giúp đỡ, phù hộ. “Cố ấy thiêng lắm, về sau khúc sông này xác chết tìm về nỗi ngày một nhiều, giống như khi trôi đến đây những nạn nhân xấu số được Cô Trôi giữ lại để khỏi bị trôi mất xác”, anh Dũng nói.

Theo anh Dũng năm 1983 khi đó anh vừa tròn 13 tuổi, trong một lần cùng đám bạn chơi bên bến Cô Trôi bất ngờ Dũng thấy trong người nôn nao Dũng bỏ chúng bạn lang thang đi ngược theo dòng sông, đang đi thì phát hiện xác chết một người đàn ông nỗi dưới nước, không chút hoảng loạn Dũng lội xuống kéo cái xác lên rồi vác cái xác về để gần mộ Cô Trôi trong sự kinh hãi của nhiều người. Nghiệp vớt xác chết của Dũng bắt đầu từ đó, nghĩa địa vô danh cũng hình thành.

Cứ như vậy mỗi lần thấy xác trôi sông anh Dũng và người dân địa phương lại vớt lên bờ báo cơ quan chức năng. Khi không xác định được danh tính nạn nhân, không có người đến nhận xác Dũng lại chôn gần mộ Cô Trôi. Nghĩa địa vô danh cứ thế đông lên và rộng ra theo từng ngày. Có thời điểm ở nghĩa địa vô danh lên đến cả trăm ngôi mộ, về sau người này truyền tai người kia đã có người đến nhận người thân và cất bốc. Ở thời điểm hiện nay trong nghĩa địa có tới 66 ngôi chưa ai đến nhận. Ngôi được chôn lâu nhất ngót ngét đã hơn 30 năm, ngôi mới vừa tròn 4 tháng. Chỉ vào 2 ngôi mộ cỏ đang lún phún xanh anh Dũng nghẹn ngào: “Đó là một đôi nam nữ, họ khoảng 27 đến 30 tuổi, thi thể họ cùng trôi về đây vào ngày 31 tháng 7 vừa rồi. Tôi linh cảm họ có quen biết nhau và rất có thể cả hai đi tự tử”.

Nằm ở một vị trí đắc địa gần bến sông bao bọc xung quanh là những vườn hoa đào hoa cúc “nghĩa địa vô danh” rộng khoảng 80m2, xung quanh được xây tường rào. 66 ngôi mộ vô danh được chôn cất cẩn thận, trước mộ có đủ bát hương hoa. Ở vị trí chính giữa nghĩa địa là mộ Cô Trôi, bên cạnh mộ là một cây sung và một am thờ. “Cô Trôi thiêng lắm, cứ ngày 1 hoặc 15 hàng tháng chúng tôi lại đến đây thắp hương cho những người xấu số và xin Cô Trôi phù hộ. Từ ngày Cô Trôi về đây nhiều xác chết cũng trôi về khúc sông này và nhiều gia đình cũng đã tìm thấy thi thể người thân”, bà Xuân một người dân làng đào Nhật Tân nói.

Những vong hồn xiêu lạc

Láy đi láy lại cụm từ “tôi không mê tín, không đồng bóng” ông Hùng một người dân phường Nhật Tân nói: “Ở cái nghĩa địa này không ai có giấy tùy thân, xác họ nằm đây nhưng linh hồn không biết nơi nào. Biết đâu không phải tự tử mà bị sát hại, phi tang chắc chắn họ đang hồn bay phách lạc”.

Với anh Dũng người đã lập nên nghĩa địa này dù đã vớt hàng trăm xác chết anh vẫn nhớ như in hình ảnh từng người từng người một. “Tôi chữ nghĩa không nhiều nhưng những người dưới mộ như thế nào tôi nhớ cả”. Nói rồi dẫn tôi đến một ngôi mộ phía sau mộ Cô Trôi anh Dũng kể: “Ngôi mộ này ở đây đã 20 năm. Là một người phụ nữ khoảng 40 tuổi. Lúc trôi đến đây thi thể đã bắt đầu phân hủy, một số bị phận bị cá rỉa, bụng lép xẹp. Chiêm nghiệm lại tôi đoán cô ấy bị người ta giết rồi vứt xuống sông”.

Ngôi mộ tiếp theo được anh Dũng đặt bên mộ Cô Trôi là một cháu bé khoảng 10 tuổi, được chôn từ 15 năm trước. “Năm ấy lũ lụt nước sông Hồng dâng cao, cậu bé trôi đến đây trên  người chỉ mặc mỗi chiếc áo lót. Theo tôi phán đoán rất có thể cháu bị bị lũ cuốn, không biết trong trận lũ năm đó gia đình cậu bé như thế nào nhưng về sau không thấy ai đi tìm”, anh Dũng kể. Ngồi bệt xuống đất châm điếu thuốc anh Dũng thở dài: “Nhiều thật. Có năm nào là năm không vớt được xác đâu. Nhìn cái nghĩa địa cứ ngày một rộng ra mà lòng tôi đau như cắt. Không lẽ họ được sinh ra có gia đình, có họ hàng mà lại nằm đây mãi”, nói rồi rít một hơi thuốc anh trầm ngâm: “có ai biết được họ là ai đâu mà đi tìm người thân cho họ”.

Nghĩa địa vô danh và chân dung nghĩa hiệp sông Hồng

Đôi bạn Dũng Sỹ (Nguyễn Văn Dũng và Dương Anh Sỹ)

Nghĩa hiệp sông Hồng: 30 năm và 499 xác chết

Gắn liền đời mình với nghĩa địa vô danh với kiếp vớt xác cứu người anh Nguyễn Văn Dũng được người dân địa phương gọi với cái tên trìu mến: “nghĩa hiệp sông Hồng”. Vóc người to khỏe, vạm vỡ, đầu trọc, nếu chỉ nhìn thoáng qua ít ai nghĩ anh Dũng lại dễ gần, hiền lành và nghĩa hiệp đến như vậy. “Cậu ấy ít nói đâm ra ai gặp cũng thấy cậu ấy có vẻ nghiêm nghị như một tên giang hồ nhưng tiếp xúc với cậu ấy thì khác”, anh Dương Anh Sỹ một người bạn thân của anh Dũng nói như vậy.

Bắt đầu vớt xác từ năm 13 tuổi đến nay sau gần 30 năm anh Dũng đã vớt được 499 xác chết. Lật lại từng dòng ký ức anh Dũng kể, năm 1994 trên sông Hồng xảy ra vụ đắm tại xã Phú Thượng, lúc ấy khoảng 3 giờ sáng nhận được tin từ những người xung quanh anh Dũng một mạch chạy ra lao xuống dòng sông vớt người bị nạn. Chỉ trong đêm và ngày hôm ấy anh Dũng đã kéo lên bờ 40 thi thể nạn nhân xấu số. “Tôi vẫn nhớ như in cải cảnh kinh hoàng ấy. Có lúc lặn xuống thấy 3 cái xác trôi gần nhau tôi tùm lấy tóc cả 3 người rồi lôi lên bờ, phải cố gắng vớt lên thật nhanh để họ khỏi trôi đi mất. Vớt xong tôi nằm ngất lịm bên bờ sông vì quá mệt”, anh Dũng nhớ lại.

Sau này mỗi khi trên sông có xác chết người dân địa phương lại về nhà báo anh Dũng ra vớt lên. Có ai nhảy cầu tự tử ở đâu người ta lại nhờ đến anh Dũng đi tìm kiếm. Có khi tìm được xác người nhà nạn nhân cho cả chục triệu đồng nhưng anh không nhận. Nói về nghĩa địa vô danh anh Sỹ bộc bạch: “Anh ấy làm vậy để giúp người chứ lấy tiền thì bây giờ anh ấy thành tỷ phú rồi. Cả cái nghĩa địa này thời kỳ cao điểm lên đế cả trăm ngôi mộ sau này người thân biết tìm đến cất bốc có người đưa anh ấy tận 40 triệu mà anh ấy có nhận đâu. Đã thế anh Dũng còn về bán lợn, bán gà để mua áo quan chôn cất cho những người xấu số”, anh Sỹ kể.

Lấy vợ, sinh con rồi xin bố mẹ đưa vợ con ra gần sông Hông dựng lều sinh sống nhiều người bảo đầu óc anh Dũng có vấn đề nhưng anh bảo: “Ai nói ghì tôi cũng mặc kệ. Ở đây gần sông tôi mới vớt những người xấu số lên bờ được, nhiều người qua sông đuối nước tôi mới kịp thời cứu giúp”, anh Dũng tâm sự.

Trao đổi với PV Công lý và xã hội, một cán bộ Đội khám nghiệm hiện trường Công an quận Tây Hồ cho biết: “Thời gian qua nhờ anh Dũng mà rất nhiều thi thể trôi sông được tìm thấy. Anh ấy luôn sát cánh cùng chúng tôi để giúp cơ quan công an tìm được thi thể nạn nhân và khám nghiệm xác định danh tính người xấu số, nhờ anh ấy mà nhiều gia đình đã tìm thấy người thân của mình”.

Đôi bạn vớt xác

Là người bạn thân từ thủa bé anh Dương Anh Sỹ còn là người bạn luôn đồng anh trong những lần vớt xác với anh Dũng. Những người dân địa phương thường gọi họ là Dũng Sỹ cũng chính là cái tên của họ đồng thời là sự trìu mến về công việc cao cả họ đang làm. “Nhiều người cứ bảo chúng tôi rảnh việc đi làm mấy cái việc vớ vẩn, có người còn gọi chúng tôi là “khùng” nhưng chúng tôi không làm thì thi thể nhiều người xấu số sẽ mãi mãi nằm vất vưởng dưới lòng sông hoặc trôi lênh đênh rồi mất xác. Cứ ai báo ở đâu có xác chết là chúng tôi lại đến vớt về không ai nhận thì chôn cất lo hương khói cho họ. Biết mà không làm áy này không chịu được”, anh Dũng bộc bạch.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghĩa địa vô danh và chân dung nghĩa hiệp sông Hồng