Nghi vấn điểm thi bất thường ở Hà Giang: Chờ câu trả lời của Bộ GD-ĐT

Ngô Chuyên| 16/07/2018 16:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhiều chuyên gia khẳng định năm nay quy trình tổ chức thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT rất chặt chẽ, vừa có sự phối hợp của các ĐH với Sở GD-ĐT địa phương. Do đó, nếu có tiêu cực thì phải có sự đồng thuận của rất nhiều khâu.

"Đến bây giờ tôi chỉ có thông tin qua báo chí về phổ điểm thi một số môn của thí sinh Hà Giang và khi so sánh phổ điểm của tỉnh Hà Giang với những tỉnh, thành phố có điều kiện và thành tích học tập tốt như: Hà Nội, Nam Định rõ ràng có sự không bình thường",  PGS.TS Trần Văn Tớp – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ.

“Vì sự không bình thường mà người ta nghi vấn là có lý, bởi vậy Bộ GD-ĐT cũng đã có chỉ đạo  xác minh, kiểm tra”, ông Tớp nhấn mạnh.

Theo như ông Tớp phân tích, quy trình chấm thi, các môn thi trắc nghiệm mà Bộ GD-ĐT đưa ra rất chặt chẽ. Các thành viên tham gia xử lý phiếu thi trắc nghiệm được giám sát rất nghiêm. Sau khi quyết tất cả các phiếu trả lời trắc nghiệm, phiếu thu bài thi được niêm phong và bảo mật. Kết quả bài quét được lưu vào 2 đĩa CD, dán niêm phong và gửi 1 đĩa về Bộ GD-ĐT và 1 đĩa gửi cho Chủ tịch hội đồng thi lưu giữ  (đĩa CD1). Sau khi niêm phong đĩa CD1, các đơn vị mới được phép mở niêm phong các tệp dữ liệu để phục vục chấm thi do Cục quản lý chất lượng gửi đến được xem như “chìa khóa thứ 2”.

Nghi vấn điểm thi bất thường ở Hà Giang: Chờ câu trả lời của Bộ GD-ĐT

PGS.TS Trần Văn Tớp – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh Ngô Chuyên.

Tiếp đó, tổ xử lý bài thi trắc nghiệm tiến hành xử lý kỹ thuật và chấm thi chính thức. Kết quả chấm thi chính thức được ghi vào hai đĩa CD giống nhau (gọi tên là CD2), dán niêm phong để giao cho Chủ tịch hội đồng thi giữ và gửi đĩa về Bộ GD-ĐT.

“Rõ ràng, từ khâu này cho đến khi chạy chương trình thì chỉ có 1 kết quả. Như vậy, để tìm ra kẽ hở thì bây giờ Bộ GD-ĐT phải kiểm tra toàn bộ quy trình từ khâu coi thi, thu và bảo quản bài thi đến khâu tổ chức chấm thi mới biết”, ông Tớp nói.

“Bên cạnh đó, tôi được biết khâu ra đề thi cho đến in sao đề trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 rất chặt chẽ, bởi vậy khó có thể gian lận, càng không có chuyện lọt đề hoặc lộ đề”.

Phân tích khía cạnh gian lận trong khâu coi thi và bài bài thi, ông Tớp nói: “Với đề thi trắc nghiệm năm 2017 và năm nay, mỗi phòng có 24 mã đề khác nhau, giám thị coi thi khó có thể giải 24 mã đề rồi tra từng đáp án. Hơn nữa, trong khâu coi thi những năm gần đây, mọi việc được đánh giá rất nghiêm túc vì tại mỗi điểm thi, mỗi phòng thi đều có sự tham gia coi thi của giám thị đến từ các trường đại học. Bên cạnh đó, thời gian làm bài thi trắc nghiệm cũng khá ngắn. Cụ thể môn Toán: 90 phút,  Anh văn 60 phút, còn lại các môn khác 50 phút, rõ ràng thời gian đó không đủ để tổ chức gian lận trong quá trình coi thi. Đồng thời, mỗi thí sinh một mã đề, vì vậy không thể nhắc cho nhau. Mà trường hợp đi thi hộ thì cũng khó có thể xảy ra".

Trước nghi vấn đó, theo ông Tớp, Bộ GD-ĐT cần xác minh để đưa ra một câu trả lời thỏa đáng cho người học cũng như cho dư luận. Do vậy, đoàn kiểm tra phải rà soát tất cả các khâu của cụm thi Hà Giang.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghi vấn điểm thi bất thường ở Hà Giang: Chờ câu trả lời của Bộ GD-ĐT