Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018

Xuân Lan| 15/12/2018 09:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương chỉ đạo sâu sát, điều hành quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp đã đề ra, tập trung xử lý, giải quyết những hạn chế, bất cập của ngành, Nghị quyết nêu rõ.

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổng kết, đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và kinh nghiệm rút ra để từng bộ, ngành, địa phương làm tốt hơn, hiệu quả hơn nữa trong năm 2019.

Nghị quyết nêu rõ: Để hoàn thành thắng lợi toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, tạo đà vững chắc cho năm 2019, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương chỉ đạo sâu sát, điều hành quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp đã đề ra, tập trung xử lý, giải quyết những hạn chế, bất cập của ngành, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, tạo sức lan tỏa về khát vọng Việt Nam hùng cường tới cộng đồng doanh nghiệp và từng người dân.

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương để triển khai thực hiện ngay từ ngày đầu năm 2019.

Chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Nhân dân đón Tết cổ truyền

Theo Nghị quyết, các bộ, cơ quan, địa phương cần tập trung chỉ đạo thúc đẩy phát triển sản xuất Tết Nguyên đán; chuẩn bị các điều kiện phục vụ Nhân dân đón Tết cổ truyền. Các Bộ: Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương chỉ đạo chuẩn bị nguồn cung những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, tăng cường quản lý thị trường, giá cả, phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại trong dịp Tết.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các địa phương tổ chức chăm lo Tết cho người có công, các đối tượng chính sách, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng xâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo chuẩn bị phương án vận tải phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết. Bộ Công an chỉ đạo lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong dịp Tết.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi diễn biến tỷ giá, lãi suất, điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ, bảo đảm cung ứng đủ vốn cho nhu cầu của nền kinh tế. Tăng cường thanh tra, kiểm soát, bảo đảm hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả.
Bảo đảm hoàn thành vượt kế hoạch thu NSNN năm 2018

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo ngành thuế đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá và nợ đọng thuế, rà soát kỹ các khoản thu, bảo đảm hoàn thành vượt kế hoạch thu NSNN năm 2018. Tăng cường thanh tra, kiểm tra về giá, thuế, phí, lệ phí, nhất là đối với với các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu. Khẩn trương phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác chỉ đạo cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Siết chặt quản lý hình thức kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chú trọng phát triển các mặt hàng chủ lực, có nhiều tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản. Phối hợp với Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, chủ động triển khai giải pháp ứng phó với việc thay đổi chính sách thương mại của các nước.

Đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển KTXH và đời sống nhân dân

Nghị quyết nêu rõ: Bộ Công Thương chịu trách nhiệm toàn diện về việc đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Thực hiện hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành công nghiệp. Nghiên cứu, phân tích quy luật xuất nhập khẩu dịp cuối năm, có giải pháp phù hợp bảo đảm tăng trưởng xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất chính sách tín dụng ưu đãi thúc đẩy phát triển ngành chế biến, chế tạo. Chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, khuyến khích tiêu dùng sản phẩm nội địa vì lợi ích quốc gia, dân tộc với phương châm “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. Tổ chức triển khai thực hiện Hiệp định CPTPP; phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ ngành liên quan thúc đẩy đàm phán để phấn đấu thông qua Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam - Châu Âu (EVFTA) trước tháng 5 năm 2019.

Bộ Giao thông vận tải tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai, thi công, hoàn thiện các dự án, công trình trọng điểm của ngành, bảo đảm chất lượng. Nâng cao công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, hàng hải, đường bộ, đường thủy nội địa. Tăng cường thực hiện quyết liệt các giải pháp xóa bỏ các điểm đen về mất an toàn giao thông.

Bộ Y tế chỉ đạo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ nhân dân; triển khai quản lý hồ sơ theo dõi sức khỏe đến từng người dân, thực hiện tốt y tế cơ sở; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành toàn bộ dự án cơ sở 2 của hai bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức để phục vụ khám chữa bệnh cho Nhân dân. Chủ động giải pháp thực hiện hiệu quả việc liên thông khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế từ năm 2021 theo quy định của Luật bảo hiểm y tế, nhất là đối với 2 Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Thực hiện hiệu quả việc kết nối các cơ sở cung ứng thuốc. Tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là trong dịp Tết.
Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tỉnh Bình Phước

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 149/NQ-CP điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Bình Phước.

Theo quy hoạch, đến năm 2020 tỉnh Bình Phước có 609.176 ha đất nông nghiệp, chiếm 88,58%; đất phi nông nghiệp là 78.500 ha, chiếm 11,42%; đất khu kinh tế 28.364 ha, chiếm 4,12%; đất đô thị 27.680, chiếm 4,03%.

Đối với các khu chức năng, đến năm 2020, khu sản xuất nông nghiệp có 463.142 ha, chiếm 67,35%; khu lâm nghiệp 142.982 ha, chiếm 20,79%; khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học có 31.338 ha, chiếm 4,56%; khu phát triển công nghiệp 5.212 ha, chiếm 0,76%; khu đô thị có 8.068 ha, chiếm 1,17%; khu thương mại - dịch vụ 3.212, chiếm 0,47% ha; khu dân cư nông thôn có 33.722 ha, chiếm 4,90%.
Từ năm 2016-2020, 16.357 ha đất nông nghiệp được chuyển sang phi nông nghiệp; 1.336 ha chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp.

Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước tổ chức thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020), trong đó rà soát điều chỉnh quy hoạch của các ngành, lĩnh vực, các địa phương trong tỉnh có sử dụng đất cho thống nhất với điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của tỉnh; việc tổ chức thực hiện điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thống nhất chặt chẽ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần bảo vệ nghiêm ngặt; điều tiết phân bổ nguồn lực, trước hết là nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm lợi ích giữa các khu vực có điều kiện phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ với các khu vực bảo vệ đất trồng lúa, đất rừng; có chính sách, biện pháp phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, để người trồng lúa yên tâm sản xuất; tăng đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các khu vực.

Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật đất đai để người sử dụng đất nắm vững các quy định của pháp luật, sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước quản lý, sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch, nhất là khu vực sẽ chuyển mục đích sử dụng đất để tập trung cho phát triển kinh tế và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, đô thị để tăng nguồn thu cho ngân sách; đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất. Khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất đã giao và đã cho thuê.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiên quyết không giải quyết giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất đối với các trường hợp không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiểm tra, xử lý các trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, sử dụng sai mục đích theo quy định của pháp luật đất đai.

Chính phủ cũng yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước tăng cường điều tra đánh giá về chất lượng, tiềm năng đất đai; đánh giá thoái hóa đất, ô nhiễm đất; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ cao trong quản lý đất đai, nâng cao chất lượng công tác dự báo, lập, thẩm định, quản lý, tổ chức thực hiện và giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018