Sau khi Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) (sửa đổi) năm 2015 được thông qua, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật này. Báo Công lý trích đăng nội dung Nghị quyết quan trọng này.
Phạm vi áp dụng đối với những vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử
1. Đối với những vụ án mà các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đang thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền quy định tại BLTTHS năm 2003 nhưng đến ngày 1/7/2016 chưa kết thúc thì thẩm quyền giải quyết vẫn tiếp tục được áp dụng theo quy định của BLTTHS 2003 cho đến khi kết thúc vụ án, còn các vấn đề khác được áp dụng theo quy định của BLTTHS (sửa đổi) năm 2015.
2. Đối với những tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đang trong quá trình kiểm tra, xác minh nhưng đến ngày 1/7/2016 mà chưa kết thúc việc kiểm tra, xác minh thì thời hạn được tính theo thời hạn của BLTTHS (sửa đổi) 2015 để tiếp tục giải quyết.
3. Đối với những bị can đang bị tạm giam theo quy định của Điều 120 và Điều 303 của BLTTHS năm 2003 nhưng đến ngày 1/7/2016 mà không được tạm giam theo quy định của BLTTHS (sửa đổi) năm 2015 hoặc thời hạn tạm giam vượt quá thời hạn quy định tại Điều 173 và Điều 419 của BLTTHS (sửa đổi) năm 2015 thì Viện kiểm sát, Tòa án quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đang áp dụng hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác.
4. Đối với những vụ án hình sự do các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đang tiến hành điều tra nhưng đến ngày 1/7/2016 chưa kết thúc điều tra thì thời hạn điều tra được thực hiện theo thời hạn của BLTTHS (sửa đổi) năm 2015.
5. Đối với những vụ án hình sự đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục rút gọn nhưng đến ngày 1/7/2016 mà chưa kết thúc điều tra, chưa quyết định việc truy tố hoặc chưa đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án áp dụng thời hạn của BLTTHS (sửa đổi) năm 2015 để tiếp tục giải quyết vụ án.
Đối với những bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị trước ngày 1/7/2016 và thuộc trường hợp đơn giản quy định tại khoản 2 Điều 456 của BLTTHS (sửa đổi) năm 2015 mà chưa được đưa ra xét xử thì Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án.
Toàn cảnh kì họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII
6. Đối với những vụ án hình sự mà Tòa án đã xét xử sơ thẩm theo quy định tại BLTTHS năm 2003 mà có kháng cáo, kháng nghị nhưng kể từ ngày 1/7/2016 mới xét xử phúc thẩm thì áp dụng BLTTHS (sửa đổi) năm 2015 để giải quyết.
Đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo quy định tại BLTTHS năm 2003 mà có kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng chưa giải quyết hoặc kể từ ngày 1/7/2016 mới có kháng nghị giám đốc, tái thẩm thì áp dụng BLTTHS (sửa đổi) năm 2015 để giải quyết.
7. Đối với những trường hợp đã cấp Giấy chứng nhận người bào chữa theo quy định của BLTTHS năm 2003 thì người bào chữa tiếp tục sử dụng cho đến khi kết thúc việc bào chữa.
8. Tòa án tiếp tục áp dụng các quy định pháp luật hiện hành về án phí, lệ phí Tòa án và các chi phí tố tụng khác cho đến khi có quy định mới của cơ quan có thẩm quyền.
9. Giao cho Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết trình tự, thủ tục việc thực hiện, sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm, ghi hình việc hỏi cung trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Nội vụ xây dựng đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật này.
Giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định cụ thể nơi có điều kiện để thực hiện việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung kể từ ngày 1/1/2017. Chậm nhất đến 1/1/2019 thì thực hiện thống nhất việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc.
Về đầu tư cơ sở vật chất
1. Giao Chính phủ đầu tư kinh phí để bảo đảm việc thực hiện các quy định về chỉ định người bào chữa, ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, thực hiện việc sao chép, số hóa tài liệu trong hồ sơ vụ án hình sự, giám định tư pháp và hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
2. Giao Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tự mình hoặc phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức việc rà soát các văn bản hướng dẫn thi hành BLTTHS năm 2003 để hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới; đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới cho phù hợp với quy định của BLTTHS (sửa đổi) năm 2015.
3. Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, cơ sở vật chất; bổ sung, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức của Cơ quan điều tra, TAND, VKSND, Cơ quan thi hành án và các cơ quan bổ trợ tư pháp; bổ sung các điều kiện cần thiết khác để bảo đảm đáp ứng yêu cầu giải quyết các vụ án hình sự và thi hành án hình sự khi BLTTHS (sửa đổi) năm 2015 có hiệu lực thi hành; phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận tuyên truyền, phổ biến rộng rãi BLTTHS (sửa đổi) năm 2015 trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân nhằm phát huy hiệu quả của Bộ luật này trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện và hướng dẫn thi hành Nghị quyết này.