Việt Nam đã trở thành một trong những nước hàng đầu về xuất khẩu gạo, nhưng có một nghịch lý: nông dân vẫn là những người nghèo.
Trong khoảng 9 triệu hộ gia đình Việt Nam tham gia sản xuất lúa gạo, rất ít hộ có thể sinh sống chủ yếu nhờ bán lúa. Sản lượng và xuất khẩu tăng nhưng đời sống người nông dân không được cải thiện do họ sử dụng quá nhiều chi phí đầu vào. Khi bán lúa, họ cũng luôn là những người yếu thế, nên lợi nhuận rơi vào túi của người kinh doanh hơn là người trồng lúa.
Lúa được mùa lại kéo theo nỗi lo bị ép giá bởi thương lái (ảnh MH)
Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, ĐBSCL có khoảng 1,46 triệu người trồng lúa, vài nghìn nhà máy xay xát lúa các loại và hơn 200 nhà xuất khẩu có đăng ký, nhưng lại gây thất thoát 1 năm khoảng 600 triệu USD về vật chất và chất lượng. Một hộ trồng lúa điển hình ở ĐBSCL hàng năm kiếm được lợi nhuận 860 USD/người; trong lúc đó, một thương lái mua lúa điển hình kiếm được lợi nhuận 4.000 USD/người và tương tự, chủ ghe điển hình thu 15.000 USD, còn chủ hãng vận tải trong nước kiếm 25.600 USD. Đến nay, người nghèo nhất vẫn là nông dân trồng lúa. Lời lãi “chui” vào túi của các công ty xuất khẩu, thương lái.
Tại hội thảo “Lúa gạo, nông dân và phát triển nông thôn ở Việt Nam - Từ tăng trưởng thành công đến thịnh vượng bền vững” vừa được tổ chức ở Cần Thơ, các chuyên gia cho rằng, từ nay đến năm 2030, diện tích trồng lúa sẽ giảm tổng cộng khoảng 800.000 ha. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi giảm diện tích lúa, phải làm sao nâng cao thu nhập cho nông dân. Một số ý kiến lo ngại về an ninh lương thực khi giảm diện tích lúa. Khi các nhà khoa học đưa ra giống mới có năng suất cao, giá thành sản xuất thấp, nông dân có lời thì việc giảm diện tích lúa là cần thiết.
Song “kịch bản” này tỏ ra chưa thuyết phục vì chưa đề cập đến những yếu tố rủi ro khác như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tác động của các đập ở thượng nguồn sẽ ảnh hưởng lên vùng trồng lúa như thế nào. Các đại biểu nêu dẫn chứng, tỉnh Cà Mau sau khi chuyển đổi 200.000 ha đất lúa sang nuôi tôm, muốn trồng lại lúa trên diện tích này là rất khó vì nước mặn đã vào đồng. Việc giảm diện tích lúa xuống còn 3 triệu ha vào năm 2030 và muốn phục hồi sẽ không đơn giản. Thực tế là nông dân thu nhập quá thấp, nếu giảm diện tích lúa thì liệu đời sống người nông dân sẽ ra sao?
Trung Nguyễn