Ngồi trò chuyện trên chiếc xe lăn, chị Hoàn nói với tôi rằng, cho tới thời điểm bây giờ điều chị hối tiếc nhất có lẽ là không còn được đứng trên sân khấu biểu diễn xiếc.
Cách đây 2 năm, tôi biết nghệ sĩ xiếc Nguyễn Thị Tuyết Hoàn (sinh năm 1978) trong một buổi tập tiết mục trượt ba tanh ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Khi đó, chị chưa lập gia đình, chị say sưa nói về nghề xiếc và tỏa sáng trên sân khấu. Hôm nay, khi gặp lại, ngọn lửa đam mê nghề trong chị vẫn rực cháy như ngày nào, chỉ có điều, sau một buổi biểu diễn chị đã mãi không còn được đứng trên sân khấu để cống hiến cho khán giả những tiết mục đặc sắc.
Điều hối tiếc lớn nhất
Ngồi trò chuyện trên chiếc xe lăn, chị Hoàn nói với tôi rằng, cho tới thời điểm bây giờ điều chị hối tiếc nhất có lẽ là không còn được đứng trên sân khấu biểu diễn xiếc. Rồi, chị kể cho tôi nghe về lần biểu diễn tiết mục đu dây trên không định mệnh ấy.
Đó là một ngày cuối tháng 8/2013, khi chị đang thực hiện các động tác trên không thì bị ngã ở độ cao từ 2,5 – 3 m, chị bất tỉnh ngay trên sân khấu. Khi tỉnh lại, chị thấy mình ở trong bệnh viện, xung quanh là người nhà, đồng nghiệp, bạn bè. Lúc đó, chị đã mơ hồ cảm nhận rằng mình sẽ không còn được đứng trên sân khấu biểu diễn nữa.
Khi nghe bác sĩ kết luận "mất 85% sức khỏe, chấn thương cột sống, liệt tủy", chị như chết lặng. Hai hàng nước mắt lăn dài trên đôi má của người phụ nữ mới hưởng hạnh phúc lứa đôi được hơn 3 tháng. Cuộc sống gia đình chị mới chỉ bắt đầu, biết bao dự định, tính toán cho tương lai bỗng chốc như tan biến hết. Chị rơi vào trạng thái suy sụp hoàn toàn khi phải đối mặt với việc bị liệt từ thắt lưng trở xuống, cuộc sống gắn liền với chiếc xe lăn.
Nhiều đêm, chị không tài nào ngủ được khi nhớ về những tiết mục chị cùng với anh em đồng nghiệp biểu diễn dưới ánh đèn sân khấu trong sự cổ vũ, hò reo của khán giả. Những chuyến lưu diễn khắp các tỉnh thành trong cả nước, có biết bao kỷ niệm không thể nào quên cứ ùa về giằng xé con tim chị. Một bên là niềm đam mê với nghề vẫn luôn cháy, một bên là thực tại quá đỗi phũ phàng, khiến chị không dám nhìn thẳng vào sự thật.
Một buổi tập của các nghệ sĩ xiếc
Cú ngã đó đã lấy đi quá nhiều thứ của chị, chị phải nằm viện 6 tháng để điều trị, làm quen với chiếc xe lăn. “Thời gian đó thật sự là địa ngục đối với bản thân tôi. Nhờ có người chồng, đồng thời cũng là đồng nghiệp, bạn diễn của tôi trong suốt nhiều năm qua động viên, chia sẻ, chăm sóc tôi mới vượt qua được. Giờ đây, khi bình tĩnh trở lại, tôi thấy mình vẫn may mắn vì còn được nhìn các bạn đồng nghiệp tỏa sáng trên sân khấu và cố gắng truyền đạt lại kinh nghiệm trong suốt hơn 20 năm biểu diễn cho các em mới vào nghề”, chị Hoàn tâm sự.
Ngồi xe lăn truyền nhiệt huyết
Trong những năm hoạt động nghệ thuật, chị đã đi lưu diễn nhiều nước trên thế giới cùng với đó là rất nhiều bằng khen ghi nhận thành tích, đóng góp của chị với ngành xiếc. Khi xảy ra tai nạn, chị đang là Phó đoàn xiếc 2 của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Giờ đây, khi không còn được đứng trên sân khấu biểu diễn, nhìn lại chặng đường đã qua, chị nói rằng: “Có lẽ, thời gian đẹp nhất cuộc đời tôi là thời gian được cháy hết mình với nghề xiếc, được hòa mình với âm thanh, ánh sáng và những động tác trên sân khấu”. Chị có mong muốn là truyền đạt lại hết những kinh nghiệm mà mình tích lũy được trong những năm qua để giúp các em mới vào nghề nhanh chóng trưởng thành và tránh được những chấn thương trong quá trình tập luyện, biểu diễn.
Khi tôi và chị đang ngồi trò chuyện trong căn nhà nhỏ ở khu tập thể Liên đoàn Xiếc Việt Nam thì có một nam diễn viên xiếc chạy đến hỏi chị về bài tập ba tanh hôm trước. Chị Hoàn cho biết, trước khi bị tai nạn chị cũng đã là huấn luyện viên của các em mới vào nghề. Chị vừa luyện tập cho các em, vừa đạo diễn các tiết mục sao cho thật hấp dẫn.
Dẫn tôi đến phòng tập thể lực ở Rạp xiếc Trung ương, các diễn viên xiếc trẻ đang chăm chú luyện tập. Vì diện tích có hạn nên các tiết mục phải chia nhau ra tập luyện. Khi chị Hoàn đi xe lăn vào, 2 bạn trẻ đang tập tiết mục đu dây trên cao liền ngừng tập, tiến đến hỏi chị về cách buộc dây làm sao cho an toàn nhất. Chị Hoàn ngồi trên xe lăn, chỉ bảo cho các em từng động tác. Nào là buộc dây ra làm sao cho chắc chắn mà không bị xây xước, đu trên cao như thế nào để tạo ra tư thế đẹp khi biểu diễn... tất cả đều được chị chỉ bảo tận tình.
Chị Hoàn đang hướng dẫn từng động tác cho các bạn trẻ
“Từ khi vào nghề, tôi không nhớ nổi mình đã bị chấn thương bao nhiêu lần, nhẹ có, nặng có. Chuyện xây xát, gãy tay, chân, trật xương là chuyện thường gặp đối với bất cứ một diễn viên xiếc nào. Bởi, khi đã chấp nhận đến với nghề này là chấp nhận đối mặt với nguy hiểm luôn rình rập. Tuy nhiên, khi mình đã trải qua rồi, mình sẽ có kinh nghiệm hơn và mình muốn các em hạn chế những chấn thương có thể xảy đến với mình”, chị Hoàn nói.
Khi tôi giơ máy ảnh lên chụp, chị có phần e dè. Chị lo hình ảnh của mình sẽ làm ảnh hưởng đến các thế hệ sau. Các bậc cha mẹ sẽ không dám cho con đi học xiếc, còn những em đang theo học xiếc thì sẽ không còn nhiệt huyết với nghề nữa. Có lẽ, khi yêu bất cứ một điều gì thì người ta luôn muốn gìn giữ và phát huy nó.
Sau khi đã trải qua những biến cố trong nghề, trò chuyện với chị, tôi vẫn thấy trong từ lời nói, ánh mắt, cử chỉ, việc làm của chị chất chứa một niềm đam mê lớn với nghề xiếc.