Di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được ghi danh vào các Danh sách của UNESCO.
Mới đây, tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO diễn ra tại Rabat, thủ đô của Vương quốc Ma-rốc, di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là một trong 56 hồ sơ được xem xét trong kỳ họp này.
Theo Uỷ ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Hồ sơ đề cử của Việt Nam đáp ứng được những tiêu chí để đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO.
Gốm của người Chăm chủ yếu là đồ gia dụng, đồ dùng cúng lễ và đồ mỹ nghệ gồm chum (jek), nồi (gok), mâm (cambak), bình (bilaok)… Nghề làm gốm được xem là sự sáng tạo cá nhân do người phụ nữ Chăm làm ra trên nền tảng tri thức được lưu truyền trong cộng đồng. Thay vì sử dụng bàn xoay, người phụ nữ Chăm di chuyển giật lùi quanh khối nguyên liệu để tạo hình sản phẩm. Gốm không tráng men và được phơi khô, nung ở ngoài trời bằng củi và rơm trong 7 - 8 giờ ở nhiệt độ khoảng 800 độ C.
Nguyên liệu gồm đất sét, cát, nước, củi và rơm được khai thác tại chỗ. Dụng cụ làm gốm đơn giản do nghệ nhân tận dụng vật liệu tại chỗ để cạo mỏng thân gốm, sử dụng vỏ sò, vải cuộn thấm nước để chà láng thân gốm. Tri thức và kỹ năng làm gốm được trao truyền cho các thế hệ trong gia đình thông qua thực hành. Việc làm nghề tạo cơ hội cho người phụ nữ Chăm giao lưu, tương tác trong lao động sản xuất, sinh hoạt xã hội, cũng như trong việc giáo dục nghề nghiệp cho con cái, nâng cao hơn nữa vai trò của họ trong xã hội. Nghề làm gốm cũng giúp tăng thu nhập của gia đình và bảo lưu thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa của người Chăm ở Việt Nam.
Hồ sơ cho biết hiện nay số lượng nghệ nhân, người thực hành và người học nghề tại các làng gốm còn rất ít. Dù có nhiều nỗ lực bảo vệ, di sản vẫn có nguy cơ mai một bởi nhiều mối đe dọa khác nhau (tốc độ đô thị hóa ảnh hưởng đến không gian các làng nghề thủ công truyền thống và ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu sẵn có; chi phí nguyên liệu tăng cao; nghệ nhân lành nghề tuổi cao, thế hệ trẻ không hứng thú với nghề, sản phẩm thiếu sự đa dạng…). Đây cũng là lý do để di sản này phải được bảo vệ.
Trên cơ sở đó, Hồ sơ trình bày chi tiết kế hoạch bảo vệ di sản được thực hiện trong 4 năm (2023 - 2026). Di sản này đã được đưa vào "Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia Việt Nam" và Báo cáo kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên Hệ thống thông tin quản lý di sản văn hóa phi vật thể của Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL).
Đến nay, Việt Nam có 15 di sản được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản phi vật thể (bao gồm 13 di sản văn hóa phi vật thể trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 2 di sản văn hóa phi vật thể trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp) phân bố ở 61/63 tỉnh, thành.