Tại các vùng biển xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, lặn bắt hải sâm là một nghề “hái” ra tiền, nhưng đằng sau đó là sự nguy hiểm luôn rình rập, những cái chết không bao giờ báo trước.
Khác với nhiều nghề trên biển, nghề lặn bắt hải sâm buộc các ngư dân luôn phải lặn xuống đáy biển, cùng với đó người thợ phải thật sự gan dạ, khéo léo để xử lý các tình huống khi có sự cố ở dưới mực nước sâu. Các ngư cụ chính của nghề chủ yếu là bình khí oxy, dây dẫn ống khí, chân vịt và vợt lưới...
Các thợ lặn lập thành từng tổ, khi bình minh lên họ bắt đầu công việc đánh bắt, đến lúc xế chiều thì kết thúc. Mỗi ngày các thợ thay phiên nhau lặn theo ca, để xuống biển nhanh và sâu hơn, trước khi lặn họ thường quấn chì để tăng thêm độ nặng.
Được biết, ở thôn Châu Thuận Biển có hơn 70% người dân làm nghề đánh bắt hải sâm, chủ yếu tập trung đánh bắt ở các ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Trước khi xuất bến các ngư dân thường chuẩn bị khoảng 300 cây đá và gần 3 tạ muối hột. Bắt được hải sâm các thợ lặn nhanh chóng đưa lên tàu, rồi được mổ bụng, ướp muối nhằm giữ độ tươi cho đến khi chuyển vào đất liền. Ngoài ra, nếu đánh bắt dài ngày họ còn đem theo cả lương thực, thực phẩm để dự trữ ở lại trên biển.
Ông Võ Hải đang thử đồ lặn để chuẩn bị ra khơi
Theo anh Nguyễn Đức Anh (SN 1990, thôn Châu Thuận Biển), một thợ lặn bắt hải sâm cho biết, trong chuyến đi vào đầu năm, tàu anh ra bắt được gần 2 tạ hải sâm, đem về đất liền bán cho các thương lái được hơn một tỷ đồng, trừ các khoản chí phí mỗi bận lặn cũng kiếm được trên 100 triệu đồng. Anh cũng cho biết, đây thực sự là nghề “hái” ra tiền, nếu “trúng quả đậm” có thể “hốt bạc” cho một chuyến đi, nhưng bên cạnh đó cũng không ít rủi ro. Đôi khi đang lặn bỗng dưng bình oxy ngừng hoạt động, áp xuất dưới biển thay đổi đột ngột, hay dây kéo vướng vào đá rất nguy hiểm, thậm chí có thể bỏ mạng dưới đáy đại dương.
Anh Võ Hải (SN 1977, thôn Châu Thuận Biển) chia sẻ, bản thân anh đã có thâm niên trên 10 năm làm nghề này, trải bao bao nhiêu thăng trầm, lắm lúc gặp sự cố tưởng chừng phải bỏ mạng dưới biển. Nguy hiểm là vậy, nhưng vì miếng cơm manh áo, cuộc sống mưu sinh nên không thể bỏ nghề được.
Theo thống kê của Phòng LĐTB & XH huyện Bình Sơn và Lý Sơn, trung bình mỗi năm có 15 vụ ngư dân gặp nạn khi lặn đánh bắt hải sâm trên biển, trong đó không ít người phải bỏ mạng hoặc bị các tai biến sống thực vật.
Ông Nguyễn Quốc Vương (Chủ tịch UBND xã Bình Châu) cho biết, nghề lặn hải sâm là nghề truyền thống, cha truyền con nối nhiều đời nay. Ở địa phương, đa số người dân đều làm nghề đánh bắt hải sâm khu vực biển Hoàng Sa và Trường Sa, nhờ vậy, nguồn thu nhập kinh tế tăng cao, cuộc sống ổn định.