Vẫn giữ quyết tâm bám biển, vẫn nuôi hy vọng ngày trở lại Hoàng Sa, nhưng thuyền trưởng Võ Quang Thái đang đứng khó khăn khi không có kinh phí sửa chữa tàu cá bị cướp phá.
Trở về sau chuyến ra khơi đầy bão táp khi bị tàu hải cảnh Trung Quốc cướp phá ngư cụ nhưng các thuyền viên tàu cá QNa-91939 vẫn giữ quyết tâm vươn khơi bám biển. Với họ, biển cả đã nuôi sống biết bao nhiêu thế hệ của người con xứ chài Tam Quang, đó không còn đơn giản là ra khơi mưu sinh mà còn vì bảo vệ biển đảo của quê hương.
“Suốt 18 năm nay chúng tôi vẫn luôn bám biển, nghề này đã nuôi sống bao thế hệ gia đình tôi nên giờ có chết tôi cũng phải ra khơi, biển của mình thì mình cứ ra, sợ gì”, anh Võ Quang Thái (SN 1968, trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) chủ tàu cá QNa-91939 khẳng định.
Thế nhưng, ngày trở lại với biển của thuyền trưởng Võ Quang Thái vẫn còn lắm gian nan khi mới đây công ty bảo hiểm thông báo không chấp nhận đền bù cho tàu của anh với lý do ngư lưới cụ hư không có trong quy định được bồi thường.
Ngư cụ trên tàu cá của ngư dân Võ Quang Thái bị hải cảnh Trung Quớc cướp, phá gây thiệt hại nặng
“Để có tiền đóng tàu và mua sắm ngư cụ, vợ chồng tôi đã phải thế chấm cả sổ bìa đỏ để vay mượn gần 3 tỷ đồng. Chuyến biển này tôi cũng phải bỏ ra hơn 100 triệu đồng nhưng giờ coi như mất trắng. Toàn bộ ngư lưới cụ trị giá gần 1 tỷ đồng cũng bị hư hỏng nặng nhưng giờ không được bảo hiểm chi trả thì tôi biết xoay sở ra sao để có thể tiếp tục ra biển đánh bắt. Chỉ bởi 2 tiếng đồng hồ bị tàu hải cảnh Trung Quốc cướp phá mà tôi mất trắng gần 1 tỷ đồng”- anh Thái nghẹn ngào nói.
Theo thuyền trưởng Võ Quang Thái cho biết, anh có mua bảo hiểm cho tàu cá QNa-91939TS của mình. Trong hợp đồng bảo hiểm số có nêu rõ, người được bảo hiểm là ông Võ Quang Thái và 14 thuyền viên trên tàu, tổng mức bảo hiểm là 41.450.000 đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 37.725.000 đồng, còn lại anh Thái phải nộp phí bảo hiểm là 3.725.000 đồng. Bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 14/10/2015 đến 24h ngày 13/10/2016. Bảo hiểm còn nêu rõ giá trị nếu tàu gặp nạn như: tai nạn cho thuyền viên là 980 triệu đồng/14 thuyền viên (mỗi thuyền viên 70 triệu đồng/người); giá trị thực tế thân tàu là 2 tỷ đồng, trong đó vỏ tàu 1,2 tỷ, máy móc 400 triệu đồng, trang thiết bị 400 triệu đồng; ngư cụ 500 triệu đồng và rủi ro đặc biệt 2 tỷ đồng.
Chị Đặng Thị Mỹ Nhân (SN 1972, vợ thuyền trưởng Thái) cho biết: “Sau khi tàu bị sự cố trở về, phía bảo hiểm có cho nhân viên xuống thăm hỏi và tìm hiểu. Tuy nhiên khi tôi hỏi về vấn đề bồi thường lưới, thúng chai..., nhân viên này nói không được chi trả do nằm ngoài danh mục bảo hiểm".
Theo một vị đại diện của công ty bảo hiểm, người đứng ký hợp đồng bảo hiểm với ngư dân Thái giải thích: “Theo điều khoản 15731 của Bộ Tài chính nếu rõ, trường hợp được bảo hiểm chịu trách nhiệm bồi thường là khi tàu bị mất tích, tổn thất toàn bộ. Nên ngư lưới cụ bị rách một phần của ngư dân Võ Quang Thái thì không được bảo hiểm bồi thường. Về trang thiết bị chỉ có máy Icom, máy dò cá, máy định vị thì được bồi thường. Nhưng cái máy dò cá đã bị lực lượng Trung Quốc ném mất xuống biển không còn tan vật, Bộ Tài chính quy định rõ trang thiết bị hư hỏng phải còn tan vật, hiện trạng. Việc này, bên bảo hiểm đang phân vân, chúng tôi đang xin ý kiến của tổng công ty bảo hiểm về việc máy dò cá này rồi có hướng giải quyết cho ngư dân Thái”
Bảo hiểm tàu do ngư dân Võ Quang Thái mua
Nói về việc 2 thúng chài của tàu bị phía Trung Quốc đập vứt xuống biển có được bồi thường không?. Vị này trả lời: “Hai chiếc thúng chai đó không có tham gia trong bảo hiểm quy định nên cũng không được bồi thường”. Còn rủi ro đặc biệt giá trị 2 tỷ trong bảo hiểm quy định như thế nào?. Đại diện bảo hiểm cho biết: “Rủi ro đặc biệt là khi tàu đang hoạt động trên vùng biển Việt Nam mà bị một tàu nước ngoài nào bắt giữ, trong thời gian 3 tháng không thả về thì lúc đó bảo hiểm mới bồi thường; ngoài ra tàu bị chất nổ nào đó ném vào tàu gây hư hỏng hay tàu bị đâm chìm thì lúc đó mới được phía bảo hiểm thanh toán bồi thường”.
Trở về sau chuyến ra khơi đầy kinh hoàng khi bị tàu hải cảnh Trung Quốc cướp phá gây thiệt hại nặng nề, giờ đây gia đình thuyền trưởng Thái đang đứng trước khó khăn vô cùng lớn khi không có kinh phí sửa chữa tàu. Vẫn giữ quyết tâm bám biển thế nhưng ngày trở lại biển sẽ còn lắm gian nan với thuyền trưởng tàu QNa-91939.