Đây là hoạt động trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao Quốc hội hai nước Việt Nam-Campuchia đầu tiên sau đại dịch COVID-19, đồng thời là hoạt động tiếp xúc trực tiếp đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Heng Samrin dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Vương quốc Campuchia và Phu nhân sẽ thăm chính thức nước ta từ ngày 12-14/9 tới.
Đây là hoạt động chính trị đối ngoại quan trọng giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Campuchia trong Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia 2022 và kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (24/6/1967-24/6/2022).
Đây cũng là hoạt động trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao Quốc hội hai nước đầu tiên sau đại dịch COVID-19, đồng thời là hoạt động tiếp xúc trực tiếp đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Ngày 24/6/1967, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Vương quốc Campuchia đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia đã kề vai sát cánh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, dành cho nhau sự ủng hộ quý báu, cùng giành thắng lợi lịch sử vào mùa Xuân năm 1975. Khi dân tộc Campuchia đứng trước thảm họa diệt chủng Pol Pot, Việt Nam tiếp tục sát cánh cùng các lực lượng yêu nước,nhân dân Campuchia, làm nên chiến thắng ngày 7/1/1979, giải phóng đất nước và nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt vong, mang lại hồi sinh cho đất nước chùa tháp.
Tiếp nối thành tựu to lớn trong thời kỳ hợp tác cùng đấu tranh giành độc lập trong lịch sử, những năm gần đây, quan hệ hai nước tiếp tục phát triển ổn định. Với phương châm phát triển quan hệ song phương: "Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài," những năm qua, quan hệ Việt Nam-Campuchia không ngừng được củng cố và phát triển trên mọi lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực, trên thế giới.
Quan hệ chính trị giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc và trao đổi dưới nhiều hình thức, kể cả khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương với cơ chế thiết thực được triển khai ngày càng hiệu quả, đi vào chiều sâu.
Các hoạt động ngoại giao nhân dân, nhất là tại các tỉnh biên giới diễn ra sôi nổi, rộng khắp, góp phần nâng cao hiểu biết của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước, hai dân tộc.
Khi hai nước mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19; Campuchia tổ chức thành công bầu cử xã, phường khóa V, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp tăng mạnh. Hai bên phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa trong khuôn khổ Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia năm 2022 và kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (24/6/1967- 24/6/2022), nhất là Lễ kỷ niệm 45 năm "Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot" của Thủ tướng Hun Sen do hai Thủ tướng đồng chủ trì tại khu vực biên giới tỉnh Bình Phước-Tbong Khmum ngày 20/6; Lễ kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia với sự tham dự của Phó Thủ tướng Campuchia, Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia-Việt Nam Men Sam An tại Hà Nội ngày 24/6. Việt Nam đã đón Đại tướng Hun Manet, Phó Tổng Tư lệnh kiêm Tư lệnh Lục quân, Quân đội Hoàng gia Campuchia thăm, làm việc từ ngày 7-9/8.
Về kim ngạch thương mại hai nước năm 2021 đạt 9,54 tỷ USD, tăng 79,1% so với năm 2020; riêng trong 7 tháng của năm 2022 đạt 7,08 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2021. Đến nay, Việt Nam có 188 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,8 tỷ USD, duy trì vị trí đứng đầu ASEAN và trong nhóm 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn hàng đầu tại Campuchia. Các cơ chế hợp tác song phương quan trọng (Ủy ban Hỗn hợp, Hội nghị Hợp tác và Phát triển các tỉnh biên giới…) tiếp tục phát huy hiệu quả tốt.
Hợp tác quốc phòng, an ninh, biên giới, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, du lịch, giao lưu nhân dân tiếp tục được quan tâm thúc đẩy; quan hệ hợp tác giữa các tỉnh có chung biên giới được coi trọng.
Du khách Việt Nam tới Campuchia trong 3 tháng đầu của năm 2022 đạt 46.303 lượt người, đứng đầu nhóm 3 các nước có khách du lịch tới Campuchia. Viện trợ của Việt Nam cho Campuchia tiếp tục được triển khai tương đối hiệu quả.
Quan hệ giữa cơ quan lập pháp hai nước, những năm qua được phát triển tốt đẹp trên cả bình diện song phương và đa phương; hai bên đã duy trì, thực hiện tốt Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội đã ký kết vào tháng 5/2019.
Trong khuôn khổ song phương, hai bên đã hợp tác đồng bộ, hiệu quả; duy trì trao đổi đoàn cấp cao, trao đổi kinh nghiệm công tác, giao lưu cấp Ủy ban, giữa các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị hai nước để trao đổi chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia; đồng thời thống nhất cùng tăng cường phối hợp, kiểm tra, đôn đốc, thúc đẩy, giám sát các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc thực hiện các Hiệp định, thỏa thuận đã được ký giữa hai nước; làm sâu sắc, thực chất và hiệu quả hơn quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam-Campuchia.
Về hợp tác giữa các cơ quan tham mưu, Văn phòng Quốc hội Việt Nam đang tiếp tục đào tạo nâng cao chuyên sâu về công nghệ thông tin và phiên dịch tại Việt Nam cho cán bộ Ban Thư ký Quốc hội Campuchia theo thỏa thuận hợp tác đã ký.
Tại nhiều diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới (IPU, AIPA, APF, APPF, ASEP...), các đoàn đại biểu Quốc hội hai nước tăng cường trao đổi và tham vấn, phối hợp lập trường về những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Hiện nay, Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Việt Nam đã có cơ chế phối hợp với các Ủy ban tương ứng của Quốc hội và Thượng viện Campuchia, Quốc hội Lào tổ chức các cuộc họp chuyên đề định kỳ về Khu vực Tam giác phát triển (CLV); Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Việt Nam đã có cơ chế phối hợp với các Ủy ban tương ứng của Quốc hội và Thượng viện Campuchia và Quốc hội Lào và Myanmar về hợp tác CLMV.
Tiếp nối cuộc trao đổi đoàn cấp cao giữa hai bên trong Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia 2022, chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Heng Samrin, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Vương quốc Campuchia là dịp để hai bên trao đổi về phương hướng, các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác nghị viện trong khuôn khổ song phương và đa phương; trao đổi ý kiến về những vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm, đặc biệt là góp phần quan trọng vào thành công của Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia, nhân dịp hai nước kỷ niệm 55 quan hệ ngoại giao.
Ông Samdech Akka Moha Ponhea Chakrei Heng Samrin, Chủ tịch danh dự Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia, Chủ tịch Hội đồng quốc gia Mặt trận Đoàn kết và Phát triển Tổ quốc Campuchia, sinh ngày 5/5/1934, quê quán ở xã Kok, huyện Pônhia Krek, tỉnh Kompong Chàm, dân tộc Khmer.
Quá trình công tác, năm 1959, ông tham gia hoạt động bí mật cơ sở. Năm 1960 đến 1962, ông là Chi ủy viên Chi Bộ cơ sở, tổ trưởng giao liên; năm 1963 đến 1967, là Chi ủy viên Chi bộ cơ quan Khu, Tổ trưởng giao liên khu Đông; năm 1968, là Chi ủy viên Chi bộ cơ quan, Tổ trưởng tổ y tế khu Đông; năm 1969, là Ủy viên thường vụ, Chính trị viên Trung đội.
Năm 1970, ông là Phó Bí thư Chi bộ, Chính trị viên đại đội 4, Khu Đông. Năm 1971, ông là Thường vụ Đảng ủy, Tiểu đoàn phó tiểu đoàn 12, Khu Đông. Năm 1972, ông là Phó Bí thư Đảng ủy, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 12. Năm 1973 đến 1974, ông là Phó Bí thư Đảng ủy, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 126, khu Đông. Năm 1975, ông là Phó Bí thư Đảng ủy, Chính ủy kiêm Tư lệnh sư đoàn 4, Khu Đông. Năm 1976 đến 1978, ông là Đảng ủy viên Khu Đông, Phó Bí thư Đảng ủy Ban Tham mưu Khu Đông.
Ngày 2/12/1978, ông được bầu làm Chủ tịch Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia. Ngày 8/1/1979, ông được cử giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Cách mạng nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia.
Tháng 1/1979, tại Đại hội III, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia. Tháng 5/1981, tại Đại hội IV, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia và Bộ Chính trị; được Quốc hội nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Tháng 12/1981, ông được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia. Tháng 10/1985, ông được Đại hội V Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương; tháng 10/1991, Đại hội bất thường cử giữ chức Chủ tịch danh dự Đảng Nhân dân Campuchia (CPP).
Năm 1993, ông được Quốc vương Norodom Sihanouk bổ nhiệm làm Cố vấn tối cao của Quốc vương. Tháng 5/1993, ông là Nghị sỹ Quốc hội khóa I; tháng 5/1998, là Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Campuchia khóa II; tháng 5/2003, là Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Campuchia.
Năm 2005, ông được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa III; năm 2007, kiêm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc gia Mặt trận Đoàn kết và Phát triển Tổ quốc Campuchia; được Quốc vương phong tước Samdech Akka Moha Ponhea Chakrei.
Năm 2008-2013, ông là Chủ tịch Quốc hội Campuchia khóa IV. Tháng 9/2013, ông là Chủ tịch Quốc hội Campuchia khóa V. Tháng 9/2018 đến nay, ông là Chủ tịch Quốc hội Campuchia Khóa VI, nhiệm kỳ 2018-2023.