Ngành GD-ĐT và bài toán vượt khó thời Covid-19

Kim Truyền| 10/07/2021 09:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đại dịch Covid-19 đang gây thiệt hại nặng nề cho sức khỏe, cuộc sống của nhân dân và ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội. Cũng như các lĩnh vực khác, ngành giáo dục ở tất cả các cấp đều bị ảnh hưởng không nhỏ tới việc giảng dạy và học tập. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực và sáng tạo, ngành GD-ĐT đã đạt được những kết quả an toàn trong công tác dạy-học, song song với phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Bài toán gắn liền với cuộc sống mưu sinh của nhiều gia đình

Dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp và khó lường: Việc truy tìm dấu vết bệnh nhân, việc cách ly và điều trị, việc thực hiện giãn cách xã hội...tất cả đều hướng tới mục tiêu ngăn chặn sự lây lan và đẩy lùi dịch bệnh. Rất nhiều khuyến cáo của Bộ Y tế được đưa ra, phù hợp theo diễn biến, tình hình của dịch bệnh. Trước những khó khăn đó, ngành GD-ĐT không thể và không để việc dạy và học bị ngăn trở, thật không dễ dàng để xây dựng một kịch bản chắc chắn cho ngành giáo dục trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

Có thể thấy việc rất đáng lo ngại, là trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn quốc bị gián đoạn về mặt giáo dục… Đóng cửa các trường học không chỉ ảnh hưởng tới nhà trường, giáo viên và các cơ sở đào tạo mà kéo theo đó là bài toán của các bậc phụ huynh phải nghỉ làm để chăm sóc con nhỏ. Nhiều phụ huynh đã và đang làm là kết hợp việc chăm sóc con với làm việc tại nhà bằng các hình thức khác nhau nhưng có thể làm giảm năng suất lao động? Thêm vào đó, diễn biến phức tạp của dịch bệnh cũng đẩy các trường học và cơ sở giáo dục tư nhân đối mặt với nguy cơ đóng cửa lâu dài và hệ lụy có thể dẫn đến phá sản. Từ đó mà hàng nghìn người mất việc, hàng triệu học sinh, sinh viên bị gián đoạn việc học. Đối với các cơ sở giáo dục công lập, các quyết định không chắc chắn sẽ gây ra sự chậm trễ trong việc đóng học phí của học sinh, sinh viên và từ đó ảnh hưởng tới tiền lương của giáo viên và đội ngũ nhân viên.

kn1.jpg

Gia đình sẽ gặp khó khăn trong việc nuôi dạy con trong thời Covid-19

Đối mặt với các thách thức to lớn đó, học tại nhà là giải pháp bắt buộc trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 khi học sinh không thể đến trường. Chúng ta phải đặt ra mục tiêu biến thách thức thành cơ hội và cần sự kết hợp của các ban ngành, sự hợp tác của gia đình, trường học và xã hội. Tuy nhiên, làm thế nào để kết nối với học sinh và đảm bảo tính liên tục của hoạt động giảng dạy thông qua hình thức đào tạo trực tuyến. Đối với học sinh, sinh viên ở các thành phố lớn, đào tạo trực tuyến là cách tốt nhất để giảng dạy học sinh, sinh viên trong bối cảnh cách ly tại nhà. Nhưng nhiều học sinh vùng sâu vùng xa không có đường truyền kết nối internet ổn định, nên để đảm bảo tính liên tục của giáo dục thông qua phương thức học từ xa đã trở thành một thách thức. Chưa bàn đến chất lượng mà chỉ xét trên phương diện kinh tế, việc học trực tuyến đã làm tăng chi phí giáo dục lên rất nhiều.

Với những khó khăn đó thì bộ GD-ĐT cũng cho phép các tỉnh thành thực hiện dạy học đại trà qua truyền hình và dạy học trực tuyến. Lịch phát sóng các bài giảng được thông báo rộng rãi để học sinh có thể tham gia vào việc học, thực hiện đào tạo trực tuyến cũng đồng thời giảm học phí hoặc cấp học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó các nhà mạng lớn ở Việt Nam, bao gồm Viettel, VNPT, MobiFone, và Vietnamobile cam kết hỗ trợ ngành giáo dục trong việc ngăn chặn và kiểm soát COVID-19 bằng cách miễn phí lưu lượng data điện thoại cho học sinh, sinh viên, giáo viên, và phụ huynh khi sử dụng các giải pháp đào tạo trực tuyến do Bộ GD-ĐT công bố.

kn2.jpg

Trường học tạm đóng cửa

Ngành GD-ĐT và bài toán gắn liền với cuộc sống mưu sinh của nhiều gia đình trong thời Covid-19, thật sự cần phải có sự chung tay của toàn xã hội để giúp các gia đình cân bằng trong việc nuôi dạy con cái và công việc hàng ngày. Với các biện pháp hỗ trợ học sinh, sinh viên, gia đình, trường học vượt qua khó khăn, thì việc tăng cường kết nối giữa phụ huynh và nhà trường cũng vô cùng quan trọng.

Hành trình chuyển đổi số trong ngành giáo dục

Đại dịch Covid-19 là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để ngành Giáo dục từng bước thích ứng với thời đại 4.0. Sự nghiêm túc trong việc phát triển ứng dụng mô hình học trực tuyến, công nghệ số để thay thế lớp học truyền thống. Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu của giáo dục hiện đại, việc tạo ra các bài giảng cập nhật trên nền tảng số có tính tương tác cao giúp học sinh, sinh viên tạo nên không khí thi đua học tập sôi nổi…đáp ứng nhu cầu học, nâng cao kiến thức, kĩ năng.

Với quy mô hơn 53.000 cơ sở giáo dục đào tạo, 24 triệu học sinh, sinh viên và hơn 1,4 triệu giáo viên nếu như thực hiện tốt việc chuyển đổi số thì ngành GD-ĐT sẽ góp phần đáng kể cho trương trình chuyển đổi số quốc gia, đóng góp cho nền kinh tế số, xã hội số và hình thành quốc gia số. Với ngành giáo dục, chuyển đổi số chính là một cuộc đột phá và là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung nguồn lực triển khai, thực hiện để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trước những yêu cầu mới, thách thức mới trong xu thế hội nhập quốc tế. Cùng với đó thì vấn đề then chốt vẫn là thúc đẩy các giải pháp phát triển kinh tế, giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền, bảo đảm tất cả học sinh cả nước, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số, đều đủ điều kiện về các trang thiết bị phục vụ việc giảng dạy và học tập trực tuyến.

kn3.jpg

Lễ tổng kết trực tuyến kết thúc năm học của trường THCS Kim Nỗ trong thời Covid-19

Bên cạnh việc hỗ trợ các nhà trường và doanh nghiệp giáo dục nhanh chóng thích ứng với những thay đổi dưới tác động của đại dịch Covid-19, đồng thời tận dụng sức mạnh công nghệ: Sự hiện diện trực tuyến, kết nối và xây dựng cộng đồng phụ huynh và học sinh thông qua các ứng dụng và giải pháp hoàn toàn miễn phí như Facebook Live, Facebook Group, Messenger, Rooms…giúp rút ngắn thời gian thực dạy khi học sinh trở lại trường học. Thì bộ GD-ĐT cũng đã điều chỉnh khung thời gian học, đáp ứng đồng bộ nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho các trường học.

Với những nỗ thực và sự chuyển mình cần thiết, ngành giáo dục đã hoàn thành tốt mục tiêu “kép” trong việc thực hiện mục tiêu đảm bảo an toàn sức khoẻ của học sinh, giáo viên; đồng thời hoàn thành kế hoạch năm học: Các nhà trường kết thúc chương trình giáo dục đáp ứng chuẩn yêu cầu đầu ra, bảo đảm tiến độ theo khung thời gian năm học đã quy định. Kết quả đó của ngành GD-ĐT trong dạy học an toàn dịp Covid-19, được Quốc hội, Chính phủ đánh giá cao.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành GD-ĐT và bài toán vượt khó thời Covid-19