Bước vào năm học 2016-2017, ngành GD-ĐT tỉnh Ninh Bình quyết tâm đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, bứt phá nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên cơ sở nền móng được tạo dựng từ nhiều năm qua.
Thể hiện rõ nét qua việc tỉnh đã củng cố vững chắc và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 và phổ cập THCS; tỷ lệ huy động trẻ đến trường mầm non tiếp tục tăng ở cả độ tuổi nhà trẻ và độ tuổi mẫu giáo; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi các cơ sở giáo dục được tăng cường bổ sung; tỷ lệ phòng học kiên cố toàn ngành đạt 85,4%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia các cấp học chiếm tỷ lệ 81,7% với 64,14% xã, phường, thị trấn và 2 thành phố có trường mầm non, tiểu học, THCS đều đạt chuẩn quốc gia. Vị thế của Giáo dục Ninh Bình được khẳng định trong tốp các tỉnh có chất lượng giáo dục cao của cả nước.
Không chỉ quan tâm tới cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị dạy học, Ninh Bình còn xây dựng được đội ngũ cán bộ, giáo viên vững và đồng đều (tỷ lệ giáo viên có trình độ trên chuẩn đạt 82,06%). Đây là cơ sở để Ninh Bình đạt chất lượng cao không chỉ ở giáo dục đại trà mà cả ở chất lượng mũi nhọn.
Nhiều năm liền, kết quả tốt nghiệp THPT và điểm bình quân các môn thi tuyển sinh đại học, cao đẳng của học sinh Ninh Bình luôn thuộc diện tỉnh, thành dẫn đầu cả nước (năm 2013, Ninh Bình xếp thứ 2/63; năm 2014 xếp thứ 4/63; tỷ lệ thí sinh có tổng điểm 3 môn thi để xét tuyển đại học đạt từ 15 điểm trở lên trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 chiếm tỉ lệ 80,3%).
Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn tỉnh đạt 97,5%; số thí sinh có tổng điểm 3 môn (để xét tuyển đại học) đạt 15 điểm trở lên chiếm 76,64%; theo thống kê của Đại học FPT, Ninh Bình xếp thứ 4 trong tốp 5 tỉnh, thành phố có điểm trung bình của tất cả các môn thi đạt cao nhất cả nước.
Tại Lễ ký kết hợp tác giữa Lãnh đạo Sở GD&ĐT Ninh Bình với đại diện lãnh đạo IIG Việt Nam
Cũng trong năm học vừa qua, Ninh Bình đạt được 50 giải học sinh giỏi quốc gia THPT, chiếm tỷ lệ 80,6% số học sinh dự thi, xếp thứ 8 trên toàn quốc; thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia có 5/6 dự án đoạt giải; đạt 25 giải kỳ thi học sinh giỏi giải Toán trên máy tính cầm tay cấp quốc gia; đạt trên 140 giải quốc gia trong các cuộc thi khác; 2 học sinh lớp 4 của Trường Tiểu học Trần Phú - TP.Tam Điệp giành giải Nhất Cuộc thi Ý tưởng trẻ thơ toàn quốc lần thứ 9 với ý tưởng “Máy thu và xử lý bão trong lòng đất”; đặc biệt, học sinh Ninh Bình đạt 1 huy chương Vàng tại Triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ Châu Á tổ chức vào tháng 5/2016 tại Malaysia.
Tổ chức thành công Hội khỏe Phù Đổng tỉnh lần thứ VI năm 2015 với gần 200 nội dung thi đấu tạo khí thế sôi nổi, đẩy mạnh phong trào “Rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” nâng cao thể lực và giáo dục nhân cách cho học sinh đúng vào dịp chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI và chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Tham gia thi đấu Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ IX đoạt 35 huy chương trong đó 6 huy chương Vàng, 5 huy chương Bạc, 24 huy chương Đồng...
Tuy có được những tiền đề thuận lợi nhưng bước vào năm học mới 2016-2017, ông Phạm Thanh Toàn - Phó Giám đốc Sở thừa nhận ngành GD-ĐT Ninh Bình vẫn đang đối diện với khá nhiều thách thức, rõ nét nhất là tình trạng mất cân đối, không đồng bộ về cơ cấu, chủng loại giáo viên tiểu học và THCS.
Trong khi tổng biên chế giáo viên thừa nhưng vẫn thiếu giáo viên Thể dục, Công nghệ, tiếng Anh nên vẫn còn tình trạng giáo viên dạy chéo môn, giáo viên hợp đồng ngắn hạn. Một số địa phương quy mô dân số tăng nhanh nên số học sinh tiểu học/lớp buộc phải vượt quy định; việc phân bổ kinh phí chi cho sự nghiệp giáo dục chưa đảm bảo theo cơ cấu chi ngân sách đã quy định; chậm đầu tư bổ sung một số thiết bị dạy học đã hết khấu hao, hư hỏng không sử dụng được làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy học.
Cũng theo ông Phạm Thanh Toàn - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Bình, để tháo gỡ những khó khăn, tồn tại cần tập trung nguồn lực giải quyết tốt những vấn đề liên quan tới cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, giáo viên bằng việc thúc đẩy xã hội hóa, bố trí ngân sách, kịp thời có chính sách, cơ chế thích hợp đối với cả thầy và trò, nâng cao hiệu lực quản lý giám sát toàn diện các mặt trong giáo dục đào tạo.
Trước hết, Ninh Bình đang tích cực rà soát lại quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, mục tiêu đặt ra là đối với các trường THCS có quy mô nhỏ đều phải sáp nhập lại cho phù hợp với việc bố trí giáo viên và cơ sở dạy học.
Để thiết thực nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, Sở GD-ĐT Ninh Bình đã xây dựng kế hoạch tổ chức các chuyên đề bồi dưỡng, đào tạo lại cho giáo viên, mặt khác có cơ chế khuyến khích và bắt buộc giáo viên đi bồi dưỡng để đạt chuẩn (quá thời gian quy định sẽ không bố trí đứng lớp).
Đối với học sinh, ngành GD-ĐT Ninh Bình có kế hoạch tập trung “vực” môn ngoại ngữ (tiếng Anh); đẩy mạnh phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh (vừa qua có gần 40% học sinh THPT thi ở cụm thi tốt nghiệp để học nghề). Trên cơ sở đó, ngành chủ trương đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, trách nhiệm quản lý cho các cấp trường và đơn vị; tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách tăng mức hỗ trợ các trường học đạt chuẩn quốc gia.