Ngân hàng Nhà nước vừa có thông tư hướng dẫn các ngân hàng thương mại được phép cho vay ngoại tệ kỳ hạn ngắn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sau hai tháng tạm ngừng cơ chế này.
Đây được xem như tín hiệu đáng mừng cho cả doanh nghiệp và ngân hàng thương mại trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, đằng sau chính sách này là những lo lắng về chính sách lãi suất huy động USD, hay chống đô la hóa.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc Ngân hàng Nhà nước cho phép doanh nghiệp được vay tín dụng USD trở lại trong 6 tháng cuối năm nay thể hiện sự linh hoạt của chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ nhóm doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, đúng theo tinh thần Nghị Quyết 35 vừa được Chính phủ ban hành nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Quyết định này trước tiên có lợi cho một nhóm doanh nghiệp cần vay USD. Tiếp đó cũng góp phần giảm áp lực đối với việc tăng lãi suất VND.
Doanh nghiệp xuất khẩu lại được vay ngoại tệ trở lại
Chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, quyết định này rất đáng hoan nghênh, bởi nhờ đó doanh nghiệp có thể vay với lãi suất thấp hơn một nửa so với lãi suất VND. Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái bám sát thị trường, khi thị trường có những điểm mới cơ quan này đã đưa ra những quyết định mới, thể hiện sự linh hoạt trong điều hành.
TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt cũng khẳng định, tại thời điểm này, với thực trạng khó khăn chung của các doanh nghiệp, nhất là trong hoạt động xuất khẩu, yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay là cần thiết và việc mở lại tín dụng ngoại tệ sẽ “chia lửa” cho lãi suất VND.
Công ty cổ phần đông lạnh Quy Nhơn có các sản phẩm như tôm đông lạnh, cá ngừ đại dương đông lạnh, tôm block, chuyên xuất sang thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… cũng là doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc giảm giá xuất khẩu và tình trạng phá giá đồng tiền của các nước xuất khẩu cạnh tranh trong năm 2015. Do vậy công ty này bày tỏ, nếu không tiếp tục được cho vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ, doanh nghiệp phải chuyển sang vay vốn ngắn hạn bằng VND lãi suất cao hơn sẽ làm tăng giá thành sản xuất, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp càng thêm khó. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người lao động. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại khi cho phép cho vay USD trở lại thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề, khiến chính sách lãi suất huy động USD có thể thay đổi.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Đỗ Duy Cường, khi ngân hàng được cấp tín dụng ngoại tệ trở lại, cụ thể là USD thì nhu cầu USD để cho doanh nghiệp vay sẽ tăng trong khi đó, nếu lãi suất huy động USD tiếp tục ở mức 0% thì có thể dẫn tới mất cân đối về kỳ hạn "đầu ra - đầu vào". Tức là ngân hàng khi cho vay ra có kỳ hạn, nhưng huy động USD thì đều là vốn không kỳ hạn.
Ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia cho hay, không nên "dị ứng" với việc cho vay ngoại tệ. Bởi nói cho vay nhưng bản chất lại không phải là cho vay mà là một nghiệp vụ chiết khấu chứng từ. Hiểu đơn giản là nhà xuất khẩu sẽ thu được ngoại tệ từ việc bán hàng, thay vì chờ đến khi thu được tiền, ngân hàng sẽ ứng trước một khoản ngoại tệ để doanh nghiệp bán lấy vốn VND kinh doanh nhưng chỉ phải trả lãi suất theo USD thấp hơn nhiều so với lãi vay VND.
“Việc mà Ngân hàng nhà nước nối lại tín dụng xuất khẩu theo tôi là bước đi đúng đắn và linh hoạt. Bởi vì chống đô la hóa đâu phải là chống một ngày, một tháng hay một năm mà cần làm từng bước có lộ trình và phù hợp với tình hình, điều kiện của nền kinh tế.” - ông Trương Văn Phước cho biết.
Trước đó, ngày 27/5, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 07/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định hoạt động cho vay bằng ngoại tệ. Theo Thông tư, từ ngày hôm nay 1/6, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước, thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu.