Chiều 17/7, trong cuộc họp báo tại Hà Nội, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim nêu rõ mục đích chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này nhằm củng cố, tăng cường mối quan hệ đối tác với Việt Nam.
Ông Jim Yong Kim tại buổi tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trưa 17/7. Ảnh: Chinhphu.vn
Đây là lần đầu tiên ông sang thăm Việt Nam trên cương vị người đứng đầu Ngân hàng Thế giới.
Trong chuyến thăm, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim đã gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng để bàn về thành tựu giảm nghèo, việc thực hiện các mục tiêu phát triển và ký kết các văn kiện hợp tác liên quan.
Bày tỏ vui mừng được trở lại sau 15 năm, chứng kiến những đổi thay nhiều mặt của Việt Nam, Chủ tịch Jim Yong Kim thông báo, Ngân hàng Thế giới sẽ dành cho Việt Nam nguồn tín dụng ưu đãi hơn 3,8 tỷ USD. Nguồn vốn này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đầu tư để cải thiện cuộc sống của người dân. Việt Nam hiện là nước nhận từ Ngân hàng Thế giới nguồn vốn ưu đãi lớn thứ hai trên thế giới.
Nhấn mạnh những thành tựu Việt Nam đạt được trong thời gian qua, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim cho biết: Việt Nam đã có nhiều chuyển biến từ một nền kinh tế nông nghiệp nghèo sang nền kinh tế có thu nhập trung bình, với mức tăng trưởng trung bình 6,4% mỗi năm, dù gần đây mức tăng trưởng đang bị giảm đi. Tỷ lệ nghèo đã giảm từ 60% vào những năm 1990 xuống dưới 10% hiện nay. Cũng trong thời kỳ đó, thu nhập bình quân của 40% người dân Việt Nam có thu nhập thấp đã tăng 9%/năm. Hiện nay tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang chậm lại và kinh tế đang phát triển thấp hơn tiềm năng, do đó cần đẩy mạnh cải cách để tăng cường hiệu quả các doanh nghiệp nhà nước và khu vực tài chính. Điều này cũng bao gồm thúc đẩy phát triển xanh và cải cách khu vực tư nhân để tăng việc làm, sáng tạo và nâng cao năng suất.
Chia sẻ về chương trình và lĩnh vực hợp tác trong thời gian tới, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim khẳng định, Ngân hàng Thế giới sẽ tập hợp các chuyên gia giỏi về tài chính, theo dõi giúp đỡ Việt Nam sử dụng hiệu quả đồng vốn; xây dựng chương trình đào tạo nghề hiệu quả; tăng cường năng lực hệ thống y tế; chống biến đổi khí hậu; tìm kiếm nguồn năng lượng tái tạo; góp phần sớm nâng mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam lên cao hơn.
Hồng Điệp