Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục áp thêm trừng phạt vào Nga trong 6 tháng tiếp theo, quyết định của EU chính thức có hiệu lực vào ngày 9/7.
Theo tài liệu, Hội đồng liên minh châu Âu đã đưa ra quyết định về các trừng phạt cứng rắn đối với Nga trong 6 tháng kéo dài từ ngày 9/7 đến 31/1/2019. Quyết định được phê duyệt ngay sau hội nghị thượng đỉnh liên minh châu Âu diễn ra vào hôm 28/6 và 29/6 vừa rồi.
Hội đồng liên minh Châu Âu cho hay, quyết định trên được đưa ra sau khi Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Merkel cập nhật tình hình thực thi các thỏa thuận Minsk. Việc thực hiện các thỏa thuận Minsk có liên quan trực tiếp đến vấn đề trừng phạt.
Trước đó, Anh đã kêu gọi EU tiếp tục mở rộng các trừng phạt nhằm vào Nga trong khoảng một năm thay vì chỉ 6 tháng. Tuy nhiên, Hội đồng liên minh châu Âu đã không chấp thuận đề xuất này.
Phản ứng trước bước đi mới nhất nói trên của EU, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố, quyết định của EU trong việc gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga sẽ làm phương hại đến sự phát triển của mối quan hệ hợp tác mang tính xây dựng giữa hai bên.
Nhà ngoại giao Nga cho biết, quyết định kéo dài thời hạn áp dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào Nga trong các lĩnh vực kinh tế và tài chính, Brussels đã một lần nữa bỏ qua cơ hội xem xét lại một cách mang tính xây dựng về phương pháp tiếp cận trong chính sách đối ngoại của EU với Moscow.
Bà Zakharova nói thêm rằng, Nga lấy làm tiếc khi các nước thành viên của EU một lần nữa lại thiếu quyết tâm trong việc thừa nhận bản chất giả của việc kết nối toàn bộ mối quan hệ Nga - EU với việc thực hiện các thỏa thuận Minsk, trong khi giới chức Kiev đang cố tình phong tỏa các thỏa thuận này.
Bà Zakharova nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp của EU và các công dân bình thường sẽ tiếp tục phải chịu hậu quả vì lập trường của Brussels, một lập trường thiếu tính thực tế và sự linh hoạt.
Nga và EU “thổi bùng” leo thang căng thẳng với loạt trừng phạt mới
EU bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga từ ngày 31/7/2014, sau khi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bùng phát và Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine.
Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, nhưng các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga bao gồm: các trừng phạt kinh tế, trừng phạt cá nhân và các trừng phạt liên quan đến Crimea.
Các trừng phạt cũng liên quan đến các ngành công nghiệp quốc phòng, năng lượng và tài chính. Trừng phạt kinh tế cũng áp dụng với các thị trường sơ cấp và thứ cấp đối với các thiết chế tài chính của Nga và các công ty con thành lập bên ngoài liên minh châu Âu.
Các trừng phạt cũng áp dụng việc cấm vận thương mại vũ khí và xuất khẩu hàng hóa kép cho mục đích quân sự đối với Nga cũng như hạn chế việc Nga tiếp cận với các công nghệ chiến lược nhằm khai thác và sản xuất dầu. Hiện, nhiều biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga.
Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Kết quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên. Bởi Nga vốn là đối tác thương mại lớn thứ ba của Châu Âu, vì vậy, “đánh” vào nền kinh tế Nga đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp của các nước thành viên EU sẽ phải hứng chịu những hậu quả không khác gì những công ty của Nga.
Việc một số nước thành viên EU lên tiếng kêu gọi hủy bỏ chính sách trừng phạt Nga đã khiến Moscow không ít lần hy vọng. Tuy nhiên, trên thực tế, Nga luôn phải thất vọng trước quyết định của liên minh phương Tây. EU vẫn tiếp tục gia hạn nhiều lần các gói biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Kết quả là đến nay, cuộc chiến trừng phạt giữa Nga và EU không những không có dấu hiệu kết thúc mà còn ngày càng được kéo dài không hồi kết.