Bên cạnh việc ngừng liên lạc quân sự với Ankara, Moscow quyết định triển khai tuần dương tên lửa Moscow (Moskva) đến bờ biển Latakia, nhằm tăng cường an ninh phòng không tại căn cứ không quân của Nga ở Syria.
Vụ máy bay ném bom Su-24 của Nga bị F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ ngày hôm qua (24/11) với cáo buộc “xâm phạm không phận” khiến cho quan hệ vốn căng thẳng giữa Moscow và Ankara lại tiếp tục gia tăng.
Cùng ngày, Trung tướng Sergei Rudskoi, phát ngôn viên Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga cho biết, 3 việc mà Moscow ưu tiên thực hiện ở thời điểm này đó là: Ngừng liên lạc quân sự với Ankara; Bất kỳ cuộc tấn công nào cũng phải được tiến hành với sự yểm trợ của máy bay trực thăng chiến đấu; Tăng cường an ninh phòng không tại căn cứ không quân của Nga ở Syria.
Tàu tuần dương tên lửa Moscow sẽ thực hiện nhiệm vụ phòng không trên biển tại căn cứ không quân của Nga ở Syria. Ảnh: Sputnik
Một trong những biện pháp an ninh bổ sung đó là Nga sẽ triển khai tàu tuần dương tên lửa dẫn đường Moscow tới khu vực ngoài khơi bờ biển Syria gần Latakia. Chiến hạm Moscow được trang bị hệ thống phòng không Fort (tương tự như tổ hợp tên lửa phòng không S-300) có nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu tiềm ẩn nguy hiểm.
“Chúng tôi cảnh báo rằng, mọi mục tiêu gây ra mối đe dọa tiềm ẩn đều sẽ bị tiêu diệt”, ông Sergei Rudskoi tuyên bố.
Ông Sergei Rudskoi chỉ trích vụ bắn rơi máy bay Nga của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ, gọi đó là một “sự vi phạm nặng nề luật pháp quốc tế”. Ông đặc biệt nhấn mạnh Su-24 rơi trên lãnh thổ của Syria; hiện trường tai nạn cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 4km, RT cho biết.
Máy bay chiến đấu Nga “không hề xâm phạm” không phận Thổ Nhĩ Kỳ, Rudskoi khẳng định. Ông còn nói thêm rằng, theo hình ảnh trên màn hình radar tại sân bay Hmeymim, máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ thực tế đã đi vào không phận Syria khi tấn công Su-24.
Trái với tuyên bố rằng Ankara đã vài lần cảnh báo máy bay chiến đấu Nga khi chỉ trong 5 phút, Su-24 đã 10 lần xâm phạm vùng trời Thổ Nhĩ Kỳ, đại diện Bộ Tổng tham mưu Nga cho biết, F-16 không hề cố gắng liên lạc với phi công Nga trước khi tấn công Su-24; và rằng Su-24 đã bị trúng tên lửa được bắn từ lãnh thổ Syria.
“Chúng tôi cho rằng, cuộc tấn công đã được thực hiện với tên lửa dẫn đường bằng tia hồng ngoại trong phạm vi gần”, ông Rudskoi nói thêm.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, trong bài phát biểu của mình tại Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định F-16 đã hết sức nỗ lực để tránh sự cố mới nhất này, và “tất cả mọi người cần tôn trọng quyền bảo vệ biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ”, RT dẫn nguồn Reuters cho biết. Một quan chức cấp cao của Ankara cũng nhấn mạnh, với những dữ liệu có được, rõ ràng “không phận Thổ Nhĩ Kỳ đã bị xâm phạm nhiều lần”, và đó là “sự cố ý vi phạm”. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Pháp Francois Hollande cùng kêu gọi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tránh leo thang căng thẳng trong cuộc họp diễn ra tại Washington, khi Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lên tiếng ủng hộ Ankara. Phát ngôn viên quân đội Mỹ cho biết, vụ việc chỉ liên quan đến Ankara và Moscow, và không ảnh hưởng tới chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) của lực lượng đồng minh do Mỹ dẫn đầu tại Syria.
|